Bàn giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển nhanh và bền vững

Thứ Sáu, 12/04/2019 19:36

|

(CATP) Chiều 11-4, tại TP. Quy Nhơn (Bình Định), các Bộ Giao thông - Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, UBND tỉnh Bình Định, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Hảo - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, ngành HKVN hiện có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng.

Năm 2008, tổng số máy bay của HKVN chỉ có 60 chiếc thì đến nay đã tăng hơn 3 lần, lên 192 chiếc. Nếu như trước đây đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines thì nay đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Mạng đường bay (ĐB) cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 ĐB nội địa và 130 ĐB quốc tế so với 25 ĐB nội địa và 54 ĐB quốc tế vào năm 2008.

Các tổ chức quốc tế đánh giá, HKVN thuộc diện tăng trưởng nhanh top đầu thế giới và dư địa còn rất lớn. Đến năm 2019, dự báo riêng sản lượng hành khách qua 21 cảng do Tổng công ty Cảng HKVN đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu khách.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Mạng ĐB của các hãng hàng không (HHK) trong nước mở rộng rất nhanh, đến nay đã có sự tham gia của 4 HHK: Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 HHK nước ngoài và 4 HHK trong nước đang khai thác 140 ĐB, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã hoạch định kế hoạch hạ tầng hàng không (HK). Cụ thể, đến năm 2020, tổng công suất thông quan là 104 triệu khách/năm, đến 2030 là 308 triệu khách/năm. Sự phát triển này hoàn toàn nằm trong dự báo, định hướng và kế hoạch của Nhà nước.

Theo ông Đặng Tất Thắng - Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways, việc tham gia của tư nhân vào lĩnh vực HK đã giúp nhiều người dân có cơ hội được bay. Việc cạnh tranh giữa các HHK Việt sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.

Bamboo Airways là hãng hàng không mới nhất tham gia thị trường

Đề cập tới vấn đề thị trường HK sẽ thay đổi thế nào khi các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào hạ tầng HK, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) - cho rằng, cảng HK, sân bay thuộc hạ tầng giao thông quốc gia thực hiện theo nguyên tắc giao thông đi trước một bước.

Do đây là kết cấu hạ tầng giao thông nên phải được quản lý chặt chẽ bằng kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển của Nhà nước. Nước ta đang có chính sách huy động nguồn lực xã hội vào hạ tầng HK, nhưng HK còn nhiều đặc thù khác. Xã hội hóa phải bảo đảm hài hòa lợi ích của các nhà đầu tư và lợi ích xã hội.

Theo ông Đỗ Đức Tú, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), HK phát triển “nóng” không chỉ cung cấp dịch vụ, phương tiện vận chuyển mà còn kéo theo một số hệ lụy do tăng trưởng nhanh nên hạ tầng không theo kịp tốc độ phát triển.

Nói thêm về tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận việc mở rộng nhà ga T3 đòi hỏi sự đồng bộ cả bên trong sân bay kết nối giao thông ra bên ngoài mới giải quyết được vấn đề quá tải, trong đó bao gồm hệ thống đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và trục kết nối hệ thống giao thông ngoài sân bay.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối thế giới với mức độ hội nhập rất sâu, kéo theo lĩnh vực HK tăng trưởng nhanh. Đặc biệt nhất của HKVN thời gian qua là tính cạnh tranh.

Cuộc chơi của các doanh nghiệp HK không thể vô hạn như taxi hay viễn thông, có người vào, người ra, không cần nhiều quá, nhưng luôn tạo áp lực cạnh tranh. Quản lý HKVN phải tạo áp lực để các doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh lành mạnh, đó là điều quan trọng nhất và tích cực của HKVN.

Còn theo đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đỗ Đức Tú, sự phát triển “nóng” của HK có mặt tích cực và cả những hệ luỵ nhất định. Tích cực vì đây là cơ hội phát triển trong lĩnh vực HK, phát triển kinh doanh vận tải HK. Nhưng tăng trưởng quá nhanh sẽ dẫn đến khả năng đáp ứng về hạ tầng sân bay, cụ thể là hạ tầng, chưa theo kịp tốc độ của vận tải.

Chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng hiện HKVN còn rất nhiều dư địa để phát triển. Khả năng đáp ứng nhu cầu chuyên chở của các HHK nước ta chỉ mới bằng một nửa của Trung Quốc và bằng 1/4 so với Thái Lan… Đó là điều kiện để HKVN đẩy mạnh phát triển.

Tuy nhiên cũng nên lưu ý cần gỡ các nút thắt tại các cảng HK quốc tế trong nước như Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Việc phát triển cũng cần chú ý hoàn thiện các chính sách và quy định để đảm bảo vấn đề an ninh HK.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết thêm, hàng không có đặc thù là dù phát triển nhanh, phát triển mạnh đến đâu vẫn luôn phải có sự kiểm soát của Nhà nước, không thoát ra ngoài Chiến lược phát triển giao thông vận tải HK mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Cũng không phải chúng ta không dự báo được điều này, mà chính vì chúng ta dự báo được thị trường sẽ phát triển rất mạnh, Thủ tướng đã hoạch định kế hoạch hạ tầng HK như đã nêu ở trên.

Bình luận (0)

Lên đầu trang