TPHCM: Kẹt xe kinh hoàng ở nút giao thông An Phú

Thứ Hai, 10/07/2023 17:37

|

(CATP) Vào những giờ cao điểm, nhất là những ngày cuối tuần, lưu lượng xe tập trung tăng đột biến, ùn ứ lập tức xảy ra tại nút giao thông An Phú càng nghiêm trọng. Công trình trọng điểm đang thi công tại đây với quy mô rất lớn ở cửa ngõ phía Đông, tuy nhiên theo dự kiến phải đến năm 2025 mới hoàn thành. Do vậy, tình trạng kẹt xe nơi đây đang rất cần nhiều lực lượng chức năng tham gia điều tiết nhằm giảm thiểu ùn ứ liên tục diễn ra.

3 tiếng đồng hồ chưa ra khỏi thành phố

Mặc dù là ngày cuối tuần (thứ bảy và chủ nhật), nhưng dòng xe cộ (ôtô) nối đuôi nhau từ hướng đường Xa lộ Hà Nội, hay Mai Chí Thọ ra vào Nguyễn Thị Định, hướng lên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, hoặc ra đường Đồng Văn Cống (ngay nút giao thông An Phú đang thi công) là tình trạng ùn tắc một cách nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng (ngụ đường Đồng Văn Cống, TP.Thủ Đức) cho biết, sáng thứ bảy ngày 08/7, gia đình đi ôtô về hướng Khu du lịch Suối Tiên, nhưng ngay tại nút giao thông An Phú, kẹt xe kéo dài hàng cây số, nhích từng chút một, mất cả tiếng đồng hồ mà xe chưa thoát khỏi tình trạng ùn ứ. Tương tự, anh Hoàng Thanh (ngụ Q1, TPHCM) cho biết, cả nhà đi ra hướng cao tốc để xuống Vũng Tàu, nhưng xe cộ nối đuôi nhau hàng dài từ cầu Cá Trê Lớn, trên đường Mai Chí Thọ, phải mất thời gian rất dài mới qua giao lộ với đường Đồng Văn Cống vì lượng xe tải, xe container rất nhiều. Tiếp đến là giao lộ với đường Nguyễn Thị Định, hướng lên cao tốc khiến tiêu tốn không biết bao nhiêu là thời gian... mệt mỏi vô cùng.

Kẹt xe kinh hoàng tại nút giao thông An Phú sáng 08/7

Gặp người đàn ông tên Ba, ông cho biết trước đây là thợ hồ, sau này phụ vợ buôn bán tại nút giao thông An Phú. Từ ngày công trình thi công nút giao thông An Phú, tình trạng kẹt xe diễn ra trầm trọng hơn. Thường ngày, sáng từ 6 - 8 giờ, chiều thì giờ cao điểm khoảng 16 - 17 giờ là kẹt xe diễn ra tại nút giao thông này.

Ông Ba cho biết: "Nhiều người tỏ ra rất bực bội vì kẹt xe mà trễ giờ làm, hay rất tốn thời gian vì không cách nào thoát khỏi dòng xe cộ quá đông đúc khi công trình đang thi công". Do vậy, nút giao thông này đang rất cần sớm hoàn thành, cũng như sự bố trí, phân làn hợp lý khi dòng xe cộ giao nhau tại các điểm. Hơn nữa, ông Ba là người thường xuyên có mặt tại đây, chứng kiến cảnh kẹt xe diễn ra hàng ngày, nên rất cần vào các giờ cao điểm phải có mặt lực lượng chức năng tham gia điều tiết giao thông, nhằm hạn chế bớt tình trạng kẹt xe...

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, quá trình thi công công trình quy mô lớn tại vị trí nút giao An Phú chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống của bà con nhân dân ở khu vực lân cận. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Ban Giao thông sẽ tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ, tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng hạn chế tối đa ảnh hưởng đến lưu thông qua nút giao thông. Rất mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với dự án để sớm hoàn thành vào năm 2025, đáp ứng mục tiêu giải quyết triệt để tình trạng tắc nghẽn giao thông tại khu vực. Nút giao khi hoàn thành giúp chỉnh trang đô thị, góp phần xây dựng TPHCM ngày càng hiện đại.

Cần tăng cường lực lượng điều tiết

Cuối năm 2022, TPHCM đã tổ chức khởi công xây dựng nút giao An Phú. Đây được xem là điểm nghẽn rất lớn mà TPHCM cần khơi thông, cũng như được xem là biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ phía Đông thành phố. Dự án này có tổng mức đầu tư 3.408 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trước 30/4/2025. Do vậy, từ nay đến 2025, tình trạng quá tải, ùn tắc, kẹt xe tại nút giao thông này (cộng với mặt bằng đang dùng để thi công dự án) càng khiến ùn tắc, kẹt xe là điều không tránh khỏi. Do vậy, nút giao thông này hiện đang rất cần bố trí những lực lượng chức năng tham gia điều tiết một cách hợp lý, hơn là chỉ dựa vào đèn tín hiệu giao thông.

Được biết, về quy mô dự án An Phú có phần đường từ 10 - 12 làn xe, có thiết kế phần hầm 4 làn xe, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe. Phần nút giao thông khác mức thiết kế 3 tầng, bao gồm khu vực nút giao đường dẫn vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ. Tầng (-1), xây dựng hầm chui 2 chiều kết nối đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ. Tầng (+1), xây dựng 2 cầu vượt gồm 1 cầu vượt dạng chữ Y kết nối đường Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của với đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành Dầu Giây, 1 cầu vượt rẽ phải từ đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vào đường Mai Chí Thọ. Tầng (0), xây dựng đảo trung tâm và Tháp biểu tượng cùng các hạng mục như hồ nước, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật phù hợp theo phương án thiết kế kiến trúc được thông qua. Bên cạnh đó còn xây dựng 3 đơn nguyên cầu Bà Dạt phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu và 2 đơn nguyên cầu Giồng Ông Tố trong phạm vi giữa 2 cầu hiện hữu, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác (tiểu đảo, cầu bộ hành, hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống báo hiệu giao thông...) đồng bộ với quy mô nút giao.

Giao thông hỗn loạn
Thời gian thi công nút giao thông An Phú ảnh hưởng đến việc lưu thông là điều khó tránh khỏi

Theo UBND TPHCM, dự án có mục tiêu tăng cường kết nối cho tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với tuyến đường Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của thành phố, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của các dự án giao thông trong khu vực. Đồng thời, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt tại khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố và khu vực cảng Cát Lái. Dự án cũng góp phần vào mục tiêu từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực TP.Thủ Đức nói riêng và của TPHCM nói chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang