(CAO) Sáng nay (1-9), Cầu Bạch Đằng nối TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã chính thức được khánh thành, giúp cho việc kết nối cao tốc liên hoàn giữa Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn được rút ngắn, tạo động lực phát trển kinh tế không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà cho toàn bộ khu vực phía Bắc.
Công trình Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, khởi công ngày 25-1-2015, được Trungnam Group, phối hợp với Tập đoàn SE – Nhật bản và liên danh các nhà đầu tư khác thực hiện theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 7,760 tỉ đồng.
Cầu Bạch Đằng có quy mô hơn 3 km gồm phần cầu chính dây văng và phần đường dẫn dài hơn 1.9 km, kết câu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, chịu được động đất cấp 8.
Phần cầu chính dây văng có kết cấu 3 trụ tháp chính, trụ giữa cao 99.74 m, hai trụ tháp bên cao 94.5m, với bốn nhịp cầu dây văng. Mặt cầu ở độ cao 48.4, tĩnh không thông thuyền rộng 180 m, cao 48.4 m. Mặt cầu rộng 25m, được thiết kế với 4 làn xe, dự phòng nâng cấp thành 6 làn xe, phục vụ lưu thông với vận tốc 100 km/h.
Được thiết kế với hệ thống cáp dây văng, nhằm đảm bảo lực nâng, mỗi trụ cầu được bố trí 48 bó cáp, tương đương 144 bó tổng cộng. Nhờ đó, Cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trên thế giới; với khẩu độ nhịp lớn và góc nghiêng văng dây nhỏ kỷ lục ( tại vị trí tim cầu: 190).
Đây là cây cầu dây văng nhiều nhịp lớn thứ 3 trên thế giới
Cầu Bạch Đằng là biểu tượng cho quy mô và kỹ thuật xây dựng cầu đường mới của Việt Nam. Nhà thầu công ty Cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C ), đã hoàn thành công trình, sau nhiều thử thách.
Trước nhất, vị trí xây dựng cầu ở ngã ba sông lớn và cửa biển, chế độ thủy – hải văn phức tạp, đi kèm với lũ miền Bắc đổ về. Khí hậu khu vực khắc nghiệt khi nắng nóng cao độ (41oC) và lạnh rét buốt (2oC).
Tuy nhiên, đối với công tác thi công trụ cầu, áp thấp nhiệt đới kèm bão lớn gây tăng tốc độ dòng chảy, chính là những yếu tố khiến gián đoạn quá trình thi công. Tuy vậy, công tác thi công vẫn được triển khai 3 ca liên tục, nhân lực hơn 600 công nhân viên kỹ sư túc trực, kể cả trong những ngày giao thừa.
Hơn 600 công nhân viên kỹ sư làm việc không mệt mỏi để hoàn thành cây cầu đúng tiến độ
Để hoàn thành hai trụ chính của cầu, nhà thầu Công ty Cổ phần xây dựng và lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C) – Thành viên của Trungnam Group – đã đầu tư trang thiết bị thi công hiện đại như máy khoan Liebherr 44 sản xuất từ Đức với khả năng khoan sâu 95 m.
Các loại máy móc và phương tiện tải trọng lớn cũng được đầu tư như Xà Lan 1700 tấn, hoặc Cẩu tải 200 tấn. Tổng thể, Trungnam E&C đã sử dụng hơn 163 nghìn tấn bê tông cốt thép cho công trình.
Thứ hai, chiều cao trụ tháp bị khống chế bỡi phễu bay hàng không và luồng lưu thông hàng hải, nên không được vượt quá 100m và dầm cầu không thấp hơn 50m, trong khi nhịp cầu dài hơn 240m. Đây chính là lý do khiến Cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng phức tạp bậc nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Bằng công nghệ xe đúc hẫng, kết hợp dây văng và thanh chống tỳ, Trungnam E&C đã triển khai thành công 44 khối đúc (trung bình 450 tấn/ khối) đúng tiến độ, đạt chất lượng cao và an toàn trong suốt quá thực hiện.
Nút giao cuối tuyến cầu Bạch Đằng
Công trình cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến, sau khi đưa vào hoạt động, sẽ trở thành cầu nối quan trọng cho khu vực, giúp tiết kiệm hơn 750 giờ cho lượng ô tô qua phà, cũng như tiết kiệm hơn 80 tỉ phí qua phà mỗi năm.
Không chỉ giúp rút ngắn hơn 50 Km tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, Cầu Bạch Đằng sẽ liên kết tuyến cao tốc liên hoàn Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn, tạo điều kiện giải phóng toàn bộ tiềm năng vùng. Từ đó, tạo cơ hội phát triển mang tính chiều sâu, không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh, mà còn cho toàn bộ khu vực phía Bắc.
Theo dự kiến sau lễ khánh thành, bắt đầu từ 13 giờ chiều nay cầu Bạch Đằng sẽ được thông xe hoàn toàn và phương tiện giao thông chính thức được di chuyển qua hai bờ Hải Phòng – Quảng Ninh với tốc độ tối đa 80 km/h và tối thiểu là 60 km/h.