Bên cạnh sự tiện lợi tối đa, có sự bất cập, gây mất an toàn giao thông, trật tự đô thị đó là tình trạng ‘xe dù, bến cóc’ nhan nhản; xe chạy tuyến cố định ‘đội lốt’ xe hợp đồng, né bến để trốn thuế... Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cương quyết chấn chỉnh tình trạng này.
CSGT kiểm tra một “xe dù” gây cản trở giao thông
CSGT Đà Lạt theo dõi, xử phạt các nhà xe trực tiếp trên đường và qua hệ thống camera an ninh
“Nhà là bến”, “xe dù” đón – trả khách dọc đường
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra tình trạng các nhà xe tùy tiện lập bến bãi, dừng đón – trả khách không đúng quy định, nhiều phương tiện chở khách nhưng không đăng ký kinh doanh vận tải, đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động kinh doanh không đúng hình thức đăng ký, xe không có phù hiệu theo quy định... gây bức xúc, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến nhiều nhà xe hoạt động chân chính...
Hàng loạt nhà xe chạy đường dài, từ TP Đà Lạt đi các tỉnh phía Bắc và miền Trung, TP Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… đã tự lập riêng cho mình những ‘bến cóc’, đón - trả khách, đậu đỗ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, gây ách tắc, cản trở người tham giao thông.
Vào thời gian cao điểm, nhất là dịp lễ, Tết, những xe khách lớn, nhỏ của các doanh nghiệp hoạt động nhộn nhịp, ảnh hưởng rất lớn đến trật tự an toàn giao thông đô thị, khu dân cư và trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Các cơ quan chức năng liên tục ra quân kiểm tra, chấn chỉnh, nhưng chưa triệt để. Trong năm 2018, tình trạng ‘xe dù bến cóc’, các nhà xe vi phạm trong hoạt động vận tải chở khách ở tỉnh này gia tăng.
Trước tình hình trên, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh; nâng cao công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong kinh doanh vận tải.
Từ tháng 11-2018 đến nay, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng giao lực lượng Thanh tra giao thông Sở phối hợp lực lượng CSGT, Trật tự và các ngành liên quan (bảo hiểm, thuế...) mở đợt cao điểm ra quân kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm.
Thanh tra giao thông kiểm tra xe vi phạm (Ảnh: VTV)
Tại TP Đà Lạt, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng loạt nhà xe mới và cả doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe khách lớn, lâu đời, như: Phúc Hải, Thanh Thủy, Quốc Khánh, Vũ Hương, Tài Thắng, Hiền Ân, Bảo Vân, Thanh Bình Xanh... mạnh nhà xe nào xe nấy tự lập ‘xe dù, bến cóc’, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đậu xe, đón khách.
Những nhà xe như Hiền Ân, Bảo Vân, Tuấn Anh... với dàn xe trên 20 chiếc vừa chở người, chở hàng, vòng vo đón – trả khách trong trung tâm thành phố và dọc trên QL 20, QL 27 gây bức xúc với người tham gia giao thông.
Nhà xe Phúc Hải ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh tự lập ‘bến cóc’ ngay văn phòng công ty, nhiều xe khách lớn, nhỏ của doanh nghiệp này ngang nhiên đậu đỗ ngay dưới lòng đường. Nhà xe Thanh Thủy một mình một ‘bến cóc’ ở đường Nguyên Tử Lực.
Tại đường Phạm Ngọc Thạch, từ hơn 10 năm qua, ‘bến cóc’ của nhà xe Tài Thắng (chạy tuyến Đà Lạt - Hà Nội) luôn giăng hàng dãy xe lớn, nhỏ chiếm dụng một đoạn dài tuyến đường này gây cản trở giao thông cho người dân và du khách...
Đậu đỗ sai quy định, lấn chiếm lòng lề đường
Tại TP Bảo Lộc và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm, Cát Tiên... Đoàn liên ngành do Thanh tra Sở GTVT chủ trì phối hợp lực lượng CSGT, Trật tự giao thông phát hiện nhiều xe hoạt động khi chưa được cấp phù hiệu, đón trả khách không theo tuyến đăng ký, xe chạy tuyến cố định nhưng “lách” thành xe hợp đồng để né việc dừng, đỗ tại các trạm, bến quy định. Qua hơn 1 tháng kiểm tra, ngành chức năng xác định, có 106 ‘xe dù’, 23 “bến cóc” trên địa bàn toàn tỉnh và đưa vào danh sách ‘đen’ để theo dõi, xử lý.
Quyết liệt xử lý, chấn chỉnh
Trung tá Nguyễn Văn Hùng – Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Đà Lạt, cho biết, ngay từ đầu năm 2018, từ công tác tuần tra, kiểm soát, xác định những vi phạm trong hoạt động vận tải của một số nhà xe, đơn vị tham mưu, đề xuất cấp trên, yêu cầu 36 doanh nghiệp và nhà xe trên địa bàn TP Đà Lạt và các vùng lân cận có tuyến chạy qua Đà Lạt đến trụ sở Công an làm việc, viết cam kết nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải. Trong khi một số nhà xe chấp hành, một số khác ngoan cố không thực hiện nên sau đó liên ngành kiểm tra, xử phạt nghiêm minh về các lỗi vi phạm theo quy định.
Khi phát hiện các trường hợp sai phạm, lực lượng CSGT, Trật tự phối hợp Thanh tra giao thông, ngoài việc xử phạt trực tiếp với các nhà xe như: tước bằng lái, xử phạt vi phạm hành chính, tạm giữ giấy tờ xe... ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về việc đảm bảo trật tự giao thông đến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; kiên quyết xử lý nghiêm những nhà xe vi phạm, nhất là tình trạng lập ‘bến cóc, xe dù’ hoạt động trá hình dưới dạng hợp đồng vận chuyển hành khách.
Lãnh đạo Công an TP Đà Lạt cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Công an từng phường có các nhà xe đang hoạt động trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, tuyệt đối không để tồn tại các điểm đón, trả khách trái phép. Cùng đó, Công an TP Đà Lạt cũng đang tập trung xử lý các xe quá khổ, quá tải, hết hạn đăng kiểm, không đủ điều kiện lưu thông… thường hoạt động vào ban đêm tại vùng ven Đà Lạt. Các Đội tuần tra giao thông đã xây dựng các kế hoạch chuyên đề cụ thể kiểm tra, kiểm soát tại các điểm giao dịch đón, trả khách trái phép trên địa bàn quản lý.
Lãnh đạo Công an TP Đà Lạt, Chỉ huy lực lượng CSGT tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhà xe trên địa bàn để tuyên truyền pháp luật về vận tải hành khách, yêu cầu họ viết cam kết không vi phạm
Tại các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Đam Rông, TP. Bảo Lộc... Thanh tra Sở GTVT phối hợp với lực lượng CSGT, Công an các huyện, thành phố và Phòng CSGT Công an tỉnh tiến hành kiểm tra và làm việc đối với các đơn vị kinh doanh vận tải khách trên địa bàn.
Qua kiểm tra và làm việc đã tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật đối với kinh doanh vận tải hành khách và ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và ATGT. Đến nay, các nhà xe trên đã dùng xe trung chuyển để vận chuyển hành khách ra bến xe liên tỉnh Đà Lạt, không còn hiện tượng thành lập điểm giao dịch đón trả khách trái phép.
Thực tế, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, vấn nạn ‘xe dù, bến cóc’ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã giảm đáng kể nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Việc này có nhiều nguyên nhân: Ý kiến của một số nhà xe hoạt động lành mạnh, chân chính, cho rằng, hiện tượng ‘xe dù, bến cóc’ gây nhức nhối, bức xúc nhiều năm qua, nhưng chỉ khi rộ lên tình trạng này mới thấy lực lượng chức năng ra quân. Việc này, ngành chức năng cho rằng, do lực lượng mỏng nên không thể bao quát hết mà làm từng vị trí, địa bàn. Họ rất cần những tin báo tố giác, chỉ điểm của người dân và các nhà xe để việc xử lý các trường hợp sai phạm không bị bỏ sót, lọt.
Phía cơ quan chức năng cho rằng, nhiều khi tiến hành thanh, kiểm tra thì thông tin bị lộ khiến các nhà xe sai phạm, lập tức vào quy củ khiến anh em khó xử lý. Khi thấy Tổ kiểm tra, các tài xế trên đường ra dấu, báo tin cho nhau nên nhiều đợt ra quân, kết quả không cao. Nhiều nhà xe đăng ký ở tỉnh khác, như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... nhưng hoạt động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đăng ký một nơi, hoạt động 1 nẻo, không chấp hành tuân thủ việc vào bến bãi đúng quy định pháp luật, không đăng ký cấp phù hiệu hoặc khi bị tước phù hiệu vẫn luồn lách hoạt động.
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần gửi văn bản đến các tỉnh để phối hợp, nhưng chậm hoặc không có phản hồi. Bên cạnh đó là ý thức chấp hành luật giao thông của các tài xế quá kém, cả nhà xe và tài xế đều ham lợi nhuận tối đa nên họ bất chấp pháp luật. Cần có chế tài mạnh hơn nữa với nạn này để đảm bảo môi trường giao thông an toàn, giảm các vụ tai nạn giao thông.
Văn bản chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, ngành liên quan trong công tác chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về lĩnh vực giao thông đường bộ
Ông Trương Văn Huấn – Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, các Đội Thanh tra giao thông, thời gian qua tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý hoạt động vận tải khách theo chuyên đề cụ thể xuyên suốt thời gian đến Tết nguyên đán 2019 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm. Đến nay, qua 3 đợt kiểm tra, liên ngành đã kiểm tra đối với 46 lượt phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 31 trường hợp, số tiền xử phạt 91.800.000 đồng, tước quyền sử dụng GPLX 12 trường hợp.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông, Công an các địa phương kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh vận tải hành khách, các địa điểm có hiện tượng ‘xe dù, bến cóc’ hoạt động, các điểm giao dịch đón trả khách không đúng quy định để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm; tăng cường phối hợp CSGT Công an tỉnh, Công an các địa phương thường xuyên tuần tra, chốt chặn các vị trí cửa ngõ, trạm thu phí đường bộ trên quốc lộ để kiểm tra, xử lý vi phạm.
Đối với xe chạy tuyến cố định, kiểm tra việc thực hiện quy trình xuất, nhập bến, bán vé cho hành khách, xử lý nghiêm các phương tiện không vào bến đón trả khách theo biểu đồ được phê duyệt.
Ông Phùng Khắc Đồng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, người phát ngôn của UBND tỉnh cho biết, lãnh đạo tỉnh luôn đôn đốc các đơn vị liên quan chấp hành nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, đảm bảo việc tập trung, quyết liệt trong việc thực hiện, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về lĩnh vực trật tự giao thông đường bộ trên địa bàn toàn tỉnh.
Nội dung văn bản chỉ đạo do Phó Chủ tịch tỉnh Phạm S. ký, quy định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra tình trạng 'xe dù bến cóc' trên tuyến đường, địa bàn quản lý; kết quả kiểm tra, xử lý báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 31-12-2018.