Khuyến khích taxi truyền thống “bắt tay” cùng ứng dụng công nghệ

Chủ Nhật, 23/12/2018 07:57

|

(CAO) Bộ GTVT khẳng định các doanh nghiệp và HTX vận tải bằng taxi phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động vận tải taxi của đơn vị mình là phù hợp, cần được khuyến khích.

Trước đó, nhiều hãng taxi truyền thống như taxi Quy Nhơn (Bình Định), taxi Quyết Tiến (Đắk Lắk), Bluetaxi (KonTum)… mạnh dạn bắt tay cùng Grab triển khai ứng dụng Grab taxi để năng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh của mình.

Dù chỉ mới thí điểm trong một thời gian ngắn nhưng các doanh nghiệp taxi truyền thống đều nhận được những kết quả hết sức khả quan như tối đa hoá hiệu suất sử dụng xe, tăng thu nhập cho tài xế, trong khi vẫn đảm bảo hệ cơ chế điều hành qua tổng đài của mình...

Bộ GTVT khuyến khích taxi truyền thống “bắt tay” cùng ứng dụng công nghệ

Tuy nhiên, do vấp phản sự phản đối của một số doanh nghiệp taxi truyền thống khác nên Sở GTVT các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Định và Gia Lai buộc phải yêu cầu các doanh nghiệp tạm dừng việc hợp tác triển khia dịch vụ Grab taxi để xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã ký công văn số 14245/BGTVT-VT gửi Sở GTVT tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Bình Định và Gia Lai khẳng định Bộ GTVT luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải (hàng hóa và hành khách), trong đó khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự thuận lợi cho người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Blue Taxi (Kon Tum), Taxi Quyết Tiến (TP.Buôn Ma Thuột), Công ty TNHH MTV Thương mại Hùng Nhân Gia Lai, Hợp tác xã Vận tải cơ giới 19/5 Tuy Phước trên địa bàn tỉnh Bình Định đều là đơn vị vận tải đã được Sở GTVT cấp Giấy phép kinh doạnh vận tải bằng ô tô, phương tiện cũng đã được cấp phù hiệu xe taxi theo quy định.

Do đó, các doanh nghiệp và hợp tác xã vận tải bằng xe taxi nêu trên phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm (như mô hình GrabTaxi) để triển khai việc ứng dụng phần mềm hỗ trợ công tác điều hành hoạt động vận tải taxi của đơn vị mình là phù hợp, cần được khuyến khích. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng lưu ý các doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ được áp dụng đối với các phương tiện taxi đã được cấp phù hiệu theo quy định, báo cáo về Sở GTVT tỉnh trước khi triển khai thực hiện.

Công văn của Bộ GTVT nêu rõ quan điểm khuyến khích taxi truyền thống hợp tác cùng các ứng dụng công nghệ

Việc Bộ GTVT thể hiện quan điểm rõ ràng của mình đã tháo gỡ “rào cản” pháp lý để các doanh nghiệp taxi truyền thống dễ dàng bắt tay cùng các công ty cung cấp ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng dịch vụ của mình để mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng.

Liên quan đến việc hợp tác giữa taxi truyền thống và ứng dụng công nghệ, dư luận cũng đang rất quan tâm đến kết quả thỏa thuận giữa Vinasun và Grab trong vụ kiện kéo dài đến nay chưa có hồi kết.

Grab Taxi là một dịch vụ được tích hợp trong ứng dụng Grab và đã được Bộ Công thương cấp phép là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, hoạt động theo Nghị định 52 của Bộ Công thương.

Khác với Grab Car hoạt động theo đề án thí điểm theo Quyết định số 24 của Bộ GTVT, Grab Taxi không làm thay đổi giá cước cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế. Xe taxi vẫn gắn mào và hành khách vẫn chi trả giá cước vận chuyển theo đồng hồ tính cước đặt trên xe như quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Bình luận (0)

Lên đầu trang