Từ khi được cấp phép thí điểm, Grab và Uber đã trở thành một trong những loại hình dịch vụ vận tải không thể thiếu của người dân; bởi thao tác thuận tiện trên nền ứng dụng công nghệ có thể xác định điểm đi và đến, số điện thoại tài xế, cước phí,... Tránh tình trạng tài xế đi đường vòng không minh bạch trong thanh toán cước,...
Vinasun dán decal phản đối Uber, Grab
Sáng ngày 8-10, người dân thành phố bất ngờ khi nhiều xe taxi của hãng Vinasun đồng loạt dán dòng chữ "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", "Đề nghị dừng Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Vinasun - Tạ Long Hỷ cho biết, công ty đã nắm được tình hình việc dán decal kiến nghị dừng thí điểm Grab, Uber; nội dung của khẩu hiệu ông Hỷ nhận định 'không đến nỗi quá đáng'.
'Đây là hành động của anh em lái xe do bức xúc chính sách của Grab và Uber nên đã làm vậy; phía công ty đang rà soát lại vụ này', ông Hỷ cho biết.
Nhưng theo một số thông tin từ cánh tài xế của hãng xe này, đa số các phương tiện phải dán decal thì mới cho xuất xe. 'Dán decal là kế hoạch của hãng và bất cứ xe nào cũng phải đưa về xưởng để dán. Tôi thấy việc này có gì đó không ổn. Uber và Grab xuất hiện thì số lượng người đi taxi giảm nhưng dán decal như vậy không hay cho lắm', tài xế tên Trung (Q.6, TP.HCM) cho biết.
Tương tự, một tài xế khác của hãng Vinasun chia sẻ, 'từ sáng đã có người của hãng xuống dán decal, không có chuyện tài xế tự ý dán bảng. Cạnh tranh mà dán kiểu này hơi quá đáng, việc để tên 2 thương hiệu Grab, Uber trên xe, chả khác nào Vinasun đang quảng cáo cho hai hãng này'.
Theo một số chuyên gia kinh tế nhận định, hành động dán decal ghi tên doanh nghiệp như Vinasun là 'trò trẻ con'. Trong lĩnh vực kinh tế, cá nhân và pháp nhân có quyền yêu cầu người khác tuân thủ pháp luật. Trường hợp này, nếu Grab và Uber chứng minh hành động của Vinasun gây mất uy tín, danh dự và tổn thất quyền lợi có thể kiện ra toà án yêu cầu bồi thường tổn thất.
'Hai đơn vị nói trên có thể khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh việc Vinasun cạnh tranh không lành mạnh. Vinasun có thể khiếu nại đến cơ quan hoặc khởi kiện bên không tuân thủ pháp luật ra toà án. Có rất nhiều cách, cơ chế giải quyết việc này, không nhất thiết phải làm như vậy', vị chuyên gia cho biết thêm.
Taxi truyền thống TP.Hà Nội bức xúc dán decal
Trong tháng 9-2017, sau khi Hiệp hội Taxi Hà Nội có đơn kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm xe taxi công nghệ tại các địa phương, hàng loạt taxi truyền thống như Vina, Mai Linh, Sao Thủ Đô, Mỹ Đình,... đã dán decal phía đuôi xe với nội dung khẩu hiệu ám chỉ việc mô hình thí điểm đã có số lượng xe quá nhiều và tiền thuế nộp về quá ít.
Cụ thể, 'yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch', '50.000 xe thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỷ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỷ, vậy ngân sách thất thu ở đâu?'.
Theo một số tài xế taxi truyền thống tại Hà Nội, chương trình thí điểm ứng dụng công nghệ khoa học để hỗ trợ quản lý, kết nối hoạt động, vận tải hành khách theo hợp đồng cần phải dừng lại và họ mong muốn Bộ GTVT có giải pháp, phương hướng trong hoạt động chung của taxi.
Taxi truyền thống đã phải chịu quá nhiều chi phí, trong khi đó lượng khách liên tục giảm gây thất thu. Để làm tài xế taxi, một số hãng đã đưa ra chính sách đặt cọc tiền từ 10-15 triệu đồng, nhưng lương và thu nhập khá ít ỏi; tỷ lệ phân chia doanh thu giữa tài xế với doanh nghiệp không đồng đều đã làm kinh tế tài xế lao đao.
"Chúng tôi phải tự trả các khoản phí như nhiên liệu, vệ sinh, đóng phạt, sửa xe, doanh số. Tự mua xe hoặc mua của công ty, tài xế đều phải mua thương quyền từ các doanh nghiệp và phải chịu chi phí thương hiệu hàng tháng, phí bảo hiểm, đồng phục,... Nhiều người không thể chấp nhận cuộc chơi nên đã bỏ cuộc, mất tiền cọc ban đầu", anh Đ. - tài xế của hãng taxi S.T.Đ cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - Đỗ Quốc Bình, cho rằng tại TP.Hà Nội nhiều tài xế phản đối đề án thí điểm của Bộ GTVT đã dán decal khẩu hiệu nhưng các hoạt động này không liên quan đến Hiệp hội và 'Hiệp hội hoàn toàn không có chủ trương'. Theo ông Bình, nguyên nhân sự việc là do bất bình đẳng của Bộ GTVT trong quản lý taxi truyền thống và Uber, Grab; mặc dù 2 thương hiệu này có hình thức hoạt động tương tự taxi. 'Hiệp hội mong các cơ quan chức năng lắng nghe, xem xét kiến nghị của Hiệp hội để tạo điều kiện kinh doanh công bằng cho tất cả doanh nghiệp, ông Bình nói. |
Tương tự, một tài xế tên Trường, bức xúc: "Grab và Uber hoạt động thời gian qua rất bất công, số lượng xe của chúng tôi ít hơn là một hạn chế, điểm tiếp theo là họ có thể ra vào nhiều đường, tuyến điểm cấm taxi lưu thông. Chúng tôi bức xúc vì đây là loại hình thí điểm nhưng tại sao lại không thể quán lý được số phương tiện đăng ký".
'Chúng tôi đóng thuế đầy đủ số liệu thì mong muốn các đơn vị khác cùng ngành nghề có số lượng xe gấp mấy chục lần thì ít nhất đóng thuế gần bằng với chúng tôi. Các cơ quan chức năng cần phải thực hiện công bằng trong việc thu thuế hơn nữa', Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh miền Bắc - Hồ Quốc Phi đã trả lời báo giới.
Trong bối cảnh của 'cuộc chiến' giữa các hãng taxi truyền thống và Uber, Grab, các doanh nghiệp vận tải cần phải chia sẻ những khó khăn với tài xế khi họ đang rơi vào cảnh 'một cổ nhiều tròng'.
Để các hãng có thể tồn tại và hoạt động, điểm mấu chốt vẫn là khách hàng và để phát triển taxi truyền thống thì các hãng cần có sự thay đổi trong tư duy kinh doanh vận tải và áp dụng công nghệ trong công tác quản lý.