Lập trạm điều tiết giao thông đường thủy trực 24/24 tại cầu sắt Bình Lợi

Thứ Sáu, 25/03/2016 15:14  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Trước sự cố sập cầu Ghềnh, cơ quan chức năng TP.HCM đã thành lập nhiều tổ túc trực 24/24 tại cầu sắt Bình Lợi để hướng dẫn các phương tiện lưu thông. Từ năm 2010 đến nay, cây cầu này nhiều lần bị sà lan đâm vào, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường thủy, đường bộ lẫn đường sắt.

Cầu sắt Bình Lợi dài 276m gồm 6 nhịp nối từ phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) sang phường 13 (Q.Bình Thạnh) được đưa vào sử dụng từ tháng 2-1902.

Đây là cây cầu có một nhịp quay đầu tiên vượt sông Sài Gòn, có kết cấu vòm thép, mặt cầu bằng gỗ, ở giữa có tà-vẹt đường ray xe lửa nối Sài Gòn – Biên Hòa, do Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn quản lý.

Cầu sắt Bình Lợi là cây cầu dẫn tuyến đường sắt huyết mạch Bắc Nam

Do tĩnh không cầu thấp (1,5m), khoang thông thuyền hẹp (30m) nên những lúc triều cường dâng xấp xỉ mức báo động 3 khiến hàng trăm tàu kéo, sà lan vận chuyển vật liệu xây dựng phải neo đậu dày đặc ở hạ nguồn và thượng nguồn gây tắc nghẽn giao thông.

Triều cường rút, các phương tiện tranh nhau qua cầu tạo nên cảnh hỗn loạn dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn do phương tiện thủy đâm, va, đội cầu làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đường sắt. Hằng ngày, lực lượng CSGT đường thủy cùng Ban Quản lý Đường thủy nội địa số 10 mất từ 3 đến 4 giờ để điều tiết giao thông. Nhiều phương tiện phải mất 2 ngày mới qua được khu vực này.

Từ tháng 1-2016, 18 nhân viên của Trạm điều tiết giao thông thủy cầu đường sắt Bình Lợi chia làm 3 ca, túc trực 24/24 để hướng dẫn, điều tiết các phương tiện thủy lưu thông qua cầu

Theo Phòng CSGT đường thủy TP.HCM, từ năm 2010 đến nay, liên tiếp xảy ra tình trạng phương tiện thủy va vào dầm cầu, trụ bảo vệ, nhiều vụ phải cử lực lượng cứu hộ đến đánh chìm sà lan để cứu cầu sắt Bình Lợi.

Điển hình, lúc 13 giờ 45 ngày 4-12-2013, sà lan BD0126 vận chuyển 680m3 xăng A92 do ông Nguyễn Hoàng Dũng (SN 1969, quê Tiền Giang) điều khiển đi qua khoang thông thuyền bị vướng vào gầm cầu sắt Bình Lợi trong lúc thủy triều đang dâng lên. Nhận tin báo, các lực lượng tham gia cứu hộ đã khóa chặt các van xăng, bơm nước vào để nhấn chìm đưa sà lan ra khoải khoang thông thuyền cứu nguy cho cầu sắt Bình Lợi.

Vụ mới đây nhất là lúc 1 giờ 30 ngày 1-11-2015, sà lan LA05853 công suất 400CV, trọng tải 998 tấn do ông Nguyễn Quốc Cường (SN 1983, quê Bạc Liêu) điều khiển đụng vào dầm cầu sắt Bình Lợi làm lệch 235mm, đường ray bị cong vẹo, biến dạng. Rất may thời điểm xảy ra tai nạn không có đoàn tàu lửa đi qua.

Lực lượng CSGT Đường thủy - Công an TP.HCM tổ chức tuần tra, kiểm soát trên sông Sài Gòn

Trước mối nguy hiểm đang ẩn họa quanh cầu sắt Bình Lợi, Phòng CSGT đường thủy - Công an TP.HCM phối hợp với Cảng vụ Hàng hải TP.HCM, Cảng vụ Đường thủy nội địa, Thanh tra giao thông... kiểm tra các khu vực có phương tiện neo đậu ở các cầu để giải quyết tình trạng neo đậu trái phép, tàu thuyền không cử người trông coi hoặc buộc phương tiện không chắc chắn.

Trung tá Phan Văn Mẫn - Đội trưởng Đội 2, Phòng CSGT đường thủy Công an TP.HCM

Trung tá Phan Văn Mẫn, Đội trưởng Đội 2, Phòng CSGT đường thủy - Công an TP.HCM cho biết: “Phòng đã nhiều lần kiến nghị đến Cục Đường sông, Sở GTVT, Công ty Quản lý Đường sắt Sài Gòn cùng nhau phối hợp, nhanh chóng xây dựng các phương án đảm bảo an toàn giao thông tại cầu sắt Bình Lợi. Trước mắt cần đưa tàu có công suất lớn vào trực 2 bên khoang thông thuyền nhằm ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra, cắt cử lực lượng cảnh giới 24/24 điều tiết giao thông. Cần quy định rõ ràng trách nhiệm, giao nhiệm vụ cụ thể giữa các đơn vị phối hợp trong việc đảm bảo an toàn cho cầu sắt Bình Lợi”.

Theo trung tá Mẫn, hiện nay có 9 phao neo ở khu vực hạ lưu, thượng lưu cầu sắt Bình Lợi bị hư hỏng và kiến nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiểm tra, khắc phục để đảm bảo an toàn cho các phương tiện thủy neo đậu chờ nước trước khi qua cầu.

Tại buổi họp báo chiều 24-4, ông Lê Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau sự cố cầu Ghềnh, lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu sắt Bình Lợi và dự kiến trong tháng 4-2016 sẽ khởi công. Cầu Bình Lợi mới dài gần 480m, nằm cách cầu cũ 12m về phía hạ lưu và có độ thông thuyền cao 7m.

Ngoài cầu sắt Bình Lợi, trên địa bàn TP.HCM còn có cầu Rạch Dơi, cầu Long Kiểng, Phước Kiểng, Rạch Tôm và hàng loạt cây cầu khác nằm trong diện báo động đỏ, không đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thủy. Những cây cầu này được xây dựng lâu năm, có độ tĩnh không và khoang thông thuyền hẹp không còn đáp ứng nhu cầu lưu thông của các phương tiện thủy.

Phòng CSGT Đường thủy – Công an TP.HCM đề nghị Cục đường thủy nội địa chỉ đạo cơ quan quản lý luồng kiểm tra, rà soát tất cả các khoang thông thuyền cầu đường bộ trên địa bàn TP.HCM để lắp đặt bổ sung báo hiệu dẫn luồng; đối với những cầu có khoang thông thuyền hẹp và thấp có nhiều phương tiện lớn lưu thông nếu cần thiết phải tổ chức điều tiết giao thông đường thủy.

Đơn vị này cũng khuyến cáo người điều khiển phương tiện lưu ý theo các biển báo hiệu hướng dẫn tại các cầu đường bộ có khoang thông thuyền thấp, hẹp và dòng nước không ổn định. Trường hợp không nắm vững luồng, lạch, chiều cao và chiều rộng khoang thông thuyền thì không được điều khiển phương tiện đi qua để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Đường thủy nội hạt TP.HCM lên đến 1.000km, trong đó hơn 110 tuyến sông, kênh, rạch... Tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Bình Thạnh, Q.8… có nhiều cây cầu đã cũ, xuống cấp nghiêm trọng. Trong năm 2015, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông đường thủy do các phương tiện thủy đâm va vào các cầu đường bộ. Cụ thể:

- Lúc 1 giờ 30 ngày 12-7-2015, tàu kéo LA03576 công suất 350CV đẩy sà lan LA03761 (trọng tải 904 tấn) đã đụng vào trụ cầu Cái Tâm bắc ngang kênh Xáng – Lý Văn Mạnh (thuộc ấp 6, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) làm sập toàn bộ cầu xuống sông.

- Lúc 5 giờ 40 ngày 18-9-2015, sà lan TV0522 trọng tải 359 tấn, công suất 290CV va chạm cầu Long Kiểng, huyện Nhà Bè.

- Lúc 23 giờ 40 ngày 29-1-2015 sà lan tàu kéo LA05027 công suất 290CV kéo theo sà lan LA04028 trọng tải 676 tấn va chạm cầu Rạch Dơi, huyện Nhà Bè.

Riêng cầu sắt Bình Lợi xảy ra 3 vụ trong vòng 2 tháng, trong đó vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 1-11-2015.

Nguyên nhân của các vụ tai nạn là do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông, không tuân thủ Luật giao thông đường thủy nội địa. Phòng CSGT đường thủy TP.HCM kiểm tra, xử lý 168 trường hợp vi phạm quy tắc khi qua cầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang