CHỞ HỌC SINH BẰNG XE... QUÁ “ĐÁT”
Trước cổng hai Trường THCS Tôn Đức Thắng và Võ Thị Sáu (phân hiệu 2) huyện Ia Grai (Gia Lai), thường xuất hiện chiếc ôtô BS: 81B-011.68 đưa đón học sinh. Nhìn ngoài đã thấy xe cũ kỹ, còn bên trong có 3 dãy ghế chính và 1 dãy ghế “độ” xếp hàng dọc, rách te tua. Xe thiết kế 24 ghế, nhưng thường được “nhồi nhét” tối đa.
Chúng tôi chụp biển số xe, nhờ Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) tỉnh Gia Lai xác minh. Kết quả, ôtô BS: 81B-011.68 đã hết hạn đăng kiểm từ năm 2017, không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách, không có phù hiệu xe đưa đón học sinh... Chủ xe là ông Nguyễn Tư Thoan (ngụ xã Ia Sao, huyện Ia Grai).
Chiếc xe đưa đón học “chui” tại huyện Ia Grai bị tạm giữ
Sau đó, chiếc xe trên bị CAH Ia Grai bắt quả tang khi đang đưa đón học sinh. Qua kiểm tra, chiếc xe đã quá đăng kiểm từ tháng 3-2017, không đăng ký hoạt động vận tải, không mua bảo hiểm, giấy phép lái xe (GPLX) không phù hợp... Cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt 10,8 triệu đồng, yêu cầu không được đưa đón học sinh cho đến khi khắc phục các lỗi vi phạm.
Đáng lo hơn là trước đó, ngày 17-9-2018, chiếc xe trên cũng bị CAH Ia Grai lập biên bản xử phạt hình chính 10,5 triệu đồng về các lỗi tương tự nhưng vẫn được lưu hành.
Ông Trương Tất Mạnh (Hiệu trưởng Trường THCS Tôn Đức Thắng, huyện Ia Grai) cho biết: Chiếc xe trên do phụ huynh và nhà xe tự ký hợp đồng đưa đón học sinh, không thông qua nhà trường nên trường không thể can thiệp. Năm học trước, trường đã báo cáo với cơ quan chức năng, đề nghị kiểm tra chiếc xe trên. Tuy nhiên, năm học này chiếc xe vẫn tiếp tục hoạt động trái phép.
Ngày 6-8-2019, một học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Gateway (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) đã tử vong, nghi bị bỏ quên nhiều giờ trên ôtô đưa đón từ nhà đến trường. Vụ việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn đối với phương tiện đưa đón học sinh, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là năm học 2019 - 2020 sắp khai giảng.
Sau đó chưa đầy 2 tuần (ngày 19-8), Tổ tuần tra kiểm soát của Trạm CSGT Phú Lộc (Công an Thừa Thiên - Huế) làm nhiệm vụ tại Km 882+800 QL1A đoạn thuộc huyện Phú Lộc, phát hiện Hồ Quốc Tuấn (SN 1976, ngụ địa phương) đang lái xe khách 50 chỗ BS: 73L-4047 có dấu hiệu vi phạm luật giao thông nên tiến hành kiểm tra. Qua đó, phát hiện xe này chở 40 học sinh của Trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc), tài xế không có GPLX, vi phạm một số lỗi kỹ thuật, lốp mòn. Không chỉ tài xế Tuấn bị lập biên bản về các lỗi trên, mà chủ phương tiện cũng bị lập biên bản về lỗi giao xe cho người không có GPLX.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cách đây hơn 2 năm, tại Km 121 + 600 của QL19 (đoạn qua xã Đắk Tley, huyện Mang Yang) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe đưa đón học sinh của Trường THPT Trần Hưng Đạo với một xe tải, làm hàng chục người thương vong (2 học sinh lớp 12 và 1 lái xe tử vong).
Những học sinh có mặt trên xe này cho biết, trước khi xảy ra tai nạn, tài xế vừa lái xe, vừa nghe điện thoại. Đến đoạn đường trên, xe này lao thẳng vào xe tải đang lùi từ bên đường ra. Chiếc xe chở học sinh có 35 chỗ ngồi, nhưng thường chở đến khoảng 50 em. Chủ xe cũng chỉ ký hợp đồng với các phụ huynh, không thông qua nhà trường để quản lý.
Vụ xe đưa đón học sinh tại huyện Mang Yang (Gia Lai) bị tai nạn, làm 2 học sinh tử vong
Ngay sau vụ tai nạn trên, việc quản lý xe đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai được xiết chặt. Tuy nhiên, được một thời gian thì đâu lại vào đó. Để các xe hết “đát” đưa đón học sinh, ngoài sự chủ quan của phụ huynh, buông lỏng quản lý của nhà trường, còn có sự tiếp tay của các cơ quan chức năng.
Vào tháng 10-2018, do liên quan đến việc xe đưa đón học sinh quá “nát” vẫn được đăng kiểm, Cục Đăng kiểm Việt Nam ra quyết định đình chỉ một dây chuyền kiểm định trong thời gian 1 tháng đối với Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-02D. Hai đăng kiểm viên thuộc Trung tâm này là: Lê Văn Minh bị đình chỉ công tác 3 tháng, Hoàng Nam Đàn bị đình chỉ công tác 1 tháng. Cùng chung sai phạm, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đình chỉ công tác 1 tháng đối với đăng kiểm viên Phan Văn Hùng (Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 81-03D).
Trước đó, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra việc dùng xe khách chở học sinh tại huyện Ia Grai, phát hiện 2 xe BS: 81B-013.94 và 81B-008.74 vi phạm về thay đổi thiết kế, không đảm bảo an toàn. Thậm chí sàn một xe bị thủng nhưng vẫn được đăng kiểm cho phép lưu hành (!?).
Một chiếc xe đưa đón học sinh được tân trang lại bên ngoài, còn bên trong đã cũ kỹ
Bên trong chiếc xe đưa đón học sinh bị tạm giữ tại huyện Ia Grai
KIỂM TRA ĐẾN ĐÂU, PHÁT HIỆN SAI PHẠM ĐẾN ĐÓ
Năm học 2018 - 2019, Sở GTVT tỉnh Gia Lai phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và Công an tỉnh bất ngờ kiểm tra điều kiện hoạt động của ôtô đưa đón học sinh tại 11 huyện, thị, thành phố của tỉnh. Qua kiểm tra 67 phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện 6 xe thay đổi thiết kế ghế ngồi, 3 xe không đăng ký kinh doanh, không có phù hiệu, 18 xe không có bình chữa cháy hoặc có, nhưng hết hạn sử dụng, 16 xe thiếu búa thoát hiểm, 1 xe mua bán, nhưng chưa sang tên, 23 xe không niêm yết tên và số điện thoại chủ xe trên phương tiện... Qua đó, đã xử phạt 7 phương tiện với số tiền 53 triệu đồng, tước 5 GPLX.
Đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều xe hoạt động “chui”, không đăng ký với nhà trường: Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) có 8 ôtô đưa đón học sinh tại trường, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê) có 3 ôtô đưa đón học sinh, nhưng chủ phương tiện không ký hợp đồng với nhà trường.
Theo Sở GTVT tỉnh Gia Lai, đến nay cả tỉnh có 88 cá nhân, đơn vị được cấp phép kinh doanh vận chuyển học sinh, với tổng số xe là 121 chiếc. Các xe muốn hoạt động đưa đón học sinh phải đăng ký với Sở GTVT, nếu đủ điều kiện thì sẽ được cấp phù hiệu riêng.
Ngoài việc kiểm tra của các đoàn liên ngành, lực lượng thanh tra giao thông (TTGT) của tỉnh vẫn thường xuyên kiểm tra xe đưa đón học sinh. Từ năm 2016 - 2019, TTGT phát hiện 18 phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh phạm các lỗi: GPLX không phù hợp, xe hết hạn kiểm định, thiết bị giám sát hành trình không hoạt động, tự ý lắp thêm ghế... TTGT đã lập 30 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền gần 147 triệu đồng.
Ngày 20-8, ông Đoàn Hữu Dũng (Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai) cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đến tháng 9-2019, đơn vị sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh đối với ôtô đưa đón học sinh trong năm học 2019 - 2020 trên địa bàn. Ông Dũng thừa nhận, xe đưa đón học sinh thường không phải xe mới, đa số tài xế lớn tuổi nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Hiện chưa có quy định về tiêu chuẩn riêng đối với xe đưa đón học sinh mà vẫn dựa trên tiêu chí chung khi cấp phép.
Theo ông Nguyễn Đăng Đính (Quyền Chánh văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai), đầu năm học mới này, Sở đã có văn bản gửi đến các cơ sở giáo dục, yêu cầu báo cáo đầy đủ liên quan đến xe đưa đón học sinh. Đối với những xe không đủ điều kiện thì kiên quyết xử lý, tuyệt đối không cho phép đưa đón học sinh. Xe đưa đón học sinh thì phải buộc chủ phương tiện ký hợp đồng trách nhiệm với nhà trường để phối hợp theo dõi, đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh khi đi lại.
Không chỉ Gia Lai, nhiều tỉnh, thành khác, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, tình trạng xe đưa đón học sinh không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, sự cố cao vẫn diễn ra, khiến phụ huynh và học sinh lo lắng. Nhưng vì không có phương tiện khác nên các em học sinh đành... “nhắm mắt” bước lên.
Ngày 14-8-2019, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ký Công điện số 989/ CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp lễ Quốc khánh (2-9) và khai giảng năm học mới 2019 - 2020.
Theo đó, các Bộ: Công an, GTVT, GD&ĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”, các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm ATGT; phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, ATGT khu vực cổng trường học.
Các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ điều kiện phương tiện, người lái và ATGT đối với hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe buýt. Tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc như thời gian qua. Có biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho học sinh đến trường, đặc biệt lưu ý đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trong mùa mưa lũ.