Luẩn quẩn đổi bằng từ B2 sang C1
Ghi nhận của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM trong sáng 17/02/2025 tại Trung tâm số 252 Lý Chính Thắng (P9Q3) có khá đông TX tìm đến thực hiện thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) trước ngày 19/02/2025 (thời điểm TPHCM tạm dừng cấp, đổi BL để phục vụ công tác bàn giao). Tuy vậy, với khoảng 10 trường hợp được khảo sát, quá nửa trong số này vẫn chưa nắm rõ từng phân hạng BL ôtô được quy định mới trong Luật TTATGT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Anh Nguyễn Thanh T. (25 tuổi, ngụ Q8) cho biết, anh vừa nhận được GPLX hạng B2 đầu năm 2024. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, thấy một số bạn bè, người thân trao đổi về việc thay đổi BL mới nên dù thời hạn sử dụng còn rất dài, trong khi bản thân cũng không hành nghề lái xe chuyên nghiệp nhưng anh vẫn thực hiện cấp đổi GPLX, với đề nghị cơ quan quản lý chuyển bằng sang hạng B. Tuy nhiên, khi được phóng viên và một số cán bộ tiếp dân tại trung tâm giải thích về việc đổi hạng BL từ B2 sang B như luật mới quy định, anh T. sẽ gặp phải một số hạn chế so với trước. Cụ thể, với BL hạng B2 trước đây, một TX như anh T. sẽ được lái ôtô chở người đến 9 chỗ hoặc ôtô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn; còn với BL hạng B theo luật mới, anh T. vẫn được lái ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi (gồm cả chỗ của TX), nhưng chỉ được lái xe tải có "khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn". Như vậy, từ được chở dưới 3,5 tấn hàng hóa trên xe tải của mình, anh T. chỉ được chở lượng hàng ít hơn, sao cho tổng trọng lượng hàng, xe và người đạt ngưỡng 3,5 tấn.
Còn với hạng C1 mới quy định sẽ cho TX nhiều quyền lợi hơn, với việc được lái tất cả xe thuộc hạng B đồng thời được lái ôtô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn. Trường hợp TX lựa chọn cấp đổi sang hạng B, đúng như phân tích ở trên, hạng B có một vài thông số "hạn chế" hơn so với hạng B2 cũ. Để tránh vấn đề này, anh T. nên cân nhắc lựa chọn đổi từ hạng B2 (cũ) sang hạng C1 (mới).

Người dân đề nghị tăng cường tuyên truyền Luật TTATGT
"Bản thân tôi cũng chưa tìm hiểu kỹ nên thấy bạn bè làm thế nào thì bắt chước theo như vậy", anh T. nói. Về trường hợp này, sau khi xét thấy bản thân không có nhu cầu hành nghề TX chuyên nghiệp, cũng chẳng điều khiển ôtô tải chở hàng thường xuyên, mà chỉ lái xe phục vụ gia đình, anh T. đã quyết định sử dụng BL cũ cho đến khi hết hạn hoặc có quyết định mới.
Trường hợp như anh T. cũng là điển hình của khá nhiều TX và người dân tìm đến các trung tâm cấp, đổi GPLX thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM thời gian qua, vô tình làm cho hệ thống cấp, đổi GPLX rơi vào tình trạng quá tải.
Cần chọn thời điểm phù hợp
Liên tục trong những ngày qua, Sở GTVT TPHCM đã phát thông báo cũng như tăng cường tuyên truyền, thông tin để người dân nắm rõ các quy định về đổi BL mới sao cho phù hợp, đúng với tính chất công việc của mình, tránh bị thiệt thòi do đổi bằng không đúng. Trao đổi với báo chí, ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho biết, việc thực hiện trở lại cấp, đổi BL cho người dân tại TPHCM sẽ được triển khai trở lại ngay sau khi hoàn tất công tác bàn giao. Thông qua báo chí, ông Bùi Hòa An khuyến nghị người dân cần lựa chọn thời điểm phù hợp để đề nghị đổi BL mới.
Thông qua Chuyên đề Công an TPHCM, một số bạn đọc đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền thêm về Luật TTATGT, trong đó có nội dung quy định về hạng, BL mới; tăng cường tuyên truyền, phản bác một số thông tin chưa chính xác, khiến người dân, đặc biệt là các TX hiểu chưa đúng về chính sách nhà nước. Tại TPHCM, từ cuối năm 2024, Phòng CSGT - Công an TPHCM đã tăng cường tổ chức các chuyên đề, những buổi sinh hoạt với các đơn vị kinh doanh vận tải, người dân trên địa bàn nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho TX, người dân, doanh nghiệp. Tuy vậy, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, Phòng CSGT cũng đề nghị các cơ quan báo chí đồng hành, đẩy mạnh việc phối hợp...
Trước đó, kết quả cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Công an (CA) và Bộ GTVT, thời điểm bàn giao lĩnh vực sát hạch, cấp BL xe giữa 2 bộ dự kiến là ngày 19/02. Lĩnh vực này sẽ được bàn giao trực tiếp từ Cục Đường bộ sang Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) và từ các sở GTVT địa phương sang CA tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ đã yêu cầu các sở GTVT kiểm kê, bàn giao cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và tài sản có liên quan cho CA địa phương, thời gian từ ngày 13/02 đến trước ngày quy định được cơ quan bàn giao và phía tiếp nhận thống nhất. Các dữ liệu sở GTVT phải thống kê gồm nhân sự sát hạch, cấp GPLX; số liệu về trung tâm sát hạch, sân tập lái; sát hạch viên; dữ liệu GPLX các loại; hệ thống phần mềm; tài sản phục vụ in GPLX; số lượng phôi BL còn lại; danh sách địa điểm tiếp nhận thủ tục hành chính về GPLX; dữ liệu hồ sơ đổi, cấp lại GPLX...
Trong văn bản được Sở GTVT TPHCM phát ngày 15/02, sở này cho biết sẽ dừng tiếp nhận hồ sơ cấp đổi, cấp lại GPLX kể từ ngày 19/02 để phục vụ công tác bàn giao nhiệm vụ theo quy định. Sở chỉ tiếp nhận hồ sơ cấp đổi, cấp lại GPLX ôtô còn giá trị sử dụng từ 1 đến dưới 10 ngày so với ngày hết hạn được ghi trên mặt trước của GPLX.
Cán bộ của Đội Tuyên truyền thuộc Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TPHCM giới thiệu những thay đổi về hạng bằng lái với các tài xế
Trót đổi sang bằng B, có được đổi lại C1?
Theo quy định pháp luật, khi người dân xin cấp đổi BL thì sẽ điền mẫu đơn, trong đó ghi rõ hạng BL muốn đổi sang. Người dân ký tên vào đơn rồi thì phải chịu trách nhiệm về việc đó. Chỉ có trường hợp trong giấy khám sức khỏe và đơn xin cấp đổi BL đều ghi hạng cấp đổi là C1 nhưng BL trả về vẫn là hạng B thì được xác định là lỗi của bộ phận cấp đổi và TX có quyền đề nghị cấp đổi lại về đúng hạng C1.