Người uống rượu, bia 'đòi' đo nồng độ cồn trên nhiều máy

Thứ Sáu, 05/08/2016 14:43  | Tiến Mạnh

|

(CAO) Dù biết vi phạm nồng độ cồn sẽ bị tăng mức phạt nhưng nhiều người vẫn điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia. Có trường hợp bị dừng xe kiểm tra yêu cầu lực lượng CSGT phải đo bằng nhiều máy và nếu kết quả giống nhau thì mới chịu phạt.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, kể từ ngày 1-8, người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng (mức phạt cũ tối đa 15 triệu đồng).

Mức phạt này cũng áp dụng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, về chất ma túy của người thi hành công vụ.

Lực lượng CSGT tiến hành đo nồng độ cồn người tham gia giao thông

Đối với người điều khiển xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng, (mức cũ phạt 3 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng).

Đây là một trong những hành vi bị tăng mức phạt nặng nhất theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014 vừa được Chính phủ ban hành.

Tối 4-8, lực lượng CSGT Trạm Đa Phước (thuộc Phòng CSGT đường sắt, đường bộ Công an TP.HCM) phát hiện anh Nguyễn Tuấn Kiệt (32 tuổi, quê Tiền Giang) có dấu hiệu say xỉn nên ra hiệu lệnh dừng xe để tiến hành đo nồng độ cồn.

Lúc đầu, người này cố tình giả vờ thổi nhưng sau khi được lực lượng chức năng nhắc nhở và hướng dẫn cụ thể thì mới chịu thổi thật. Kết quả từ máy đo cho thấy, anh Kiệt điều khiển phương tiện trong tình trạng có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Cụ thể, 0,543 miligam/1 lít khí thở.

Kết quả đo nồng độ cồn của trường hợp anh Nguyễn Tuấn Kiệt

Ngay sau đó, nam thanh niên này không đồng ý với kết quả trên và cho biết chỉ uống có hai lon bia, đồng thời yêu cầu thổi bằng máy đo khác. “Nếu thổi bằng máy khác mà cũng cho cùng kết quả thì tôi mới chấp nhận”, anh Kiệt nói trong trạng thái nồng nặc mùi rượu bia.

Trước sự việc này, thiếu tá Huỳnh Văn Hảo, Phó trạm trưởng Trạm CSGT Đa Phước đứng ra giải thích ngay tại hiện trường về công tác kiểm tra nồng độ cồn và các mức phạt cụ thể cho người vi phạm hiểu rõ. “Máy đo này chúng tôi không thể can thiệp vào bên trong và đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả đo nồng độ cồn này”, thiếu tá Hảo thông tin.

Tuy nhiên, anh Kiệt vẫn không hài lòng và cho biết chỉ uống 4 lon bia nhưng có lúc nói uống 1 hớp bia. “Tại máy các anh đo mạnh quá, tôi chỉ uống có một hớp bia thì sao nồng độ cao thế”, anh Kiệt tranh luận.

Trước thái độ không hợp tác của người vi phạm, lực lượng CSGT phải nhờ người dân chứng kiến kí vào biên bản để làm chứng. Với kết quả nồng độ cồn vượt mức cho phép, CSGT đã tạm giữ phương tiện, giấy tờ xe và lập biên bản xử phạt hành chính.

Bị lập biên bản vì vi phạm nồng độ cồn, anh Nguyễn Văn Trầm (áo xanh, quê Quảng Ngãi, làm nghề thợ hồ) lo lắng: "Lúc chiều đổ bê tông xong, chủ nhà có mời anh em ở lại uống mấy lon giải xương cốt. Tôi biết nâng mức phạt và vì ở trọ xa nên tôi uống rất ít, giờ bị giữ xe rồi không biết lấy gì đi làm nữa"

Việc tăng mức phạt đối với các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn, trong đó có sử dụng nồng độ cồn được nêu trong Nghị định 46 vừa có hiệu lực đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ người dân. Điều này góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời hạn chế xảy ra tai nạn trên cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng.

Theo thiếu tá Hảo, khó khăn lớn nhất mà lực lượng CSGT gặp phải khi kiểm tra nồng độ cồn là sự thiếu hợp tác, tìm cách né tránh, chống đối của người vi phạm.

Có thể nhận thấy, tình trạng say rượu, bia khiến người điều khiển phương tiện không kiểm soát được hành vi dẫn đến gây tai nạn và thương vong trong những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng. Hậu quả của các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất của vụ việc lẫn mức độ thiệt hại về người và tài sản.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người tử vong do tai nạn liên quan đến rượu, bia.

Theo nghiên cứu của tổ chức WHO, khi tiến hành khảo sát trên hơn 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam đã cho thấy, 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện.

Một chuyên gia y tế cho biết, tùy vào từng mức độ sử dụng rượu bia sẽ gây nguy hiểm cho người sử dụng khi tham gia giao thông.

Cụ thể, với nồng độ cồn ở mức 0,05mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ và bị kích động nhẹ, nói nhiều; ở mức 0,1mg/lít khí thở, người điều khiển sẽ gặp khó khăn trong việc cầm nắm, đi lại vụng về.

Với nồng độ 0,2mg/lít khí thở, người điều khiển dễ bị ức chế, dễ giận dữ, đi lại loạng choạng. Nếu ở các mức độ cao hơn, người uống có thể bị lú lẫn khiến họ không thể tự chủ được hành vi cá nhân…

Xét về góc độ sinh học, khi đã sử dụng rượu, bia người điều khiển phương tiện dễ ngủ gật, làm giảm khả năng phán đoán, xử lý tình huống kém, làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang