(CATP) Để phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT); đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động vận tải đường bộ (VTĐB) trên địa bàn TP, trên cơ sở chỉ ra một số vướng mắc, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã kiến nghị, đề xuất Bộ GTVT; Cục Đường bộ Việt Nam một số giải pháp cụ thể...
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM về kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm qua TBGSHT trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở đã từ chối cấp phù hiệu (biển hiệu) đối với 2.820 trường hợp vi phạm chưa truyền dữ liệu về Hệ thống giám sát hành trình; ban hành quyết định thu hồi 10.032 phù hiệu của phương tiện vi phạm về tốc độ qua trích xuất dữ liệu từ hệ thống và ra văn bản gởi đơn vị kinh doanh vận tải (KDVT) thực hiện rà soát, chấn chỉnh, nhắc nhở đối với 7.534 phương tiện vi phạm tốc độ, 81.620 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm thời gian lái xe liên tục (quá 4 giờ), vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày (quá 10 giờ).
Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng xe ôtô tại đơn vị KDVT, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ liên quan đến TBGSHT 21 trường hợp; áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thời hạn 2 tháng đối với 15 trường hợp.
Ông Võ Khánh Hưng - PGĐ Sở GTVT nhận định, hiện công tác quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu TBGSHT còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động VTĐB trên địa bàn TP. Cụ thể như, có nhiều hệ thống phần mềm quản lý nhà nước đơn lẻ, chưa có hệ thống phần mềm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tích hợp dùng chung trong ngành GTVT; việc tra cứu, truy cập còn hạn chế, bất cập, các thông tin phổ biến chưa được công khai rộng rãi trên hệ thống... Ngoài ra, còn có bất cập trong công tác thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm tốc độ. Theo đó, định kỳ hàng tháng, Sở GTVT trích xuất dữ liệu và ban hành quyết định thu hồi phù hiệu của phương tiện vi phạm, trung bình 1 tháng, hơn 2.000 phương tiện có quyết định phải thu hồi. Đối với số lượng lớn phương tiện vi phạm này, Sở gặp khó khăn trong việc cập nhập thông tin. Thực tế dữ liệu quản lý vận tải tại TP rất lớn với 243.863 phương tiện KDVT nên việc trích xuất và cung cấp, cập nhật dữ liệu hàng ngày quá tải, chậm và mất thời gian dài...
Thanh tra GTVT TPHCM phối hợp với Cảnh sát giao thông xử lý phương tiện vận tải vi phạm tốc độ khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, về công tác cấp phù hiệu (biển hiệu) cho xe ôtô vận tải cũng còn một số tồn tại cần được giải quyết. Thứ nhất, đối với các phương tiện được cấp biển số định danh điện tử, một số đơn vị KDVT không đề nghị cấp lại phù hiệu cho phương tiện mới mà sử dụng phù hiệu cũ để KDVT trên phương tiện mới, dẫn đến việc cơ quan quản lý không phân biệt được chính xác dữ liệu giám sát hành trình là của phương tiện nào.
Thứ 2, đối với việc cấp phù hiệu "Xe taxi", "Xe hợp đồng'" và biển hiệu "Xe du lịch", chưa có công cụ xác định, trích xuất tổng thời gian hoạt động trong một tháng (trên 70%) của phương tiện từ Hệ thống giám sát hành trình để Sở GTVT làm căn cứ, cơ sở cấp phù hiệu theo quy định. Hơn nữa, hiện nay mẫu phôi của biển hiệu "Xe du lịch" vẫn áp dụng theo Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, do đó chưa có mã "QR-Code" thể hiện trạng thái cũng như thông tin hiện hành của biển hiệu. Việc này sẽ gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, tác nghiệp tại hiện trường.
Thứ 3, đối với việc cấp phù hiệu "Xe tuyến cố định", hiện tại đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến VTĐB của Bộ GTVT chưa có công cụ tra cứu danh sách phù hiệu "Xe tuyến cố định" đã được cấp phép cho từng tuyến cố định, nên chưa thể thực hiện được việc trích xuất dữ liệu để phục vụ công tác chuyên ngành...
Thứ 4, đối với quy định về thủ tục hành chính để cấp phù hiệu khi tham gia KDVT lần đầu phải lắp đặt TBGSHT có tích hợp camera, cần sớm có hướng dẫn cụ thể và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến TBGSHT có tích hợp camera và sửa đổi, bổ sung quy định về thủ tục hành chính để được cấp phù hiệu phù hợp tình hình thực tế...
Khó khăn tiếp theo liên quan đến việc in phù hiệu sau khi được cấp phép. Theo Sở GTVT, đối với phù hiệu đã có mã "QR-Code" thì không cần thiết phải in phôi để đơn vị KDVT nhận trực tiếp (hoặc qua bưu chính) vì tốn kém chi phí, thời gian của đơn vị KDVT. Ngoài ra, Sở cũng chỉ rõ một số bất cập khác như: việc cấp "giấy phép KDVT bằng xe ôtô”; về tài khoản quản lý trên Hệ thống giám sát hành trình chưa có trích xuất dữ liệu khác để hỗ trợ, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền...
Ông Hưng cho biết thêm: Trên cơ sở nêu rõ những vấn đề còn tồn tại trong quá trình xử lý vi phạm đối với hoạt động VTĐB tại TPHCM, Sở GTVT TPHCM kiến nghị, đề xuất Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT sớm có ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể để lực lượng chuyên trách phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu TBGSHT; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động VTĐB trên địa bàn TP.