Đắt hơn một chiếc SH
Vì các lý do an toàn và kỹ thuật, các loại xe máy điện, xe đạp điện khi xuất xưởng bị giới hạn ở những phương diện nhất định như: tốc độ, quãng đường... Hầu hết các loại xe điện 2 bánh hiện nay chỉ có thể chạy khoảng 60 - 80km, tùy loại và dòng xe. Không ít lò độ xe bắt đầu tìm cách nâng cấp các loại pin, ắc-quy cho xe điện để tăng giới hạn về quãng đường. Chủ cửa hàng độ xe điện tên O. tại Q11 cho biết: "Hiện xe điện có nhiều loại, sử dụng pin hoặc ắc-quy, tùy hãng và giá tiền. Bên em hiện khách thích dùng dòng ắc-quy Tianneng (12V - 25Ah), gắn 6 bình hoặc độ thành 7 bình thì bao đi được tầm 100km, bảo hành dài hạn. Còn pin thì hiện có loại "khủng" là 72V - 117Ah đi được tới 350km, nhưng giá hơi "chua"".
Chiếc xe điện được độ động cơ, gắp sau, hệ thống phuộc và thắng đĩa
Theo O., hiện giá pin 72V - 117Ah dao động gần 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong gói độ gồm nhiều thành phần: thay ECU (IC) điều khiển xe máy và loại bỏ các giới hạn về tốc độ. Theo một số dân chơi xe điện, việc lên ECU là bắt buộc phải làm khi bắt đầu độ dòng xe này. "Thay ECU giúp tùy chỉnh chiếc xe tốt hơn, bỏ nhiều giới hạn mà nhà sản xuất đặt ra. Sau khi thay, xe còn bị hạn chế tốc độ, có sẵn các tùy chọn vận hành tốc độ cao khiến xe vận hành mượt hơn, chạy 80 - 90km/giờ là bình thường" - Một dân chơi xe điện độ chia sẻ.
"Bên em có các loại ECU như: Votol 100S, 150S, 100GTR... Tất cả đều là những dòng ECU "hot" trên thị trường, công suất tối đa lên đến 6000W. Loại ECU 150S đang được ưa chuộng nhất, giá chỉ khoảng 3,5 triệu đồng. Dòng này mặc định có sẵn nhiều chế độ lái, chọn "sport" thì chạy được 70 - 80km/giờ, có cả số lùi, "cruise control" hỗ trợ giữ ga và các chức năng người dùng tự cài. Nếu cài tối đa công suất, động cơ 3000 - 5000W có thể chạy hơn 100km/giờ là bình thường" - O. thông tin nhưng lưu ý thêm khi độ cần phải gia cố khung sườn để chạy tốc độ cao được an toàn.
Ngày 26/6/2024, UBND TP.Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II/2024. Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến kết quả điều tra vụ cháy nhà trọ khiến 14 người chết tại khu Trung Kính (Q.Cầu Giấy) xảy ra vào tháng 5/2024. Trả lời vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết: Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ cháy trên là do chập mạch điện ở phần đầu xe máy điện, sau đó cháy lớp vỏ cách điện rồi lan ra các xe máy xung quanh, dẫn đến vụ hỏa hoạn thương tâm trên.
Tham khảo nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, xe máy điện đang được ưa chuộng trong giới trẻ đam mê độ xe. Nam sinh A. (đang học lớp 12) nói: "Trước đây em đi xe máy rồi chuyển sang xe điện. Xe này độ lên thì chạy cũng không thua kém gì xe máy, thậm chí còn nhanh hơn. Em đã độ bộ 7 bình ắc-quy, bánh Qs6000W nên vặn ga là... bốc đầu xe". Chiếc xe máy điện mà A. đang chạy giá chỉ hơn 5 triệu đồng (xe cũ), sau nâng cấp đã không dưới 40 triệu đồng, bao gồm động cơ, ECU, phuộc, màn hình LCD, pin... Đó là chưa tính mấy phụ kiện lặt vặt như: ốc titan, vỏ bánh xe trước sau, gắp sau, heo dầu, thắng đĩa kiểng...
Trường hợp khác là H. (SN 2005), đã bỏ ra hơn 70 triệu đồng để độ xe máy điện. Cậu này nâng cấp dần dần toàn bộ chiếc xe, từ động cơ cho đến khung sườn đều được làm mới, gia cố lại, thay màn hình điều khiển, ECU, ghi đông trần, pin cũng được thay mới bằng loại 72V - 117Ah có thể chạy được từ 1 - 2 tuần mà không cần sạc. H. đang dành dụm tiền với mục tiêu độ xe thêm để có thể chạy với tốc độ trên 100km/giờ. "Tính cả xác xe, tiền em bỏ vào chiếc S3 Pro này giờ phải ngang bằng hoặc thậm chí mắc hơn một chiếc SH 125 hoặc SH 150 cũ” - H. nhẩm tính.
Chiếc xe điện đang được độ để đua trái phép
Hiểm họa khó lường
Tình trạng độ xe máy điện, thay đổi hoặc nâng cấp pin, động cơ, thêm các phụ kiện không chính hãng hiện đang có dấu hiệu bị thả nổi. H. cho biết: "Do trước đó em chưa đủ 18 tuổi để chạy xe máy nên gia đình mới mua xe máy điện để thuận tiện đi học. Nhưng mà càng chơi càng mê nên em sẽ tiếp tục độ thêm, mua xe điện mới để độ chứ không có nhu cầu đi xe xăng nữa".
Quan điểm trên không còn nhỏ lẻ trong giới trẻ. Tuy nhiên, việc độ xe máy điện vô tội vạ, gắn những phụ tùng không chính hãng, không bảo đảm chất lượng mang đến nhiều rủi ro lớn, đặc biệt là nguy cơ cháy, nổ và tai nạn giao thông. Khi các bộ phận quan trọng của xe bị thay đổi, đặc biệt là pin, động cơ và ECU điều khiển trung tâm, hiệu suất của xe có thể cao hơn nhưng cũng dễ dẫn đến việc hoạt động không ổn định. Thay đổi pin, ECU để bỏ qua những hạn chế tốc độ khiến một chiếc xe máy điện với trọng lượng quá nhẹ có thể tăng tốc kinh hoàng, vượt quá mức an toàn cho phép, trong khi động cơ không đồng bộ thì có thể gây mất kiểm soát khi lái.
Biểu diễn "đốt lốp" với động cơ xe điện 5000W
Cảnh biểu diễn "vặn ga là bốc đầu" xe điện, xem thường pháp luật
Cuối tháng 3/2024, tại Hội thảo khoa học về phòng cháy, chữa cháy liên quan đến pin Lithium-ion sử dụng trên các phương tiện giao thông, Thiếu tá Vũ Hồng Linh (Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) - Công an TP.Hà Nội) cho biết: Bên cạnh những tiện ích mà loại xe điện mang lại, còn có nguy cơ cháy, nổ từ chính hệ thống điện, pin của xe này. Qua công tác điều tra, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nhận thấy các nguyên nhân làm tăng nguy cơ cháy, nổ xe điện tập trung nhiều ở bộ phận pin (ắc-quy) và thời điểm sạc pin của xe. Cụ thể như sử dụng ắc-quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, lắp đặt thêm hoặc thay đổi thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế, chở quá tải... sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc-quy, pin, khi sạc điện sẽ gây ra hiện tượng ắc-quy, pin bị phồng, có thể gây nổ.
Ngoài ra, bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại, mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt... cũng có thể gây ra hiện tượng phóng điện, chập điện. "Việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc-quy, pin của phương tiện khi sạc cũng có thể gây chập điện hoặc nổ ắc-quy, pin" - Thiếu tá Vũ Hồng Linh nhấn mạnh.
Độ xe máy điện mặc dù có thể mang lại một số lợi ích ngắn hạn về hiệu suất hoặc thẩm mỹ, nhưng lại chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn về mất an toàn cho bản thân người sử dụng và những người khác xung quanh. Việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ các hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để bảo đảm chất lượng và sự ổn định của xe điện là vô cùng cần thiết nhằm giảm thiểu những rủi ro này.
Rạng sáng 26/7/2024, một vụ cháy xe điện chở khách du lịch đã làm hơn 20 ôtô điện bị hư hỏng nghiêm trọng tại P.Tân An (TP.Hội An, Quảng Nam). Rạng sáng cùng ngày, nhân viên Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An phát hiện lửa bùng phát từ một góc bãi đỗ ôtô điện của công ty tại số 5 Lê Văn Hiến (P.Tân An).
Vụ cháy 21 xe điện chở khách du lịch tại TP.Hội An (Quảng Nam)
Tiếp nhận thông tin, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Bắc Quảng Nam cùng 4 xe chữa cháy khẩn trương tiếp cận hiện trường. Sau 30 phút, ngọn lửa được khống chế. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, một số nhân viên đã đưa được 4 ôtô điện ra ngoài, còn lại 21 chiếc bị cháy trơ khung. "Nguyên nhân có thể do một trong số các xe điện bị cháy bình ắc-quy, sau đó bùng phát và lan rộng" - Ông Đinh Hoa (Chủ tịch UBND P.Tân An) thông tin.
Điều đáng nói, đây là vụ cháy xe điện thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng ở TP.Hội An. Vào sáng 08/5/2024, một vụ cháy khác tại nhà để xe phía sau ký túc xá của Trường Cao đẳng Điện lực Miền Trung (P.Tân An) khiến 40 chiếc xe điện chở khách du lịch chỉ còn trơ khung, 12 chiếc khác hư hỏng nhẹ do được đưa ra ngoài kịp thời.
Các xe điện bị cháy là tài sản của Công ty cổ phần Cosevco Hội An, chuyên phục vụ trung chuyển theo yêu cầu và các tour ngắm cảnh theo giờ trong nội thành Hội An. Đây là loại xe điện sử dụng pin khô, quy trình vận hành xe yêu cầu pin phải sạc thường xuyên, chủ yếu sạc qua đêm sau một ngày sử dụng.
(CATP) Những năm gần đây, việc độ xe máy đã trở thành xu hướng phổ biến trong giới dân chơi, đặc biệt là ở thành phố lớn như TPHCM. Để phục vụ cho những chuyến "đi bão", nhiều dân chơi trẻ tuổi không tiếc tiền nâng cấp vẻ ngoài và tốc độ cho chiếc xe máy của mình. Qua bàn tay của những lò độ xe, những chiếc xe "cọp" ra đời với tốc độ xé gió, khiến nhiều người tham gia giao thông khiếp sợ, tiềm ẩn nguy cơ lớn dẫn đến tai nạn.