Những cuộc di dân do biến đổi khí hậu:

Kỳ 4: Mong manh trước biển

Thứ Năm, 25/07/2024 18:13  | Anh Duy

|

(CATP) Biến đổi khí hậu do khí thải nhà kính phát sinh từ hoạt động của con người đang khiến mực nước biển dâng một cách chóng mặt. Những quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương trở thành nạn nhân đầu tiên nếm trải sự thay đổi này. Đất đai biến mất buộc con người phải rời bỏ quê hương bản quán, tìm nơi tị nạn. Hiện thực nghiệt ngã ấy đã được hé lộ trong bài viết "Một ngày nào đó chúng ta sẽ biến mất: Quần đảo đang chìm ở Tuvalu" đăng trên tờ The Guardian (Anh) tháng 5/2019.

Tuvalu đang chìm dần

Vào những ngày nóng nhất, Leitu Frank cảm thấy như không thể thở được nữa. Người làm công việc nội trợ và là mẹ của 5 đứa con này rời khỏi ngôi nhà bê-tông thiếu không khí của mình để đón gió trong căn lều gỗ đơn sơ cạnh mép nước. Cô gấp số đồ đã giặt và nhìn ra mặt biển màu ngọc lam khi khoảng cách ngày càng gần của nó đang đe dọa cả nhà. Chia sẻ với phóng viên tờ The Guardian, Frank thở dài: "Biển đang ăn hết cát. Trước đây cát trải dài, khi bơi có thể nhìn thấy đáy biển và san hô; giờ trời lúc nào cũng nhiều mây, còn san hô đã chết. Tuvalu đang chìm dần!".

"Tuvalu đang chìm" là cụm từ phổ biến ở địa phương để nói về tác động của BĐKH đối với quần đảo nhỏ bé nằm ở tuyến đầu của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Là quốc gia nằm ở Châu Đại Dương, Tuvalu chỉ là 1 "chấm nhỏ” trên Thái Bình Dương, nằm giữa quần đảo Hawaii (Mỹ) và Australia. Nhỏ thứ 4 trên thế giới, Tuvalu chỉ có 11.000 dân, hầu hết sống trên hòn đảo lớn nhất là Fongafale, nơi tất cả chen nhau để giành giật không gian sống, khi tổng diện tích đất của Tuvalu chưa tới 26km2.

Chính phủ cho biết, 2 trong số 9 hòn đảo của Tuvalu đang trên bờ vực bị phá hủy do nước biển dâng và xói mòn bờ biển. Hầu hết các đảo chỉ cao hơn mực nước biển 3m và tại điểm hẹp nhất, đảo Fongafale chỉ có bề ngang 20m. Theo lời người dân địa phương, khi có bão, sóng đập vào từ phía Đông và phía Tây "nuốt chửng" quần đảo này. Nhiều người dân cho biết hàng đêm họ thường gặp ác mộng rằng biển sẽ sớm nuốt chửng mình mãi mãi và đây cũng là nỗi sợ hãi của thế hệ tiếp theo.

Các nhà khoa học dự đoán Tuvalu có thể trở thành nơi không thể ở được trong vòng 50 - 100 năm tới, trong khi người dân địa phương cảm thấy thời gian đó có thể sớm hơn nhiều.

Quốc đảo Tuvalu đang chìm dần. Ảnh: The Guardian

Nausaleta Setani (54 tuổi, dì của Frank) ngủ bên đầm vào ban đêm trong căn lều gỗ, dùng phao làm gối, ban đầu không tin vào BĐKH, giống như nhiều người lớn tuổi trên đảo, nhưng bà dần bị thuyết phục khi cuộc sống hàng ngày trở nên khó khăn hơn trước mỗi chuyển động thất thường của biển. "Thời tiết đang thay đổi rất nhanh, ngày này qua ngày khác, giờ này sang giờ khác. Tôi đã hiểu rằng tất cả những gì đang xảy ra là do con người, đặc biệt là từ các quốc gia khác. Điều đó khiến tôi rất buồn" - Setani nói với phóng viên của báo.

Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc xếp Tuvalu là quốc gia nghèo tài nguyên, kém phát triển nhất, dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Đất xốp và nhiễm mặn đã khiến mặt đất gần như hoàn toàn không còn tác dụng cho việc trồng trọt; các mặt hàng chủ lực giàu tinh bột của quốc đảo này như khoai môn, sắn hiện phải nhập khẩu với chi phí lớn, cùng với hầu hết các loại thực phẩm khác.

Tính đường di cư

Thủ tướng Tuvalu - Enele Sopoaga cho biết, việc sơ tán các hòn đảo là biện pháp cuối cùng, mặc dù các nước láng giềng ở Thái Bình Dương thường xuyên cho rằng người Tuvalu sẽ trở thành những người tị nạn đầu tiên trên thế giới do BĐKH.

Quốc gia láng giềng là Fiji đã nhiều lần đề nghị cấp đất cho Chính phủ Tuvalu để di dời dân cư của họ đến nơi cách chỗ hiện tại 1.200km về phía Nam, nhưng Chính quyền của ông Sopoaga không chấp nhận. Trong một đề nghị khác, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho biết công dân Tuvalu có thể được cấp quyền công dân đầy đủ để đổi lấy quyền hàng hải và nghề cá của đất nước họ cho Canberra.

Nikotemo Iona của Cục Khí tượng Tuvalu cho biết: "Nhiều người có ý định di cư để ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, hầu hết thế hệ cũ không muốn di chuyển vì tin rằng làm như vậy sẽ đánh mất bản sắc, văn hóa, lối sống lẫn truyền thống của mình. Nhưng tôi tin rằng lớp trẻ có ý định di cư vì lợi ích của thế hệ tương lai".

Khi có bão hoặc thủy triều dâng cao nhất, Thái Bình Dương nổi lên từ lớp đất cát dưới ngôi nhà nhỏ màu vàng của Enna Sione. Cách đó 50m, những cây cọ nằm rải rác trên bãi biển đầy đá, san hô, chuyển sang màu xám dưới nắng nóng, bộ rễ mục nát, vặn vẹo của chúng hướng lên trời. Ngồi trên cây dừa bị chặt, đôi mắt của Sione bối rối khi cô nhìn chằm chằm vào đại dương. Trao đổi với phóng viên, Sione cho biết cô và chồng cùng 4 đứa con đang có kế hoạch di cư đến New Zealand trong 2 năm tới để ở cùng với hơn 2.000 đồng hương Tuvalu đã cư trú tại nước này với dân số di cư tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm.

"Thời tiết thực sự đã thay đổi rất nhiều khiến đôi khi tôi cảm thấy sợ biển" - Sione nói với phóng viên The Guardian, đồng thời cho biết thêm rằng cô rời đi vì các con mình. "Có lẽ một lúc nào đó Tuvalu sẽ biến mất. Từ những gì tôi có thể chứng kiến thì rất nhiều thứ đã biến mất và tôi nghĩ một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ như vậy" - Sione nói với vẻ lo lắng.

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Mầm mống dịch bệnh và xung đột
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang