(CATP) Là vùng đất thấp được hệ thống sông Ấn và sông Hằng bồi đắp phù sa, trải qua hàng thiên niên kỷ, Nam Á đã trở thành khu vực nông nghiệp trọng yếu, trù phú trên toàn cầu. Nhưng đây cũng là nơi được các chuyên gia đánh giá nằm trong danh sách dễ bị tổn thương nhất vì BĐKH khiến người dân phải di cư...
Những trận lũ chết người
Tháng 7/2023, Pakistan chứng kiến đợt mưa do gió mùa lớn làm ít nhất 50 người thiệt mạng, gần 1 năm sau khi trận lũ lụt khiến hơn 1.700 người chết và làm ảnh hưởng đến 33 triệu người.
Ở quốc gia láng giềng Ấn Độ, khoảng chục quận tại bang Assam phía Đông Bắc đã bị những đợt lũ quét chết người tấn công vào tháng 6, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa, tìm nơi ẩn náu tạm thời, lũ lụt tàn khốc cũng khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Cư dân trong vùng phải đối diện với muôn vàn khó khăn để xây dựng lại cuộc sống, khi những căn nhà của họ bị phá hủy giữa lúc đàn gia súc chết trôi.
Những trận mưa như trút nước, hạn hán và nhiệt độ tăng cao do BĐKH gây ra ngày càng trở nên phổ biến ở 8 quốc gia Nam Á, khiến khu vực này trở thành một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Giám đốc Saleemul Haq của Trung tâm Quốc tế về BĐKH và Phát triển nhấn mạnh với phóng viên của Aljazeera rằng, khu vực này gặp nhiều rủi ro do sự kết hợp giữa địa lý, dân số và tình trạng đói nghèo. Theo dữ liệu được Ngân hàng Thế giới (WB) có trụ sở tại Washington (Mỹ) tổng hợp, khoảng 750 triệu người ở Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi ít nhất 1 thảm họa thiên nhiên. Việc thiếu đất trồng lương thực, nước và thực trạng di cư là một số thách thức mà khu vực này đang phải đối mặt khi các chuyên gia khí hậu dự đoán những hậu quả không thể khắc phục đối với sinh kế của hàng trăm triệu người.
Người dân ở Nowshera, Pakistan chạy lũ Ảnh: Reuters
Mất an ninh lương thực
Theo chuyên gia về khí hậu Fahad Saeed của Pakistan, suốt hàng ngàn năm, Nam Á được xem là "vựa lúa" nông nghiệp của thế giới - khu vực có kiểu thời tiết thích hợp cho việc trồng trọt. Tuy nhiên, nhà khoa học này cũng cảnh báo: "Với sự xuất hiện của BĐKH, sự cân bằng mong manh quan trọng đối với việc phát triển cây trồng đã bị xáo trộn". Kết quả từ nghiên cứu được công bố năm 2021 về sản xuất lúa mì đến năm 2050, sử dụng cách mô phỏng cây trồng cho thấy những tác động tiêu cực nhất sẽ xảy ra ở các quốc gia Nam Á với năng suất giảm 16%.
Nhà môi trường học Anjal Prakash cho biết, BĐKH sẽ dẫn đến "những tác động đáng kể" đối với an ninh lương thực ở Nam Á. Nhiệt độ tăng, lượng mưa thay đổi và tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, bão... đặt ra những thách thức đáng kể đối với hệ thống nông nghiệp trong khu vực đồng thời năng suất chăn nuôi, thủy sản cũng bị ảnh hưởng.
Cũng theo Prakash, BĐKH có thể khiến nguồn nước sẵn có trong khu vực - nơi có lượng sông băng cao nhất thế giới nằm ở dãy Himalaya - bị ảnh hưởng nặng nề. Prakash - người trước đây từng làm việc với Hội đồng liên chính phủ về BĐKH của Liên hợp quốc - khẳng định: "Sông băng tan chảy và những thay đổi về lượng mưa có thể làm gián đoạn hệ thống tưới tiêu, ảnh hưởng đến tăng trưởng cây trồng đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước".
Năng suất cây trồng thấp và tình trạng khan hiếm nước sẽ dẫn đến khủng hoảng vì nạn đói đang tiếp diễn âm ỉ trong khu vực. Năm 2021, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, khoảng 21% người dân ở Nam Á phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tăng 2% so với năm 2020. Cùng thời điểm đó, khu vực này có số người thiếu dinh dưỡng cao nhất thế giới với 330 triệu người.
Một bài báo của Al Jazeera từng nhấn mạnh những lo ngại về sản lượng lương thực sụt giảm cùng các thảm họa khác liên quan đến khí hậu như mực nước biển dâng cao, qua đó gióng lên hồi chuông cảnh báo khi hàng triệu người ở Nam Á đang phải lũ lượt rời khỏi quê hương bản quán của mình. Một báo cáo do nhóm hoạt động ActionAid công bố năm 2020 ước tính khu vực này có thể chứng kiến tới 63 triệu người phải di cư vào năm 2050 do các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Giám đốc Saleemul Haq của Trung tâm Quốc tế về BĐKH và Phát triển cho biết, sự thay đổi vì BĐKH do con người gây ra sẽ làm tăng thêm tình trạng di cư kinh tế từ nông thôn ra thành thị - hiện tượng đang tiếp diễn trên toàn thế giới - trong đó Nam Á là "điểm nóng" với sự dịch chuyển nhiều nhất diễn ra ở những khu vực ven biển và các vùng trũng.
"Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm yếu tố thúc đẩy - động lực di dời khỏi nơi cư trú - đối với những người đang sống ở nơi mà họ không thể tiếp tục tồn tại như trước đây, dù là trồng trọt hay đánh cá. Từ những thiệt hại xảy ra với cơ sở hạ tầng, đất nông nghiệp và nhà cửa, nhiều người phải sơ tán không thể trở về nhà, thực sự trở thành người tị nạn" - Saleemul Haq nhận định. Thủ đô Dhaka của Bangladesh nổi lên trong số này. Theo Giám đốc Saleemul Haq, có khoảng 2.000 người đang di chuyển đến đây, nhiều người phải di cư do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt từ các huyện ven biển ở các vùng đất thấp như Barisal và Satkhira, trong khi cơ sở vật chất của Dhaka không đủ đáp ứng nhu cầu dân cư hiện tại.
Những dòng người tị nạn từ quê lên phố giờ đây đã trở thành hiện tượng "bình thường mới" do BĐKH gây ra.
(Còn tiếp...)
(CATP) Chiến tranh, bạo lực băng nhóm, xung đột sắc tộc từ lâu được biết đến là các nguyên nhân chính gây ra những làn sóng di cư khắp toàn cầu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, bức tranh toàn diện mô tả thực trạng này sẽ thiếu nếu không đề cập đến biến đổi khí hậu (BĐKH) - yếu tố mới nổi lên khiến nhiều người phải rời xa quê hương bản quán khi họ không còn sống được ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Trong bài viết "Biến đổi khí hậu đe dọa một số bất động sản được mong muốn nhất thế giới thế nào" đăng trên CNN tháng 9/2023 đã hé lộ diễn tiến của BĐKH gây ra các loại hình thời tiết cực đoan khiến ngay cả giới nhà giàu cũng… khóc!