Những cuộc di dân do biến đổi khí hậu:

Kỳ 3: Mầm mống dịch bệnh và xung đột

Thứ Tư, 24/07/2024 10:41  | Anh Duy

|

(CATP) Những con người phải rời khỏi quê hương do BĐKH không chỉ vì hạn hán, lũ lụt, mà còn bởi dịch bệnh hoành hành là hệ quả kéo theo. Mới đây, các nhà khoa học khí hậu cảnh báo rằng, những loại hình thời tiết khắc nghiệt đang làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe ở một số khu vực nghèo nhất thế giới, trong đó có Nam Á.

Môi trường thuận lợi cho dịch bệnh

Bác sĩ kiêm chuyên gia phân tích khí hậu K Srinath Reddy thuộc Tổ chức Y tế Công cộng Ấn Độ cho biết, lượng mưa lớn và lũ lụt do BĐKH là điềm báo trước cho vô số căn bệnh lây truyền qua vector. Chia sẻ với Đài Al Jazeera, bác sĩ Reddy nhận định: "Sốt rét, bệnh chikungunya, sốt xuất huyết hiện đang là những thách thức về sức khỏe ở Nam Á và sẽ gia tăng rõ rệt do một số yếu tố như nhiệt độ tăng cao".

Chuyên gia này cảnh báo: "Muỗi có thể sinh sản ở những khu vực ấm áp hơn hiện nay do BĐKH. Trên thực tế, khi con người đang héo mòn vì nắng nóng, muỗi trở nên khỏe mạnh, bay lên độ cao hơn, do đó có thể truyền bệnh xa và nhanh hơn. Ngay cả những khu vực đồi núi trước đây ít mắc bệnh sốt rét thì giờ lại dễ mắc bệnh này". Trong khi đó, cường độ các đợt nắng nóng gia tăng ở Nam Á có liên quan đến bệnh tật, bao gồm cả chứng tim mạch lẫn hô hấp.

Rais Akhtar - chuyên gia về khí hậu và là cựu thành viên của Hội đồng quốc gia thuộc Đại học Jawaharlal Nehru - cho biết, tình trạng tồi tệ của các cơ sở y tế ở Nam Á sẽ khiến thời tiết khắc nghiệt dễ ảnh hưởng đến sức khỏe con người hơn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều người dân sinh sống. "Ở các quốc gia như Bangladesh, Ấn Độ từ lâu đã xuất hiện tình trạng nhị nguyên (hai mặt đối lập cùng song song tồn tại), trong đó tại một số thành phố nhất định có các cơ sở chăm sóc sức khỏe được trang bị tốt. Nhưng ở các vùng nông thôn kém phát triển, những cơ sở này đang thiếu trầm trọng, bao gồm cả tình trạng thiếu bác sĩ” - ông nói với Đài Al Jazeera.

Nhiều người phải đến các thành phố lớn để được điều trị, biến hành trình chữa bệnh trở thành thử thách tốn kém đối với nhiều người. Biến đổi khí hậu vì thế cũng trở thành "gọng kìm" khiến người dân phải chuyển đi nơi khác do không ở được hoặc phải đi thật xa để chữa bệnh, dù với bất kỳ kịch bản nào.

Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm (trong ảnh, các nhà khoa học Thái Lan bắt dơi để nghiên cứu). Ảnh: New York Times

Tương lai mờ mịt

Thuật ngữ "người tị nạn khí hậu" đã được sử dụng từ năm 1985 khi chuyên gia của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) - Essam El-Hinnawi định nghĩa người tị nạn khí hậu - còn được gọi là "người di cư do khí hậu hoặc môi trường" - là những người "bị buộc phải rời khỏi môi trường sống truyền thống của họ, tạm thời hoặc vĩnh viễn vì sự gián đoạn môi trường rõ rệt".

Định nghĩa này đã dẫn đến một số nhầm lẫn vì "người tị nạn khí hậu" không phải thuật ngữ được chính thức công nhận trong luật pháp quốc tế - và hầu hết tình trạng di cư liên quan đến khí hậu đều xảy ra trong phạm vi các quốc gia và cũng chưa có định nghĩa rõ ràng. Khi 2 cơn bão cấp 4 đổ bộ khu vực Trung Mỹ là Honduras, Guatemala và El Salvador vào tháng 11/2020, người dân đã đổ xô qua biên giới sang Mexico để tiến về Mỹ, vì mưa xối xả và lở đất đồng nghĩa với việc họ sẽ mất nhà cửa, sinh kế cùng khả năng tiếp cận với nước sạch. Trong trường hợp này, nguyên nhân và kết quả đã rõ ràng. Thời tiết khắc nghiệt nơi quê nhà đã khiến người dân phải vượt biên, biến họ trở thành những người tị nạn vì khí hậu.

Theo Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR), trung bình hàng năm có 21,5 triệu người buộc phải di cư do các sự kiện liên quan đến thời tiết như lũ lụt, bão, cháy rừng và nhiệt độ khắc nghiệt chỉ tính trong giai đoạn từ năm 2008 - 2016. Tình trạng di cư do khí hậu dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những thập kỷ tới với dự báo của Tổ chức tư vấn quốc tế IEP rằng 1,2 tỷ người có thể phải di cư trên toàn cầu vào năm 2050 do BĐKH và thiên tai.

Amar Rahman - Giám đốc Toàn cầu của Chương trình Giải pháp phục hồi khí hậu Zurich - dự báo, tình hình sẽ tồi tệ hơn do các rủi ro về khí hậu có mối liên hệ với nhau và có thể gây ra "hiệu ứng domino" trên diện rộng như cách nó đã thể hiện rõ ở Syria - nơi tình trạng sa mạc hóa vùng đất nông nghiệp màu mỡ trước đây trong giai đoạn 2006 - 2010 khiến năng suất cây trồng giảm mạnh, 800.000 người mất thu nhập và 85% vật nuôi chết.

Khi người dân mất sinh kế, giá lương thực tăng vọt và 1,5 triệu lao động nông thôn chuyển đến thành phố để tìm việc làm. Những người bị bỏ lại phía sau phải đối mặt với nghèo đói và trở thành mục tiêu cho các phần tử cực đoan của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp cận.

Đây không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến cuộc nội chiến ở Syria, trong đó Mùa xuân Ảrập và những hạn chế nghiêm ngặt của Chính phủ Syria đóng vai trò then chốt. Nhưng các vấn đề xã hội do BĐKH gây ra đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng hiện có. Kết quả là cuộc xung đột gây ra khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất thế giới trong nhiều thập kỷ với khoảng 6,6 triệu người Syria (tương đương 1/4 dân số) buộc phải rời bỏ đất nước mình.

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Dòng người tị nạn ở Nam Á
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang