Từ làm đẹp "dàn lông"
"Dàn lông" là tiếng lóng của dân chơi để chỉ những chiếc xe được sắm sửa, trang bị thêm nhiều "đồ chơi" thể thiện ra bên ngoài. Những "đồ chơi" này được dùng để thay thế các phụ tùng chính hãng gắn theo xe máy lúc xuất xưởng. Hầu hết những dân chơi kiểu này thường chưa chú trọng đến "nội công" hay tốc độ, chủ yếu muốn chiếc xe trở nên khác biệt và lạ mắt hơn một chiếc xe "zin".
Để độ "dàn lông", dân hơi thường có vài kiểu độ nhất định nhưng không thể thiếu việc thay tem xe. Qua quan sát, chỉ riêng khu vực đường Nguyễn Chí Thanh (Q5) nơi có nhiều tiệm sửa, độ xe nổi tiếng ở TPHCM, đã có trên dưới vài chục cửa hàng nhận thiết kế các loại tem xe. Ngoài ra, để có một chiếc xe lạ mắt hơn, một số dân chơi còn sẵn sàng bỏ ra khoảng 3 - 4 triệu đồng để sơn đổi màu, biến chiếc xe thành độc nhất vô nhị với những màu sắc lạ mắt, bất chấp quy định về tiêu chuẩn, kiểu dáng xe theo giấy tờ đăng ký...
Chiếc xe Honda Dream được độ phong cách "drag"
Độ đèn cũng là một trong những "món ăn chơi" được không ít thanh niên ưa chuộng. Chiều 22/7/2024, trong vai người đi tìm chỗ độ xe, chúng tôi có mặt tại một tiệm chuyên độ đèn nằm trên đường Sư Vạn Hạnh (Q10). Tại đây, chủ quán tên K. sau khi hỏi nhu cầu đã giới thiệu về hàng chục mẫu đèn để khách hàng lựa chọn và liên tục tư vấn về các loại gương cầu, đèn LED, đèn hậu chớp tắt kiểu xe của lực lượng chức năng. Tiệm của K. nổi tiếng trong việc độ các loại đèn để thay thế các mẫu đèn nguyên bản trên xe. Với tầm giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, dân chơi sẽ nhanh chóng có một bộ đèn với công suất lớn gấp nhiều lần đèn "zin", bảo đảm làm lóa mắt người đi đường ở chiều đối diện. Tuy vậy, việc thay đổi hệ thống đèn đi cùng với việc cắt, nối thêm dây vào hệ thống điện dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao hơn, nhưng hầu như ít được giới dân chơi quan tâm.
Một kiểu khác được giới trẻ khá ưa chuộng là việc thay bánh mâm, pô (ống xả khói) để chiếc xe "ngầu" và phát ra âm thanh to hơn. Với phần pô được độ lại, chiếc xe khi chạy xe sẽ phát ra tiếng kêu chát chúa, đinh tai nhức óc vì hệ thống giảm âm, lọc khí thải đã bị can thiệp hoặc loại bỏ. Mới mua xe được một tuần, vừa làm xong thủ tục cấp biển số, Huy Hoàng (21 tuổi, ngụ Q5) đã đem chiếc Honda Vision đời mới của mình đến một cửa hàng trong khu chợ Tân Thành (Q5) để lên đời cặp bánh mâm CNC, pô "4road lon ngắn" cùng một số phụ kiện khác. Theo Hoàng, toàn bộ "đồ chơi" đang được lắp lên xe có giá không dưới 15 triệu đồng, nhưng vẫn chưa làm cậu ta hài lòng. Hoàng cho biết sau khi gắn xong sẽ tiếp tục lên "mạch tăng sáng" cho đèn xe trước, "mạch police" cho đèn hậu và cuối cùng là đi dán tem "đấu full xe".
Một tiệm sửa xe đang can thiệp phần nồi của chiếc xe tay ga
"Đã chơi là phải chơi cho "độc", mua xe trong hãng đem ra tuy mới nhưng chán lắm nên trước khi lấy xe về em đã lên kế hoạch sẽ độ những món gì cho "dàn lông", chỉ chờ xét xe xong có biển số là "quất". Giờ xe đẹp mà bao ngầu, không đụng hàng. Chủ yếu bị cha mẹ la tí thôi nhưng rồi cũng hết, vì giờ ai mua về mà không độ ít hay nhiều chứ?" - Hoàng nói. Ngoài ra, thanh niên này còn cho biết sẽ chạy cho hết rô-đai, được vài ngàn cây số rồi sẽ tính tới chuyện "rớt đầu" chiếc xe và độ phần máy móc. "Em định đi ít bữa rồi mang xe ra làm bài pô xăng lửa cho có thêm chút tốc độ, "vặn là bay". Bài độ này đang thịnh mà độ bền cao, xe chạy có gia tốc cao hơn đi sẽ đỡ chán hơn nhiều so với chiếc xe "zin" nguyên bản" - Hoàng nói về dự định của mình.
Chiều 23/7, quan sát tại chợ Tân Thành (Q5), khu chợ này vẫn hoạt động tấp nập. Tại đây, các chủ cửa hàng bày bán đủ loại phụ kiện độ xe từ pô, đèn LED, yên xe đến các bộ phận dùng để sửa chữa, thay đổi, nâng cấp động cơ. Chợ Tân Thành đã tồn tại nhiều năm, trở thành nơi lui tới thường xuyên của giới chơi xe độ. Ngoài ra, còn có nhiều cửa hàng độ xe khác rải rác ở mọi nơi. Ông V.T (chủ một cửa hàng độ xe ở Q5) cho biết: "Khách hàng của tôi chủ yếu là các bạn trẻ, chủ yếu độ kiểng, "đi bão" phá làng phá xóm... hoặc muốn cá nhân hóa chiếc xe. Người chơi có nhu cầu độ máy thì tương đối ít hơn, do môn này tốn kém hơn rất nhiều so với việc chỉ độ "dàn lông" bên ngoài".
Những chiếc xe Vision đã độ "dàn lông" và nâng cấp máy
Đến độ "nội công" để so tốc độ
Theo nhiều lò độ xe, việc can thiệp máy móc đối với một chiếc xe máy hiện tại có đến hàng trăm "bài", đủ để chiều lòng tất cả các dân chơi dù khó tính nhất. Bình - thợ sửa xe ở Q8, nói: "Không cần phải đến những lò độ nổi tiếng, những tiệm sửa xe bình thường cũng có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của dân chơi, chủ yếu túi tiền của anh có bao nhiêu. Thay "lòng", lên piston, lên dên, các bài độ cam xăng nồi hay pô xăng lửa... bên em đều nhận, có riêng xe "cọp" là không làm thôi. Xe "cọp" chủ yếu là mấy lò lớn làm để thi thố, đua lấy tiếng trong giới chơi xe".
Tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi đến một tiệm chuyên độ xe trên địa bàn Q.Gò Vấp và tận mắt chứng kiến những màn "hạ máy, rã máy" để lên dên, lên "lòng", thay piston. Theo lời giới thiệu của T. (chủ tiệm), lò độ này nổi tiếng bởi các bài độ, tăng kích thước piston cho xe Exciter nhưng vẫn giữ dên "zin". Chỉ cần "đắp" vào khoảng 6 - 8 triệu đồng, dân chơi sẽ sở hữu chiếc xe chạy được từ 160 - 180km/giờ, thậm chí cao hơn. "Ngoài xoáy hoặc thay "lòng", lên piston, bên em còn làm từ A đến Z để có chiếc xe hoàn chỉnh nhất cho anh, như: canh lại dàn lửa, hộp số, chạy Dyno canh chỉnh lỗi, xăng gió... Đến tiệm em làm thì bao anh chạy tour, chạy đến sang năm cũng không hư vì bài dên "zin" là bài bền" - T. khẳng định.
Việc thay "lòng", "xổ trái" là một trong những bài độ kinh điển trong giới chơi xe. Theo Nhí (27 tuổi, ngụ Q6) cũng chơi xe độ, giải thích: "Ví dụ như xe Wave Alpha, dòng xe tương đối phổ biến có đường kính piston là 50mm, 100 phân khối (100cc). Khi độ, người thợ sẽ thay piston nguyên bản bằng piston lớn hơn như 54-58-62mm để có chiếc 135cc, 150cc hoặc cao hơn... Ngoài thay piston thì tất nhiên phải làm thêm dên, cam cò, canh chỉnh lại hàng loạt thứ bên trong máy cho đồng bộ thì chiếc xe mới vận hành mượt mà được".
Tại một lò độ khác, chủ tiệm tên Quý cũng giới thiệu bài độ trái (piston) 57zz cho xe Exciter và khẳng định đây là bài độ phổ biến nhất hiện nay cho dòng xe này. "Làm trái 57 đi vừa nhẹ ga, xe có tốc độ (khoảng 150 - 160km/giờ) mà lại có độ bền nên nhiều người chuộng. Giá cả thì tùy chất lượng phụ tùng, nhưng không dưới chục triệu" - Quý cho biết. Khi chúng tôi vờ hỏi giá làm một chiếc xe "cọp" để đua, Quý tỏ ý nghi ngờ: "Có gì đem xe tới nói chuyện. Anh muốn làm tới trái (piston) 80 em cũng làm được, nhưng loại này chỉ có lò làm xe đua chứ không ai làm để chạy chơi ngoài đường cả”.
Ngày 14/6/2024, TAND Q.Bình Thạnh (TPHCM) đã xét xử và tuyên án đối với 36 bị cáo tổ chức đua xe trái phép và cổ vũ đua xe trên cầu Sài Gòn. Trong số này, 22 đối tượng có độ tuổi từ 17 - 19.
Vụ việc trên từng gây xôn xao dư luận bởi mức độ liều lĩnh, manh động của nhóm đối tượng vào tối 15/8/2023. Hai đối tượng chủ mưu là Quách Tuấn Anh (SN 2004) và Trần Đoàn Thế Hải (SN 2003). Trong đó, Quách Tuấn Anh đã tổ chức cho Trần Đoàn Thế Hải so kè tốc độ với một tay đua khác ở làn ôtô trên cầu Sài Gòn. Để ngăn chặn nhóm thanh thiếu niên trên, Phòng CSGT - Công an TPHCM đã phối hợp Công an Q.Bình Thạnh tổ chức mật phục, vây bắt 38 đối tượng, tạm giữ 37 xe máy. Lúc này, cả nhóm đã thực hiện hành vi đua xe trái phép trên cầu được 3 lượt.
Tại tòa, Quách Tuấn Anh khai từ tháng 7/2023 đến tháng 8/2023, đã 5 lần tổ chức đua xe trái phép. Một số bị cáo còn lại cũng khai đã nhiều lần tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép với suy nghĩ "đua xe thì không bị phạt tù”. Qua xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt hai bị cáo Quách Tuấn Anh, Trần Đoàn Thế Hải cùng 1 năm 3 tháng tù về tội "gây rối trật tự công cộng". Cùng tội danh này, 34 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 6 - 18 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo) hoặc từ 6 - 9 tháng cải tạo không giam giữ.
(Còn tiếp...)