Những cuộc di dân do biến đổi khí hậu:

Kỳ cuối: Thảm cảnh chực chờ

Thứ Sáu, 26/07/2024 19:32  | Anh Duy

|

(CATP) Hiện trạng phát sinh những dòng di dân tị nạn vì BĐKH đang trở thành bài toán khiến các chính phủ toàn cầu đau đầu. Hệ quả là thảm cảnh có thể nhìn thấy trước nếu giới lãnh đạo và người dân không chung tay hành động.

Nắng nóng kinh hoàng

Bài viết nhan đề "Nắng nóng cực độ có thể châm ngòi cho cuộc di cư hàng loạt khỏi bang Texas và các bang khác" đăng trên tờ báo địa phương Texas Standard (Mỹ) tháng 8/2023 đã khắc họa bức tranh tị nạn cận kề do BĐKH.

Trong hơn thập kỷ nay, nhiều thành phố phát triển nhanh nhất nước Mỹ đều ở bang Texas. Những thành phố như Georgetown, Frisco, McKinney, Conroe đều có tốc độ tăng trưởng dân số bùng nổ; trong khi nhiều thành phố ở các bang đầy nắng khác như Florida, Arizona cũng tương tự.

Mặc dù vậy, kịch bản đặt ra là nếu nhiệt độ quá cao của mùa hè năm 2023 chỉ là dấu hiệu báo trước cho những gì sắp xảy ra thì xu hướng ấy có thể thay đổi hoàn toàn. Cây bút Hamilton Nolan dự đoán: "Mỹ sẽ có đợt di cư do BĐKH từ Nam ra Bắc và sẽ không diễn ra suôn sẻ. Trong những thập kỷ tới, hàng chục triệu người - nếu mô hình hiện tại tiếp tục - lẽ ra đã sống ở tất cả những thành phố ấm áp này sẽ phải chuyển lên phía Bắc".

Chia sẻ với tờ Texas Standard, Hamilton Nolan thậm chí còn đi xa hơn khi nhận định đây sẽ là "cuộc di cư lớn thứ hai" ở Mỹ. Trong cuộc di cư đầu tiên, nguyên nhân là do kinh tế; còn giờ đây có thể sẽ thêm lần di cư nữa, do khí hậu gây ra khi nhiệt độ cực cao tăng lên, đặc biệt là ở miền Nam và Tây Nam nước Mỹ.

Nhiều người chọn bóng râm để tránh nắng nóng gay gắt ở thủ đô Bangkok, Thái Lan vào tháng 5/2024. Ảnh: AP

Theo kịch bản này, nền nhiệt sẽ đạt đến điểm nhất định ở một số khu vực mà mọi người sẽ không muốn sống ở đó nữa. Và tất nhiên, khả năng phải mất nhiều thập kỷ để xu hướng này diễn ra, nhưng bản chất của BĐKH là mức nhiệt sẽ ngày càng tăng và không bị đảo ngược.

Nắng nóng kinh hoàng giờ đây không chỉ xảy ra ở Mỹ. Những ngày tháng 5/2024, tại trang trại của mình ở tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan, nông dân Charawut cho biết đàn lợn của ông đang phải chịu đựng quá sức trước nền nhiệt tăng cao. Charawut nói với tờ South China Morning Post rằng: "Tôi đã nuôi lợn được 4 năm và năm nay thực sự là thời điểm khó khăn khi là năm nóng nhất và lũ lợn của tôi luôn căng thẳng, chỉ muốn xông vào cắn nhau, sau đó bỏ ăn và thường xuyên tiêu chảy, kéo theo chi phí thuốc men tăng cao". Tất cả đều đe dọa khiến những hộ sản xuất nhỏ như Charawut phải phá sản.

Theo các cơ quan thời tiết, nắng nóng đã khiến các trường học ở Philippines, Bangladesh phải đóng cửa đồng thời gây ra hạn hán ở nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, có nơi nhiệt độ trong tháng 4 đạt mức cao nhất mọi thời đại là 44 độ C.

Nỗi lo không của riêng ai

Một báo cáo mới được Diễn đàn Kinh tế Thế giới trích dẫn cho biết, khi BĐKH ngày càng tăng, tình trạng di cư hàng loạt sẽ trở thành số phận chung của nhiều người. Nhưng các nhà khoa học nhận định vẫn chưa quá muộn để hạn chế tác động của thực trạng này.

Theo kịch bản tồi tệ nhất, gần 1/3 nhân loại có thể phải rời bỏ nhà cửa, di cư đến những vùng có khí hậu mát mẻ hơn để tránh nắng nóng cực độ nếu các nước không hành động để ngăn chặn BĐKH hoặc giảm thiểu tác động của tình trạng này.

Ước tính mới nhất trên về số người có thể bị buộc phải trở thành dân tị nạn khí hậu đã lấn át tất cả những dự báo trước đó. Tháng 9/2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra con số có thể là 216 triệu; nhưng giờ đây, một nhóm nhà khoa học quốc tế cảnh báo rằng, nếu không hành động để làm chậm BĐKH, 3,5 tỷ người có thể phải rời bỏ nhà cửa trong vòng 50 năm tới để thoát khỏi nhiệt độ trung bình trên 29 độ C.

Nghiên cứu cho biết, giống như các sinh vật khác trên trái đất, phần lớn con người có xu hướng định cư ở những nơi có phạm vi nhiệt độ tối ưu cho cuộc sống và trong hàng nghìn năm, con người đã tập trung sống ở tập hợp nhỏ các vùng khí hậu đặc trưng bởi nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 13 độ C. Tất cả các loài đều có môi trường thích hợp riêng và bất chấp những tiến bộ về công nghệ, con người khó thể là ngoại lệ.

Các chuyên gia môi trường tính toán rằng, mỗi khi nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1 độ C sẽ khiến 1 tỷ người phải sống ở những khu vực có nhiệt độ vượt quá giới hạn cho phép và nước biển dâng cao cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tác động mạnh hơn đến người dân ở những khu vực này. "Di cư có thể mang lại những tác động có lợi cho xã hội, bao gồm cả việc thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới. Tuy nhiên, ở quy mô lớn hơn, vấn đề này chắc chắn gây ra căng thẳng" - nghiên cứu nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, giới khoa học cho rằng: "Không quá muộn để giảm thiểu BĐKH và cải thiện khả năng thích ứng, đặc biệt là khi thúc đẩy phát triển con người ở Nam bán cầu". Đồng tác giả của nghiên cứu - Giáo sư Tim Lenton của Đại học Exeter viết trên tờ Financial Times rằng: "Tin tốt là những tác động này có thể giúp giảm đáng kể nếu nhân loại thành công trong việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu".

Như vậy "quả bóng" ngăn chặn việc di cư vì BĐKH này phụ thuộc vào ý thức và hành động của mỗi chúng ta.

Kỳ 4: Mong manh trước biển
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang