(CATP) TPHCM là TP lớn nhất và là trung tâm của nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, có hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển ấn tượng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, từ du lịch mua sắm, du lịch vui chơi giải trí và du lịch sự kiện. Đây cũng là một trung tâm kinh tế thị trường phát triển, với đa dạng các dịch vụ, sản phẩm và hoạt động kinh tế đêm.
Thân thiện với môi trường
Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2019, lượng khách du lịch đến TPHCM tăng liên tục, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 13,2%. Năm 2023, TP tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 5 triệu lượt khách quốc tế và 37 triệu lượt khách nội địa so với năm 2022. Với mục tiêu đến năm 2030, du lịch của TP thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt phát triển kinh tế xanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, phát triển đô thị, nâng cao ý thức cộng đồng.
TPHCM đặt mục tiêu dự kiến đón hơn 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế và trên 50 triệu lượt khách du lịch nội địa vào năm 2030. Do vậy, một trong những thách thức đối với sự phát triển của TPHCM hiện nay là cơ sở hạ tầng giao thông không theo kịp sự gia tăng của phương tiện. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại đối với sự phát triển kinh tế TP nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Từ đó cho thấy sự phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) với mục tiêu tăng cường vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân sẽ góp phần làm giảm ùn tắc, tạo thuận tiện cho việc lưu thông, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Giao thông thuận tiện cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến với TPHCM trong tương lai.
Phát triển loại hình giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; ĐSĐT được đánh giá và nhìn nhận là phương thức vận tải bền vững, thân thiện với môi trường và chiếm dụng ít đất hơn các phương thức vận tải khác. Theo nghiên cứu của một trường đại học cho thấy, Việt Nam đang đứng ở ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân mà một trong những nguyên nhân chính gây ra là ô nhiễm không khí là từ phương tiện giao thông. Hệ thống ĐSĐT là loại hình giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ít phát thải ra môi trường so với các phương thức vận tải khác, góp phần vào mục tiêu giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), đồng thời hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong việc đưa mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
ĐSĐT TPHCM phát triển mạnh mẽ
Xương sống hạ tầng giao thông và vận tải
Theo đó, TPHCM định hướng phát triển ĐSĐT tại TP với quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của ĐSĐT, là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng GTVT của TP. Phát triển hệ thống ĐSĐT là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của TP trong thời gian tới. Phát triển ĐSĐT gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng TPHCM.
Về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết phát triển ĐSĐT, TPHCM khẳng định trong việc huy động tối đa các nguồn lực phù hợp để tập trung đầu tư, sớm hoàn thành mạng lưới ĐSĐT hiện đại, đồng bộ, bền vững. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và hoạt động kiểm tra, giám sát trong công tác phát triển giao thông ĐSĐT; bám sát định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống ĐSĐT có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Bên cạnh đó, công tác đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia phát triển ngành công nghiệp đường sắt, từng bước thu hẹp khoảng cách, tiến tới tự chủ về công nghệ sản xuất, chế tạo phương tiện, trang thiết bị và nguồn nhân lực phục vụ vận hành, bảo dưỡng ĐSĐT. Huy động tối đa mọi nguồn lực Nhà nước, đa dạng hóa phương thức đầu tư hệ thống ĐSĐT. Trong đó, ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định để đầu tư toàn bộ hệ thống ĐSĐT giai đoạn đến năm 2035. Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT của TPHCM.
Kết nối tại các nhà ga để vận hành thương mại tuyến Metro số 1
TP cũng đặt mục tiêu phát triển ĐSĐT hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của TP, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường. Hướng tới đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế vào năm 2045; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15 - 20%, đến năm 2035 đạt 40 - 50% và sau năm 2035 đạt 50 - 60%.
Tầm nhìn cụ thể xây dựng và hoàn thành
Theo Đề án xây dựng và phát triển hoàn thành của ĐSĐT TPHCM đến năm 2035, đó là xây dựng hoàn thành khoảng 183km ĐSĐT. Cụ thể: Tuyến ĐSĐT số 1 (sắp đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2024); Tuyến ĐSĐT số 2 (đã khởi công) và đến tuyến ĐSĐT số 6. Đến năm 2045 xây dựng thêm khoảng 168,36km, tầm nhìn đến năm 2060... nâng tổng chiều dài ĐSĐT lên khoảng 510,02km. Kế hoạch phân kỳ đầu tư xây dựng ĐSĐT TPHCM trên nguyên tắc hệ thống ĐSĐT bao gồm các tuyến metro xuyên tâm (8 tuyến) và vòng khuyên với chiều dài khoảng 172,6km và 3 tuyến ĐSĐT loại hình khác (Tramway, Monoraii) với chiều dài khoảng 56,5km để kết nối các trung tâm chính của TP. Hiện nay, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã cơ bản hoàn thành và dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2024; tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) giai đoạn 1 đang thi công xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2030; tuyến Metro số 5 (giai đoạn 1) đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư...
Do vậy, nhằm bảo đảm mục tiêu nêu trên, kịch bản đầu tư hệ thống ĐSĐT TPHCM được nghiên cứu trên cơ sở 5 nguyên tắc "Xây dựng kịch bản đầu tư hệ thống ĐSĐT trên cơ sở quy hoạch phát triển GTVT TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2028 và các tuyến ĐSĐT dự kiến điều chỉnh, bổ sung trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Ưu tiên đầu tư các tuyến ĐSĐT phù hợp với thực tiễn phát triển TP; trong đó có kết nối các đầu mối giao thông của TP như sân bay, ga đường sắt quốc gia đầu mối, các khu đô thị tập trung dân cư... Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các tuyến ĐSĐT tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng; trong đó ưu tiên triển khai trước các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết. Hoàn chỉnh hệ thống ĐSĐT TPHCM bảo đảm mục tiêu đặt ra trong Kết luận 49/KL-TW, theo lộ trình phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn, nhưng phải bảo đảm hình thành mạng lưới nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Đầu tư hệ thống ĐSĐT gắn liền với quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tính kế thừa và hiệu quả đầu tư”.
(Còn tiếp...)
Theo Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định "mục tiêu tổng quát là vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn". Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến ĐSĐT có nhu cầu vận tải lớn (Hà Nội, TPHCM...) và hoàn chỉnh mạng lưới ĐSĐT tại TPHCM vào năm 2035.
(CATP) Văn kiện và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020 - 2025: "Phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Xây dựng và triển khai mạnh mẽ các giải pháp giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông (GT), đầu tư phát triển GT liên vùng, khai thác hiệu quả GT đường thủy, phát triển đường sắt đô thị (ĐSĐT), các đường vành đai".