Những công viên "khủng" vẫn nằm "trên giấy" (!)
Năm 1999, UBND Q12 quy hoạch một công viên lớn, diện tích lên tới 250 héc-ta tại 2 phường Thạnh Xuân và Thới An. Năm 2013, công viên này thu hẹp còn 150 héc-ta. Trong đó, phường Thạnh Xuân chiếm 120 héc-ta, phường Thới An 30 héc-ta. Có 444 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án. Cuối năm 2019, UBND TPHCM chấp thuận đề án quy hoạch xây dựng công viên này, yêu cầu UBND Q12 lập quy hoạch tỉ lệ 1/500, lên kế hoạch xây dựng, phân kỳ đầu tư và kêu gọi đầu tư. Mục tiêu công viên hướng đến là mô hình công viên xanh, đa chức năng. Thế nhưng trái với kỳ vọng ban đầu, việc triển khai xây dựng công viên này vẫn còn nằm "trên giấy" 25 năm nay.
Ghi nhận thực tế của phóng viên vào cuối tháng 3/2024, khu vực làm công viên trên chưa được cắm mốc, rào chắn khoanh vùng. Trong dự án có hàng chục héc-ta đất bị bỏ trống, đồng ruộng xen lẫn những ngôi nhà lụp xụp, nhiều đường đất nắng bụi, mưa sình... Người dân cho biết hơn hai thập kỷ bị "trói chân" bởi quy hoạch "treo", họ gặp khó khăn, bí bách trăm bề. Nhiều gia đình muốn cơi nới, sửa chữa nhà để ở nhưng bị hạn chế, có người bỏ đất, đi thuê nhà trọ ở. Nhiều người muốn bán đất đi nơi khác cũng khó khăn, bởi đất quy hoạch đang cấm sang nhượng. Nếu bán thì giá chỉ bằng phân nửa, thậm chí là một phần ba giá đất xung quanh do người mua sợ rủi ro về pháp lý. Những tồn tại trên khiến người dân trong dự án mệt mỏi.
Phối cảnh công viên rộng 150 héc-ta tại Q12
Trước sự trì trệ của dự án, đại biểu HĐND TPHCM Lê Thị Trúc Lâm đã đề nghị Chủ tịch UBND Q12 trả lời về giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án. Chủ tịch UBND Q12 Nguyễn Văn Đức cho biết, đây là một trong những công trình trọng điểm của quận, có diện tích lớn. Khu vực này đã được duyệt 26 đồ án quy hoạch, nhưng khu công viên lại chưa có đồ án quy hoạch phân khu 1/2000. Do đó phải chờ điều chỉnh, dẫn đến thủ tục chậm. Hiện TPHCM giao Q12 phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện ý tưởng quy hoạch công viên trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Từ đó, Q12 đề xuất TPHCM điều chỉnh quy hoạch và bố trí bổ sung vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để giải phóng mặt bằng (GPMB).
Chiều 28/02/2024, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cùng Đoàn công tác đã làm việc với UBND Q12 về triển khai kế hoạch năm 2024 và giải quyết các kiến nghị của quận này. Trong đó, Q12 kiến nghị thu hồi 13 khu đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích và tổ chức thi tuyển "ý tưởng thiết kế công viên 150 héc-ta tại 2 phường Thạnh Xuân, Thới An". Về các kiến nghị của UBND Q12, Phó Chủ tịch Ngô Minh Châu giao các sở, ngành phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TPHCM phương án giải quyết.
Được kỳ vọng là công viên du lịch sinh thái lớn nhất nước, mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên sau 20 năm quy hoạch, Công viên Sài Gòn Safari vẫn chỉ là khu đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Tháng 6/2004, UBND TPHCM có quyết định thu hồi đất tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng (H.Củ Chi), giao Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn đầu tư xây dựng Công viên Sài Gòn Safari quy mô 456,85 héc-ta, vốn đầu tư là 500 triệu USD. Dự án có hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng. Đây là khu công viên mở với chức năng chính là bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới. Đến năm 2007, công tác bồi thường, GPMB đã đạt 96%. Từ đó đến nay dù chỉ còn 4% nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, tình trạng tái lấn chiếm diễn ra phức tạp, dự án chậm triển khai, người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài về việc bồi thường không công bằng, khiến dự án "trùm mền" thời gian dài.
Sau 20 năm quy hoạch, Công viên Sài Gòn Safari vẫn chỉ là khu đất bỏ hoang
Năm 2019, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc thanh tra, chỉ ra hàng loạt vấn đề tại dự án trên, gồm: dự án có quy mô lớn nhưng UBND TPHCM chưa thực hiện đúng trình tự, chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Cuối năm 2021, H.Củ Chi kiến nghị UBND TPHCM cho điều chỉnh quy hoạch Công viên Sài Gòn Safari sang chức năng khu công nghiệp kỹ thuật cao. Để "giải cứu" dự án, mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục nghiên cứu ý tưởng quy hoạch, kiến trúc Công viên Sài Gòn Safari để tiến hành tổ chức thi tuyển.
Ghi nhận tại dự án này vào ngày 29/3/2024, bên trong là khu đất bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm, nhiều căn nhà bị đập bỏ dở dang, hoang phế... Một số khu vực được người dân tận dụng trồng hoa màu ngắn ngày, một số chỗ khác dùng để chăn thả trâu bò, còn lại hàng trăm héc-ta đất bỏ trống một cách hoang phí. Khu tái định cư rộng 18 héc-ta của dự án Công viên Sài Gòn Safari tại xã An Nhơn Tây được làm từ tháng 8/2019, đến nay vẫn chưa hoàn thiện, dân cư sống lác đác.
Cơ quan chức năng nói gì?
TPHCM hiện có khoảng 400 công viên cây xanh, bao gồm công viên công cộng và khuôn viên khu ở với hơn 235.000 cây xanh. Tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh của TPHCM lên tới hơn 11.400 héc-ta, tương ứng 7m2/người. Tính đến cuối năm 2023, thành phố có khoảng 11.369 héc-ta đất công viên và cây xanh. Với dân cư thường trực khoảng 10 triệu người, tỉ lệ đất công viên cây xanh tại TPHCM chỉ đạt bình quân ở mức 0,55m2/người, thấp hơn so với Quy chuẩn xây dựng Việt Nam cũng như Quy hoạch chung của TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (đều từ 7m2/người trở lên). Trong khi đó, tỉ lệ đất công viên cây xanh của Hà Nội đạt 2,06m2/người, Đà Nẵng là 2,4m2/người, Hải Phòng là 3,41m2/người..., cao hơn nhiều so với TPHCM.
Trong buổi họp báo ngày 11/4/2024, cung cấp thông tin cho phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, Sở Xây dựng cho biết: Trong năm 2020, Sở đã xây dựng chương trình phát triển công viên cây xanh trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, đề ra chỉ tiêu giai đoạn 2020 - 2025 phát triển 150 héc-ta đất công viên công cộng, giai đoạn 2026 - 2030 phát triển 450 héc-ta đất công viên công cộng... Chương trình này đã được UBND TPHCM phê duyệt, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, từng năm, làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện.
Công viên Bờ sông Sài Gòn đang xây dựng, hứa hẹn góp phần làm thay đổi diện mạo TPHCM
Lãnh đạo TPHCM rất quan tâm đến việc phát triển công viên cây xanh thông qua việc đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt chỉ tiêu đến năm 2025 phát triển 150 héc-ta đất công viên, đến năm 2030 phát triển 450 héc-ta đất công viên. Tuy nhiên, hiện nay ngân sách của TPHCM để đầu tư xây dựng mới công viên công cộng còn hạn hẹp nên khó đầu tư tất cả công viên trong các đồ án quy hoạch xây dựng, trong đó có các công viên mà phóng viên đề cập (Công viên Sài Gòn Safari ở H.Củ Chi, Công viên 150 héc-ta tại Q12...). TPHCM đang rà soát để phân kỳ đầu tư theo giai đoạn và theo khả năng cân đối vốn.
Đồng quan điểm với Sở Xây dựng, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM) cho rằng thành phố cần tăng thêm nhiều diện tích cây xanh cho người dân. Tuy nhiên, trong khi nguồn lực có hạn, TPHCM không nhất thiết phải làm một lúc nhiều công viên mà cần làm dự án nào dứt điểm dự án đó, nhằm mang lại hiệu quả ngay tức thì.
Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCH kiến nghị xây thêm 6 công viên, với tổng diện tích gần 800 héc-ta gồm: Sài Gòn Safari 456,85 héc-ta (H.Củ Chi), Bờ sông Sài Gòn 20 héc-ta (Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, đang xây dựng), Gò Cát 13 héc-ta (Q.Bình Tân), Cây xanh 3,8 héc-ta (thuộc khu Công viên Cây xanh - Thể dục thể thao Q.Bình Thạnh), Cây xanh Thạnh Xuân 150 héc-ta (Q12), Khu lâm viên sinh thái 128 héc-ta (TP.Thủ Đức).
Theo báo cáo của Sở Xây dựng trình UBND TPHCM, năm 2023 thành phố đã trồng mới và cải tạo gần 12.500 cây xanh (chỉ tiêu là 6.000 cây); thực hiện phát triển 8,2 héc-ta công viên công cộng (chỉ tiêu 5 héc-ta); phát triển hơn 32 héc-ta mảng xanh công cộng (chỉ tiêu 2 héc-ta). Năm 2024, các chỉ tiêu trên vẫn giữ nguyên. Giai đoạn 2020 - 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng thêm 150 héc-ta đất công viên công cộng (tương đương 0,65m²/người). Để hoàn thành chỉ tiêu này, TPHCM cần thực hiện ít nhất 54 dự án, tổng kinh phí đầu tư ước tính hơn 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, TPHCM phấn đấu tăng 10 héc-ta mảng xanh công cộng, đất công viên đạt 1m2/người (tính trên quy mô 11 triệu dân), trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh.
(CATP) Những ngày mới khai trương, Công viên nước Sài Gòn đã tạo nên "cơn sốt" trong giới trẻ TPHCM. Chị Nguyễn Ngọc Lan (nhà gần công viên này) kể vào thời đó cả thành phố chỉ có một công viên nước nên mọi người đổ xô đến vui chơi. Khách đến công viên nước nườm nượp, có lúc phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ.