Công viên - những mảng "sáng" và "tối":

Bài 2: Dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp 23 năm còn dang dở

Thứ Tư, 24/04/2024 11:18

|

(CATP) Là công trình trọng điểm có ý nghĩa đặc biệt về đời sống tinh thần đối với người dân địa phương, nhưng buồn thay, sau 23 năm triển khai, dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp tại P17 (nay là P6), Q.Gò Vấp được chuyển giao cho nhiều đơn vị quản lý, đầu tư, khiến quá trình xây dựng bị "đứt mạch", trì trệ, nhiều hạng mục "đắp chiếu", gây lãng phí lớn về quỹ đất.

Từ những vụ "rút bớt" tiền, cát, cừ tràm…

Được thai nghén từ giữa thập niên 1990, nhưng mãi đến đầu năm 2002, dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp với quy mô hơn 37 héc-ta nằm bên bờ sông Vàm Thuật mới chính thức triển khai, sau khi có Quyết định số 1288/QĐ-TT ngày 28/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất. Ngoài ra, còn có khu đất dự trữ gần 5 héc-ta để mở rộng dự án.

Theo thiết kế, Công viên Văn hóa Gò Vấp sẽ trở thành một trong những trung tâm giải trí lớn nhất TPHCM, với nhiều khu chức năng hiện đại như: khu văn hóa nghệ thuật (nhà hát 7.000 chỗ ngồi, sân khấu ngoài trời, khu nhạc nước); khu văn hóa giáo dục (thư viện, siêu thị sách, rạp chiếu phim, các sân cầu lông, bóng rổ, bóng chuyền, các lớp đào tạo văn thể mỹ...); khu sinh vật cảnh (cây xanh, các loại hoa và cây cảnh, hội chợ hoa...); khu nghỉ tĩnh (khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Q.Gò Vấp); quảng trường; khu dịch vụ, bãi xe. Đáng chú ý, dự án sẽ tạo thêm mảng xanh sinh thái với khu cây xanh 11,9 héc-ta, góp phần chống ô nhiễm môi trường cho thành phố. Khi đi vào hoạt động, Công viên Văn hóa Gò Vấp có thể phục vụ 10.000 người đến vui chơi, giải trí, mua sắm mỗi ngày; dự kiến sẽ thu hút hơn 3 triệu lượt khách trong nước và khách quốc tế mỗi năm.

Giai đoạn 1 của dự án được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 2311/QĐ-UB ngày 23/4/2001, với vốn đầu tư gần 99 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách TPHCM là hơn 17 tỷ đồng, ngân sách Q.Gò Vấp là hơn 81,6 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án (BQLDA) Công viên Văn hóa Gò Vấp làm chủ đầu tư. Số tiền gần 99 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho một dự án vào thời điểm năm 2001 là rất lớn. Theo dự toán, chi phí xây lắp là hơn 65,7 tỷ đồng, chi phí đền bù, giải tỏa 31,5 tỷ đồng, kiến thiết cơ bản khác là 1,62 tỷ đồng. Dự án gồm nhiều hạng mục: san lấp mặt bằng với hơn 640.000m3 cát cùng hàng vạn cây cừ tràm; đường dạo, cây xanh, bồn hoa, hồ nước... với tổng diện tích 115.140m2; hệ thống thoát nước dài hơn 7km; tường rào 2,5km, bờ kè 1,7km...

Cổng vào Công viên Văn hóa Gò Vấp

Sau thời gian dài triển khai, đến năm 2006, nhiều hạng mục công trình còn dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng kém chất lượng. Hàng loạt đơn thư của người dân gởi đến các cơ quan chức năng, tố cáo sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống của BQLDA Công viên Văn hóa Gò Vấp. Về vấn đề này, Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM) đã từng đăng loạt bài điều tra phản ánh sự việc.

Sau khi chỉ đạo cơ quan thanh tra làm rõ, ngày 15/02/2007, Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp ký Quyết định số 219/QĐ-UBND công bố kết luận thanh tra, nêu rõ: Quá trình triển khai dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp bộc lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng kéo dài, trong đó nổi cộm nhất là việc các đơn vị thi công "rút ruột" công trình. Cụ thể, công trình bị "rút ruột" 14.222m3 cát, 7.408 mét cừ tràm và hơn 610 triệu đồng.

Kết luận thanh tra nêu rõ sai phạm tại dự án này là nghiêm trọng, kéo dài, liên quan đến nhiều đơn vị. UBND Q.Gò Vấp kiến nghị tạm ngưng các hạng mục đầu tư san lấp để khảo sát lại địa chất nhằm xác định cốt nền chính xác; các đơn vị thi công có sai phạm phải nộp lại bằng tiền để khắc phục hậu quả. Những hạng mục thi công không đúng hồ sơ thiết kế thì buộc chủ đầu tư và đơn vị thực hiện có trách nhiệm tổ chức thi công lại, chỉ nghiệm thu khi đạt yêu cầu. Chủ tịch UBND Q.Gò Vấp đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có sai phạm; nếu có dấu hiệu tội phạm thì xử lý đúng người, đúng tội.

Nhiều hạng mục đã xây dựng trong Công viên Văn hóa Gò Vấp

…Đến thay chủ đầu tư, đơn vị quản lý

Sau khi thanh tra, năm 2007, Công ty cổ phần (CP) Đầu tư Gia Tuệ (gọi tắt là Công ty Gia Tuệ, trụ sở tại Hà Nội) ký biên bản "ghi nhớ đầu tư” với Q.Gò Vấp về dự án công viên trên. Trên cơ sở đề xuất của UBND Q.Gò Vấp, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có 2 Tờ trình số 1419/TNMT-QHSDĐ ngày 17/3/2010 và 3977/TNMT-QHSDĐ ngày 28/6/2010, báo cáo UBND TPHCM về việc Công ty Gia Tuệ xin đầu tư dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp. UBND TPHCM ra công văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp UBND Q.Gò Vấp và các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, tổ chức đấu thầu, chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Từ đề xuất của UBND Q.Gò Vấp, UBND TPHCM có Công văn số 2755/UBND-ĐTMT ngày 10/6/2011 chấp thuận cho Công ty Gia Tuệ làm chủ đầu tư dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp, đồng thời làm chủ đầu tư dự án chỉnh trang đô thị khu vực phía trước công viên (diện tích 8 héc-ta). Do bị Công ty CP Tư vấn đầu tư Mỹ Kim Quốc Tế khiếu nại, ngày 05/8/2011, UBND TPHCM có Công văn số 3900/UBND-ĐTMT "tạm dừng thực hiện nội dung Công văn số 2755/UBND-ĐTMT".

Ngày 07/5/2012, Sở TN&MT có Công văn số 2513/TNMT-QLSDĐ báo cáo và kiến nghị UBND TPHCM báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, với nội dung "chấp thuận cho Công ty Gia Tuệ tiếp tục đầu tư cả 2 dự án". Vào tháng 8/2012, Văn phòng Thành ủy TPHCM có Công văn số 2816-CV/VPTU và Văn phòng UBND TPHCM có Công văn số 6626/VP-TM gửi Sở TN&MT, cho phép Q.Gò Vấp tiếp tục đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 của dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp từ vốn ngân sách. Sở TN&MT đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, có ý kiến.

Nhiều chỗ trong công viên còn hoang sơ

Năm 2014, Công viên Văn hóa Gò Vấp được chuyển về cho Q.Gò Vấp quản lý đầu tư. Tháng 01/2016, công viên được chuyển từ BQLDA Công viên Văn hóa Gò Vấp về cho Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (Khu 3 thuộc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM) quản lý và làm chủ đầu tư. Đơn vị này thực hiện một số việc như: đầu tư xây dựng tuyến đường nhựa từ cổng công viên đến sông Vàm Thuật, nhà vệ sinh; cải tạo các ao tự nhiên trong công viên thành ao trồng sen; làm cống ngăn triều cường, trồng thêm và chăm sóc mảng cây xanh, cải tạo thảm cỏ; lắp đặt đèn chiếu sáng. Đơn vị đã vận động các hộ dân không trồng rau, cây kiểng, nuôi cá trong công viên...

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng (Chánh văn phòng UBND Q.Gò Vấp) cho biết, trước đây quận không có nguồn lực để triển khai xây dựng nên đã giao công viên về cho thành phố. Suốt 5 năm nay, quận không còn quản lý, công viên giờ giao về cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng quản lý. Một lãnh đạo của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết, đơn vị chỉ có nhiệm vụ duy tu, bảo dưỡng, trồng thêm cây, làm đường dạo, lắp đặt cụm thể dục - thể thao..., kinh phí lấy từ nguồn ngân sách hàng năm của TPHCM. Tuy dự án còn đang dang dở, nhưng công viên vẫn có đông người đến tập thể dục, vui chơi. Nhưng để hoàn thành các hạng mục đề ra thì nhất thiết phải có một dự án đầu tư mới.

Thực trạng đáng buồn

Việc thay chủ đầu tư liên tục ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng công viên. Có mặt tại Công viên Văn hóa Gò Vấp, phóng viên ghi nhận nơi đây đang được chỉnh trang, cải tạo nhiều hạng mục. Mỗi ngày, tại công viên có hơn chục công nhân làm việc để bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị, trồng và chăm sóc cây xanh, phát cỏ, phát quang bụi rậm. Khu vực bãi giữ xe đã được tráng nền sạch sẽ. Các trang thiết bị, dụng cụ thể dục - thể thao được lắp đặt mới, loại hình phong phú. Nhiều đường bê-tông cũng được xây mới đẹp đẽ, tạo điều kiện cho người dân đi bộ, luyện tập thể dục - thể thao. Nhiều ao trong công viên được trồng sen rất đẹp, thu hút các bạn trẻ đến "check in", chụp hình. Tại khu vực giáp sông Vàm Thuật, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đang trong giai đoạn thi công, tạo bộ mặt sáng sủa cho công viên.

Tuy nhiên, nhiều diện tích trong công viên trên vẫn còn "trùm mền", bỏ hoang. Gần cổng công viên có nhiều người dựng lán làm bãi giữ xe và bán nước giải khát. Con rạch chảy ngang qua công viên chưa được làm kè kiên cố, cây bụi, lục bình mọc um tùm, nước kênh đục ngầu, ô nhiễm nặng. Một số chỗ bị người dân tận dụng để trồng chuối, hoa màu. Phần lớn diện tích công viên hiện vẫn là cây bụi rậm rạp, dừa nước, bình bát, cỏ dại mọc um tùm. Tại khu vực vườn tràm trong công viên, những đường đất chạy ngoằn ngoèo chưa được cải tạo, nhiều khu vực còn hoang sơ, sình lầy.

Thường đến Công viên Văn hóa Gò Vấp tập thể dục, chị Nguyễn Vân Anh chia sẻ: "Một công viên được quy hoạch, xây dựng lâu như vậy mà vẫn dang dở, có nhiều ao, khe, rạch, bụi rậm chưa được cải tạo, dễ phát sinh muỗi mòng, mầm bệnh. Mong sao dự án xây dựng công viên này sớm hoàn tất để mọi người có chỗ vui chơi, thư giãn sau những giờ làm việc, học tập vất vả”.

(Còn tiếp)

Bài 1: Những công viên làm thay đổi diện mạo TPHCM
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang