Chiêu lừa của những cao thủ xin việc:

Kỳ cuối: Khủng hoảng thất nghiệp khiến lừa đảo việc làm gia tăng

Thứ Sáu, 12/04/2024 14:25

|

(CATP) Khi dân số vượt lên gần 1,5 tỷ người, đứng đầu thế giới với lực lượng trẻ ngày càng gia tăng thì khủng hoảng việc làm cũng thường xuyên xảy ra. Chính vì thế, những lao động Ấn Độ đang tìm cách thoát khỏi tình trạng thất nghiệp kinh niên ở đất nước mình đã trở thành đích ngắm của những cao thủ việc làm. Năm 2020, đường dây lừa đảo tương tự đã khiến ít nhất 50.000 người bị mất hàng triệu rupee trên khắp 5 bang ở quốc gia Nam Á này.

Kinh tế phát triển nhưng… không đủ việc làm!

Theo Trung tâm giám sát kinh tế Ấn Độ (CMIE) tỉ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng 12/2023 đã tăng lên cao nhất trong vòng 16 tháng qua. Thống kê cho thấy, năm 2020 có hơn chục triệu người trong độ tuổi 16-30 bị mất việc làm. Nghịch lý đã xảy ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới với nền kinh tế phát triển nhanh: các cao thủ việc làm ngày càng "ăn nên làm ra" giữa lúc người lao động phải lao đao tìm việc.

Với quy mô dân số trẻ, tuổi bình quân khoảng 28, nhu cầu giáo dục vì vậy thường rất lớn, khi quốc gia Nam Á này vẫn phổ biến suy nghĩ trọng bằng cấp, chính vì thế áp lực sẽ ngày càng tăng với chính phủ khi muốn bảo đảm cuộc sống cho gần 1,5 tỷ dân, nhất là khi bằng cấp không đi kèm với chất lượng đang tạo ra thế hệ sinh viên ra trường không xin được việc. Đường dây lừa đảo do những cao thủ việc làm tổ chức mới nhất ở Ấn Độ đã ảnh hưởng đến người dân ở các bang Karnataka, Andhra Pradesh, Tây Bengal, Gujarat, Odisha do mất hàng chục triệu rupee sau khi được hứa hẹn công việc phù hợp.

Theo điều tra, nhóm chuyên gia công nghệ xuất phát từ bang Uttar Pradesh đã cấu kết phát triển trang web, với sự hỗ trợ của những nhân viên địa phương, được trả từ 12.000 - 15.000 rupee/tháng. Trong khi đó, các ứng viên phải đóng tới 70.000 rupee cho những chương trình đào tạo của phía tuyển dụng, trong đó có 3.000 rupee phí đăng ký, để rồi tất cả đều... mất trắng! Công việc được giới thiệu khá đơn giản, như: bán hàng, soát vé và cả đếm giờ đi - đến của các chuyến tàu tại một số ga xe lửa trực thuộc Công ty Đường sắt Ấn Độ. Nhiều trường hợp "con mồi" còn bị dẫn dụ sang tận Bangkok, Dubai hoặc đưa bất hợp pháp đến các quốc gia Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia và buộc phải phạm tội lừa đảo trên mạng.

Ngày càng nhiều người lao động vất vả tìm việc làm ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Được dự báo sẽ vượt Đức, Nhật trở thành nền kinh tế lớn thuộc top đầu thế giới vào năm 2030 và theo các tổ chức quốc tế, ngành kinh doanh giáo dục ngày càng bùng phát ở Ấn Độ, trị giá lên đến hàng trăm tỷ đôla, nhưng sinh viên tốt nghiệp vẫn không đáp ứng được yêu cầu tìm việc. Nghịch lý thấy rõ khi nhiều chuyên gia và lao động tay nghề cao đảm nhiệm các vai trò điều hành ở những tập đoàn nổi tiếng (Microsoft, Google...) hay làm cố vấn trong lĩnh vực dầu mỏ ở các nước vùng Vịnh hoặc tham gia lãnh đạo ở cấp độ toàn cầu (Tổ chức hợp tác - phát triển kinh tế OECD...) đều là người Ấn Độ, với 1/3 trong số gần 130 triệu người là những trí thức, chuyên gia uy tín trong xã hội, nhưng các vấn đề liên quan đến hệ thống giáo dục (năng lực đào tạo của giảng viên còn hạn chế, chương trình đào tạo thiếu tính thực tế...) nên khó thể bảo đảm việc làm cho nhiều cử nhân sau khi tốt nghiệp.

Hoài nghi liên tục để tránh sập bẫy lừa

Theo đà phát triển, từ nay đến năm 2030 Ấn Độ phải tạo ra gần 13 triệu việc làm/năm. Vì muốn đổi đời, hàng triệu thanh niên Ấn đã di cư tới các thành phố lớn mỗi năm để tìm việc, dẫn đến cuộc chiến việc làm ngày càng khốc liệt, đây cũng là cơ hội để các cao thủ việc làm tranh thủ giở đủ chiêu: thay đổi kiểu tóc, hóa trang, đeo thêm cặp kính râm... quay hàng loạt video đăng lên mạng xã hội thu hút người tham gia để lừa đảo.

Thời gian gần đây, ở Ấn Độ xuất hiện nhiều đường dây lừa đảo ẩn dưới vỏ bọc tuyển dụng việc làm, với từ khóa câu nhử những người nhẹ dạ, cả tin như "công việc bán thời gian linh động giờ giấc, tiền lương hậu hĩnh". Tương tự như ở Singapore, nạn nhân thường nhận được lời mời làm những công việc "không có thật" thông qua các phần mềm như WhatsApp, chỉ cần hoàn thành các động tác không đáng kể cũng có thể hái ra tiền. Nhưng khi "con mồi" đang say sưa với mức "đãi ngộ" dễ dàng nhận được, họ buộc phải "ký quỹ” nếu muốn tham gia các nhóm "nhiệm vụ VIP" và mất trắng ít nhất từ hàng trăm ngàn rupee do nạp tiền rồi mới được nhận nhiệm vụ mới.

Ngay cả khi sử dụng những nền tảng tìm việc uy tín như LinkedIn, ứng viên vẫn có nguy cơ bị lừa, chính vì thế giới trẻ khi xin việc thường được khuyên "cần cảnh giác và nên hoài nghi liên tục": cảnh giác nếu cảm thấy nhà tuyển dụng đặt yêu cầu quá cao hoặc không giải thích rõ về công việc hay đưa ra những đề nghị vô lý như cung cấp thông tin tài chính cá nhân... Thêm một yếu tố đáng ngờ là thông tin tuyển dụng khá mơ hồ, có nhiều lỗi văn phạm, không rõ địa chỉ hoặc email công ty, đặc biệt không thể tìm hiểu thêm trên Google...

Kỳ 4: Hàng ngàn lao động ở đảo quốc sư tử dính bẫy việc làm
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang