Tranh giả và muôn kiểu lừa đảo:

Kỳ 4: Cao thủ làm tranh giả của Mỹ

Thứ Năm, 21/09/2023 08:50

|

(CATP) Cuối năm 2022, cái tên Anthony Tetro một lần nữa khuấy động giới buôn tranh thế giới khi một trong hai cao thủ làm tranh giả của nước Mỹ này xuất bản cuốn hồi ký, trong đó tuyên bố tranh giả của mình từng vượt qua nhiều tầng "lưới lọc" để lọt vào bộ sưu tập của Thái tử (nay là nhà vua) Charles lúc đó của vương quốc Anh.

Từ cậu bé phụ lễ có tài bắt chước...

Khi còn là học trò trong trường dòng, Tetro đã bộc lộ tài năng khác thường: Cậu vẽ một bà sơ của trường theo phong cách họa sĩ Mỹ gốc Peru Alberto Vargas (1896-1962), người nổi tiếng nhờ những bức họa các thiếu nữ ăn mặc khêu gợi. Hậu quả là người trong ảnh cho cậu bé phụ lễ trận đòn "thừa sống thiếu chết" trước khi mách với linh mục phụ trách. Tetro cũng lấy vợ từ khá sớm, 17 tuổi đã làm cha, nhưng rồi cặp đôi cũng chia tay không lâu sau đó. Năm 1969, Tetro tới Nam California (Mỹ) kiếm sống bằng nghề bán đồ nội thất.

Chưa từng theo lớp đào tạo hội họa nào, mọi thứ Tetro vẽ đều là tự học, nhìn theo sách, xem tranh ở bảo tàng và vẽ theo bản năng, tự tìm hiểu, khám phá. Cậu thú nhận chẳng hề nghĩ tới việc tạo dựng cho mình phong cách riêng trong hội họa, nhưng lại thích vẽ và chép tranh của các bậc thầy, sau đó đem bán tại các hội chợ nhỏ. Dần dần Tetro bắt đầu họa theo ảnh và vẽ chân dung. Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, người giàu ở Mỹ đua theo mốt chơi tranh khiến thị trường mở rộng, còn người mua ít quan tâm tới tranh giả hay thật. Luật pháp không cấm họa sĩ sao chép tranh, miễn là họ không vi phạm tác quyền. Vậy là từ thú vui giải trí, Tetro đã chép tranh để kiếm sống và xa hơn là làm tranh giả.

Tetro vẽ lại cả tranh của các họa sĩ hiện đại lẫn những bậc thầy từ Rembrandt tới Joan Miró, Marc Chagall, Salvador Dalí, Norman Rockwell. Cái tên Tetro trở nên nổi tiếng vì những bức tranh chép hoàn hảo với mỹ từ "thiên tài" được giới buôn tranh gán cho. Và dĩ nhiên, Tetro trở nên giàu sang, có biệt thư 3 tầng cùng các loại xe sang như Rolls-Royce, Ferrari, Lamborghini Countach. "Có tài sinh tật", Tetro cũng thường xuyên bay sang Monte Carlo đánh bạc, ghé qua Rome, Paris chơi bời và bị cảnh sát đưa vào "danh sách đen" do nghi họa sĩ này buôn ma túy nên mới sống phong lưu như vậy.

Anthony Tetro vẽ tranh trong thời gian thụ án
Bức tranh lụa do họa sĩ Hiro Yamagata vẽ nhân kỷ niệm 100 năm ngày ra đời tượng Nữ thần Tự do

... Đến đệ nhất cao thủ vẽ tranh giả

Một ngày cuối năm 1988, danh họa đương đại Hiro Yamagata của Nhật Bản - nổi tiếng với các tác phẩm tranh lụa rực rỡ sắc màu - đi dạo trên đại lộ Sunset ở Beverly Hills (California). Khi bước vào phòng tranh Carol Lawrence, người thân nhìn thấy vài bức vẽ màu nước của danh họa này treo trên tường đã gọi ông lúc này vẫn đứng bên ngoài. Tới gần nhìn kỹ, Yamagata nói: "Mấy bức này không phải tranh của tôi".

Sau vài tháng bí mật giăng bẫy, cảnh sát bắt được Mark Sawicki - chủ một phòng tranh khác, nơi xuất phát các bức tranh giả của Yamagata. Khám xét nhà đối tượng, cảnh sát tìm thấy nhiều tranh giả của các danh họa kim cổ. Mong được giảm nhẹ tội, Sawicki đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra và tháng 4/1989 đã gọi điện hẹn gặp Tetro tại nhà mình để bàn việc mua thêm tranh. Cuộc gặp đã bị nghe lén, nên chỉ vài phút sau khi Sawicki ra về, cảnh sát đã khám xét nhà Tetro, tìm thấy tại đây 250 tranh giả vẽ trong nhiều giai đoạn, nhưng họa sĩ này luôn khẳng định mình chỉ là "người chép tranh ngay tình theo đơn đặt hàng", thậm chí là nạn nhân của những tay buôn tranh, trong đó có Sawicki.

Mặc dù vậy, trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2022 của mình, Tetro đã thuật lại tỉ mỉ quá trình làm tranh giả, cụ thể là bức Người phụ nữ khỏa thân ngồi trên gò đất của họa sĩ Ý Caravaggio (1571-1610). Tetro đã bỏ nhiều công sức kiếm sách cổ để tìm ra bản khắc của bức tranh, sau đó đưa lên một tờ giấy đã ố vàng theo thời gian lấy từ một cuốn sách cổ. Tetro lục sách in từ năm 1900 và chỉ ra rằng bức tranh này khả năng có bản vẽ ban đầu, đến năm 1800 lọt vào tay nhà sưu tập người Anh tên John Malcolm. Tetro tiếp tục mò ra con dấu riêng bộ sưu tập của Malcolm và làm giả nó cùng với bức tranh để dựng lên câu chuyện có thật khiến người mua tin rằng bức tranh có nguồn gốc rõ ràng. Tinh vi hơn, Tetro còn tìm nhiều cách để biến bức tranh từ mới thành cũ, thậm chí dùng cà phê để tạo những vết rạn thường thấy trên những bức tranh cổ có niên đại trước đó hàng trăm năm.

Quá trình xét xử Anthony Tetro kéo dài nhiều năm, vì bồi thẩm đoàn nhiều lần không thể quyết định bị cáo này có tội hay không bằng cách bỏ phiếu. Sau 3 năm, cuối cùng giữa bên công tố và Anthony Tetro tiến tới một thỏa thuận, mà theo đó bị cáo chấp nhận bản án nhưng vẫn "bảo lưu sự vô tội của mình". Việc thi hành án gồm 200 tiếng vẽ một bức tranh tường ở nơi công cộng, 6 tháng ban ngày làm việc ở nhà (vẽ tranh phục vụ công ích), tối vào ngủ trong tù và 5 năm tù treo (sẽ trở thành tù giam nếu vi phạm các quy định về án treo).

Trong cuốn sách xuất bản năm 2022, Anthony Tetro khuyên rằng với các tiến bộ kỹ thuật giám định hiện đại ngày nay, những bức tranh giả như ông ta từng vẽ sẽ sớm bị phát hiện.

Kỳ 3: Giữa mê hồn trận tranh giả - tranh chép
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang