(CATP) “Giấy Xuân thời nhà Minh được bán 20.000 - 30.000 nhân dân tệ/tờ, mực và thỏi mực cùng thời cũng có thể tìm được. Chỉ cần bạn vẽ giống Chu Đáp, các nhà đấu giá sẽ cho những bức tranh ấy là hàng thật”, lời khai của Tiêu Nguyên trước tòa về cách thức làm tranh giả cổ mà nhờ đó ông ta kiếm lợi hơn 37 triệu tệ (khoảng trên 6 triệu USD) khiến những người dự khán ngỡ ngàng.
Lộ mặt
Tiêu Nguyên làm việc tại Thư viện Quảng Mỹ 12 năm cho tới khi bị bắt vào năm 2014. Có lẽ ông ta sẽ “hạ cánh an toàn” để về hưu sau khi đã hoàn thành việc chuyển kho tranh quý sang bảo tàng một cách êm thấm từ năm 2006.
Thế nhưng “thiên bất dung gian” nên đầu năm 2014, có một cựu sinh viên của Quảng Mỹ quan tâm tới việc bán đấu giá tranh và trong khi xem xét tài liệu của số tranh sắp bán đấu giá, người này phát hiện điều nghi ngờ: Ở một góc nhỏ phía dưới bức tranh có dấu hiệu riêng cho biết tác phẩm hội họa này được lưu ở thư viện của Quảng Mỹ. Việc đấu giá một bức tranh thuộc hàng quốc bảo không thể diễn ra lặng lẽ như thế nên anh này đã báo lại cho Quảng Mỹ cùng nhà chức trách. Lời phúc đáp cho biết bức tranh “gốc” vẫn đang lưu tại bảo tàng - nơi nó được chuyển đến từ Thư viện Quảng Mỹ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, sự việc không dừng lại vì sau khi bị xới lên, nhiều chuyên gia đề nghị giám định lại xem bức nào là thật, tranh nào là giả và tất nhiên một trong những người đầu tiên bị chất vấn là Tiêu Nguyên. Chưa hết, cảnh sát phát hiện trong giai đoạn 2004 - 2011, họ Tiêu đã ủy thác cho Công ty TNHH đấu giá quốc tế China Guardian và Công ty TNHH đấu giá Yitong Chiết Giang bán 125 bức tranh nổi tiếng, với tổng số tiền lên đến 34,7087 triệu nhân dân tệ. Có lẽ con số này đã giải thích rõ về 7 bất động sản và 18 bức tranh của thư viện còn nằm trong nhà họ Tiêu.
Bị cáo Tiêu Nguyên tại tòa.
Khi họa sĩ tự đánh mất mình
Đến nước này thì Tiêu Nguyên buộc phải khai thật. Là họa sĩ và chuyên gia mỹ thuật với gần 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu tranh các họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc, lần đầu nhìn thấy các bức tranh cất trong kho Quảng Mỹ, Tiêu Nguyên đã hiểu ngay lập tức trong tay mình có cả một kho báu vô giá. Nhưng đánh cắp tranh gốc mình đang quản lý đem bán là điều dại dột, nên Giám đốc Tiêu đã có kế hoạch khôn ngoan hơn: Cứ vào những ngày cuối tuần và dịp nghỉ lễ, ông ta lại tìm cách vào trường “mượn” tranh về, mua giấy và các thỏi mực từ thời nguyên tác để vẽ lại rồi đem bản tranh chép thế vào chỗ các bản gốc. Theo lời khai của nhân viên thư viện thì ở cương vị giám đốc, Tiêu Nguyên nhiều lần cố tình giảm bớt, thậm chí loại bỏ những nhân viên chịu trách nhiệm quản lý bộ sưu tập tranh.
Lựa chọn đầu tiên của Giám đốc Tiêu đương nhiên là những tác phẩm dễ sao chép và khó phát hiện. Ông ta thường tránh chọn các tác phẩm của Trường phái Lĩnh Nam, vì biết rằng nhiều giảng viên và sinh viên ở Quảng Mỹ là “fan cuồng” của Trường Hội họa Lĩnh Nam. Thông qua cách đánh tráo tranh gốc bằng tranh mình vẽ, Tiêu Nguyên đã lấy cắp được 143 bức tranh Trung Quốc quý hiếm, trong đó có 125 bức đã được bán cho các thị trường nghệ thuật lớn trong và ngoài nước thông qua công ty đấu giá.
Sau khi bán được những bảo vật trên, Giám đốc Tiêu đã đổi tiền mặt sang biệt thự và ôtô hạng sang. Trị giá 143 bức tranh này có thể lên tới hàng trăm triệu đôla, chỉ riêng 18 bức tranh còn lại ở nhà Tiêu Nguyên được Hiệp hội Di tích Văn hóa tỉnh Quảng Đông ước tính giá trị thị trường ít nhất 70 triệu USD. Bức tranh “Ca ngợi tổ quốc” của danh họa Tề Bạch Thạch sau này được bán đấu giá ở Bắc Kinh với mức 72 triệu tệ (11,4 triệu USD), có giá cao nhất trong số tác phẩm hội họa bị Tiêu Nguyên “rút ruột” từ thư viện.
Quá trình xét xử, Tiêu Nguyên thú nhận đôi khi ông ta đưa cả tranh giả của mình đi bán và khiếu nại rằng khi nhận kho tranh, mới nhìn qua đã biết trong đó có nhiều “tranh giả chất lượng thấp” nên quyết định tự vẽ “tranh giả xịn hơn” để thay vào! Tuy nhiên, tòa án không chấp nhận khiếu nại này.
Trong những năm sau khi kho tranh quý đã chuyển sang bảo tàng, Tiêu Nguyên chủ quan cho rằng những bức tranh giả của ông ta trong bảo tàng sẽ vĩnh viễn không bị ai phát hiện và ngạo mạn tuyên bố: “Ngoại trừ tôi, trong thư viện chẳng có ai hiểu về hội họa. Điều duy nhất họ có thể làm chỉ là đếm, nên cho dù mượn tranh thật và lấy lại tranh giả, họ cũng không thể phân biệt được”.
Tiêu Nguyên đã chết trước khi tòa tuyên án vào năm 2016 và từ đó cho tới nay, phía xử án đã truy tìm tất cả tài sản của bị cáo để thu lại khoản tiền đền bù.
(Còn tiếp...)
(CATP) Việc vẽ lại tranh của người khác, đặc biệt với kiệt tác, là một trong những cách vận dụng của các cây cọ còn non trẻ trên bước đường trở thành họa sĩ.