Các họa sĩ “thiên tài tranh giả” thế giới:

Kỳ 1: Vụ tráo tranh cổ giả lớn nhất Trung Quốc

Thứ Hai, 18/09/2023 17:49

|

(CATP) Việc vẽ lại tranh của người khác, đặc biệt với kiệt tác, là một trong những cách vận dụng của các cây cọ còn non trẻ trên bước đường trở thành họa sĩ.

Tương truyền rằng đến như danh họa người Ý Michelangelo (1475-1564) cũng từng chép tranh khi còn là cậu bé học việc, thậm chí còn chép trộm tranh tượng của người khác khi đã thành tài. Tuy nhiên, nếu 500 năm trước Tòa án Giáo hội có thể khoan dung với bậc thầy khắc tranh Marcantonio Raimondi khi không bỏ tù ông về tội khắc gỗ 300 bức tranh của các danh họa khác để bán mà không xin phép, thì ngày nay, những kẻ làm tranh giả không còn được may mắn như vậy.

“Nếu bạn đặt hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn trước mặt tôi, tôi có thể không quan tâm. Nhưng nếu bạn đặt nó lên hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu, hãy tự hỏi ai có thể bảo đảm rằng bạn chẳng suy nghĩ gì về khoản tiền lớn ấy?”.

Bước trượt dài của một tài năng

Tiêu Nguyên - cựu Giám đốc thư viện của Học viện Mỹ thuật Quảng Châu - đã tuyên bố như vậy trong phiên tòa xét xử vào năm 2015. Lời thú nhận được cho là thẳng thắn sau khi cuộc điều tra về việc hàng trăm tác phẩm hội họa kim cổ mà ông ta có trách nhiệm quản lý bị đánh tráo bằng những bản tranh chép, còn các bản tranh thật thì được đưa bất hợp pháp vào các sàn đấu giá hoặc nằm trong 7 căn biệt thự của họ Tiêu này.

Tiêu Nguyên.

Trước khi tráo tranh giả, Tiêu Nguyên sống bằng ngòi bút là chủ yếu, không phải cọ vẽ. Tốt nghiệp ngành Triết của Đại học Vũ Hán năm 1980, Tiêu Nguyên về làm ở Nhà xuất bản Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Hồ Nam, quảng bá về văn học tiên phong và nghệ thuật tiên phong của Trung Quốc đương đại, những cuốn sách do ông lên kế hoạch, xuất bản và biên tập giành được nhiều giải thưởng. Chuyên nghiên cứu về hội họa Trung Hoa, thư pháp và viết sách, Tiêu Nguyên là tác giả nhiều cuốn sách, trong đó đáng chú ý nhất là “Lịch sử thẩm mỹ thư pháp” và “5.000 năm thư pháp Trung Quốc” cùng nhiều tuyển tập phê bình văn học.

Năm 1998, ông ta được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí Phù Dung - một tạp chí lâu đời của Nhà xuất bản VHNT Hồ Nam với 100.000 bản in/số và là một trong “tứ đại” của tạp chí văn học truyền thống. Tuy nhiên, sau 4 năm Tiêu Nguyên làm tổng biên tập, số bản in của Phù Dung chỉ còn 7.000, nhưng đó là tình trạng chung của các tạp chí văn học thời ấy.

Là nhà nghiên cứu có tiếng tăm nhưng tài sản lúc đó chỉ có 100.000 nhân dân tệ, vì thế theo Tiêu Nguyên chỉ còn cách rời Hồ Nam, đến đồng bằng Châu Giang của tỉnh Quảng Đông - nơi các học giả trong lĩnh vực mỹ thuật đổ xô đến mới có thể đổi đời trong cơn lốc mở cửa, trung lưu hóa của xã hội Trung Quốc hiện đại.

Quảng Mỹ “rước cáo vào nhà”

Quảng Mỹ là tên gọi tắt của Học viện Mỹ thuật Quảng Đông. Năm 2001, Tiêu Nguyên giành được “Giải thưởng văn học trẻ tỉnh Hồ Nam lần thứ 9” với tác phẩm “Ngày qua ngày”, và đó là quả cân cuối cùng ném lên bàn cân khiến Quảng Mỹ quyết định mời họ Tiêu về nhận chức vụ giám đốc thư viện.

Nhìn chung, nguồn sưu tập trong các phòng trưng bày nghệ thuật của trường đại học là những bộ sưu tập di tích văn hóa trước đây hoặc các tác phẩm do cựu sinh viên để lại khi còn học tại trường. Riêng thư viện của Quảng Mỹ lại khác biệt; trong số 385.000 tài liệu có lượng lớn tác phẩm của các danh họa Trung Quốc kim cổ, thậm chí được xếp hạng bảo vật quốc gia như tác phẩm “Anh hùng độc lập” vẽ con đại bàng đậu trên mỏm đá Tề Bạch Thạch - một trong tứ đại kiệt tác tinh hoa Trung Quốc, “Hán cung thu nguyệt” của Viên Giang - họa sĩ đầu thời nhà Thanh, và “Đôi chim trên hồ đá” của Chu Đáp - bậc thầy về hội họa truyền thống Trung Quốc...

Bìa cuốn “Lịch sử thẩm mỹ thư pháp” của Tiêu Nguyên

Tháng 02/2014, Tiêu Nguyên nhậm chức tại Quảng Mỹ, nơi đang trông đợi ông sẽ tổ chức lại thư viện theo hướng chuyển toàn bộ kho tài liệu sang thư viện số trước khi kho hiện vật quý ở đây được chuyển sang Bảo tàng Nghệ thuật đang được xây dựng. Tại Quảng Mỹ, sinh viên ít biết tới Tiêu Nguyên ngoài môn Lịch sử nghệ thuật có ghi trên lịch giảng dạy. Ông cũng rất ít giao tiếp với đồng nghiệp, tránh mời họ tới nhà riêng và thường thu mình lại. Trong công việc, họ Tiêu cũng chẳng mấy quan tâm, hiếm khi phát biểu trong các buổi hội thảo, khá thờ ơ trong việc xây dựng học thuật, việc chuyển sách từ thư viện của Quảng Mỹ sang Bảo tàng cũng dây dưa chưa thực hiện xong.

Thực ra Tiêu Nguyên phát hiện ra một điều mà mình rất tâm đắc. Tất cả nhân viên thư viện đều không có kiến thức mỹ thuật, việc cấp phát tài liệu ra bên ngoài hay nhận tài liệu vào chủ yếu chỉ là đếm số lượng, kỹ hơn thì xem qua có rách hay không. Hơn nữa, việc số hóa hơn 2.000 tài liệu buộc phải đưa chúng ra khỏi tầng cửa thứ 3 của kho tài liệu quý. Với tư cách giám đốc, Tiêu Nguyên có chìa khóa lớp cửa thứ ba, nhưng nó chỉ có thể mở ra khi có mặt 2 vị giáo sư được phân công.

Thế nhưng, Tiêu Nguyên đã khai trước tòa rằng “cánh cửa thứ ba này không cần chìa khóa cũng có thể mở được, bởi những vị trên lười đi vào đó”.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang