Ấn Độ và những xu hướng phạm tội đáng lo ngại:

Kỳ 4: Nạn đấu giá phụ nữ trên mạng ở Ấn Độ

Thứ Năm, 14/09/2023 11:23

|

(CATP) Mạng xã hội phát triển ngoài một số ứng dụng hữu ích cũng kéo theo không ít hệ lụy, khi các đối tượng tội phạm lợi dụng để gây án. Đặc biệt tại Ấn Độ, quấy rối trực tuyến đối với phụ nữ và trẻ em gái - bao gồm đe dọa bạo lực, trong đó có xâm hại và gửi các hình ảnh khiêu dâm - đã trở thành vấn nạn. Trong số đó, theo New York Post, nạn đấu giá trên mạng đang là cuộc tấn công mới nhất vào phụ nữ Hồi giáo ở quốc gia Nam Á đông dân nhất thế giới này.

Nạn nhân không biết mình bị bán

Với vẻ ngoài ưa nhìn, trong vòng chưa đầy 1 năm, Hiba Bég - người hoạt động tích cực trên mạng xã hội - nhận được tin mình đã bị rao bán trên mạng 2 lần, khi hình ảnh về cô xuất hiện trên ứng dụng đấu giá giả mạo "Bulli Bai". Ngoài cô ra còn cả trăm nạn nhân cũng là phụ nữ Hồi giáo nổi tiếng của Ấn Độ - gồm các nghệ sĩ, phóng viên, nhà hoạt động xã hội và luật sư - phát hiện hình ảnh của mình bị sử dụng để tạo hồ sơ đấu giá trái phép tại ứng dụng trên.

Trước đó, ứng dụng đấu giá giả mạo "Sulli Deals" cũng từng xuất hiện trên mạng (đây là 2 tiếng lóng xúc phạm phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ) dù cảnh sát đã mở cuộc điều tra, nhưng chưa có ai bị buộc tội. Theo Hiba: "Những hành vi trên nhằm buộc những phụ nữ Hồi giáo lên tiếng phản đối sự bất công trong xã hội phải im lặng. Nhưng họ không lùi bước, khi mọi thứ trở nên quá sức chịu đựng".

Đầu tháng 01/2022, Cảnh sát bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ mở cuộc điều tra đối với nhà phát triển ứng dụng "Bulli Bai", dựa trên đơn khiếu nại của các phụ nữ Hồi giáo. Tháng 7/2021, Cảnh sát Ấn Độ đã điều tra vụ hàng chục phụ nữ theo đạo Hồi ở nước này bị rao bán trong các cuộc "đấu giá” ảo trực tuyến mà họ không hề hay biết. Nhiều người tin rằng đây là một phần của "chiến dịch bôi nhọ tôn giáo thiểu số", khi nhiều bức ảnh chụp của hơn 80 phụ nữ theo đạo Hồi bị đăng tải lên nền tảng phát triển phần mềm mở GitHub với tiêu đề "Thương vụ của Sulli" . Nữ phi công Hana Mohsin Khan (32 tuổi) cũng là một trong số những người bị rao bán và hoàn toàn không biết gì đến khi một người bạn chia sẻ đường link dẫn tới "phiên đấu giá”.

Nền tảng GitHub đã đình chỉ tài khoản tổ chức trang đấu giá trên và cho biết hoạt động này vi phạm các quy định về quấy rối và kích động bạo lực. Cảnh sát Ấn Độ xác định đây chỉ là sàn đấu giá giả, nhằm công kích những người theo Hồi giáo - đa số là phụ nữ làm nghề báo hoặc nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội - và vẫn chưa xác định được thủ phạm.

Nữ phi công Hana Mohsin Khan, người bảo vệ nữ quyền mạnh mẽ tại Ấn Độ Ảnh: Hana Mohsin Khan

Theo nạn nhân Sania Ahmad - người cũng bị "rao bán", thủ phạm giấu mặt là những người cuồng đạo Hindu ở Ấn Độ, chuyên săn lùng, bôi nhọ, lăng mạ các phụ nữ Ấn theo đạo Hồi, thậm chí còn gửi hàng nghìn tin nhắn với những lời bình luận tục tĩu khiến không ít nạn nhân phải đóng tài khoản mạng xã hội. Phóng viên Fatima Khan, người rơi vào danh sách "đấu giá” của GitHub, từng viết trên Twitter "Trong khi đàn ông Hồi giáo bị hành hung thì phụ nữ bị quấy rối và rao bán trên mạng. Biết đến khi nào những chuyện kinh hoàng này mới kết thúc?".

Chính phủ Ấn Độ không bình luận về các phiên đấu giá giả và phủ nhận chính sách bài trừ Hồi giáo, khi ở nước này đạo Hindu thống trị và chỉ có khoảng 10% phụ nữ Ấn theo đạo Hồi.

Cần điều luật cụ thể chống quấy rối trên mạng

Cuộc khảo sát do Tổ chức Plan International (có trụ sở tại Anh) tiến hành năm 2020 với 14.000 phụ nữ, trẻ em gái ở 31 quốc gia cho thấy, hơn một nửa trong số này từng là nạn nhân của tình trạng quấy rối qua mạng và dù không bị đấu giá thật nhưng những phụ nữ bị đưa lên các ứng dụng đều cảm thấy sợ hãi, tổn thương và một số đã xuất hiện tình trạng trầm cảm. Thực tế càng tồi tệ hơn khi nhà chức trách không có động thái xử lý các trường hợp vi phạm khiến tình trạng phân biệt đối xử mà phụ nữ Hồi giáo phải đối mặt tại Ấn Độ - quốc gia mà đạo Hindu thống trị và những người ủng hộ nữ quyền thường bị công kích trên mạng xã hội ngày càng gia tăng, gồm cả các bài viết mang tính thù địch lẫn phân biệt giới tính...

Dù Chính phủ Ấn Độ đã ban hành luật trừng trị tội phạm mạng nhưng lại chưa có điều luật cụ thể chống lại hành vi quấy rối trên mạng, dù tình trạng này đang gia tăng. Theo nghiên cứu về Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chưa tới 1/4 phụ nữ Ấn Độ tham gia thị trường lao động và chỉ được trả lương bằng 20% so với nam, trong khi hơn 20% phụ nữ bị chồng bạo hành.

Điều xót xa là nhiều trường hợp không chịu tố cáo do nạn nhân thường không muốn nhắc đến, gia đình và bản thân họ chỉ muốn kết thúc trong im lặng, dù hậu quả đôi khi rất nặng nề. Thêm vào đó, hệ thống tố tụng hình sự ở Ấn Độ cũng phức tạp (luật sư phải trình được bằng chứng điện tử thu được từ thiết bị của bị cáo - điều rất khó thực hiện) khiến nhiều nạn nhân không muốn khiếu nại.

Theo Bộ trưởng Công nghệ thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, Internet phát triển với tốc độ nhanh khiến tội phạm mạng cũng theo đó gia tăng, nhưng vì New Delhi chưa có luật chống quấy rối trên mạng và số vụ trình báo cũng thấp đã dẫn đến vấn nạn trên. Hiện các chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội ở Ấn Độ đang tiếp tục kêu gọi công lý cho những phụ nữ bị rao bán đấu giá trên mạng.

(Còn tiếp...)

Kỳ 3: Nỗi đau từ những vụ
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang