Ấn Độ và những xu hướng phạm tội đáng lo ngại:

Kỳ 3: Nỗi đau từ những vụ "giết người vì danh dự"

Thứ Tư, 13/09/2023 11:59

|

(CATP) Đã bước vào thế kỷ XXI nhưng "giết người vì danh dự" vẫn tiếp tục xảy ra tại Ấn Độ. Trong đó, vụ án mạng được đưa tin rộng rãi trên khắp các phương tiện truyền thông nước này 13 năm trước khiến dư luận rúng động, nạn nhân là nữ phóng viên làm việc ở New Delhi - Nirupama Pathak (22 tuổi), được cho là bị chính mẹ ruột của mình sát hại trong vụ án "giết người vì danh dự". Tình trạng này vẫn thường xảy ra ở những khu vực làng quê hẻo lánh tại miền Bắc Ấn Độ, nơi các thanh niên dám vượt qua định kiến về đẳng cấp xã hội sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, dù đó chính là người thân sống chung dưới một mái nhà.

Trả giá đắt vì muốn "vượt qua định kiến"

Ở tuổi kết hôn, Nirupama Pathak - thuộc tầng lớp trung lưu thành thị - muốn thành gia lập thất với một đồng nghiệp nam, điều đáng nói là anh này lại thuộc đẳng cấp thấp hơn cô trong khi Nirupama đã mang thai. Vốn là lớp trẻ mang lối sống hiện đại, được đào tạo bài bản và tiếp thu tư tưởng hiện đại, Nirupama thường viết bài phê phán các hủ tục ở địa phương, trong đó có "giết người vì danh dự", nên cô quyết định quay về thuyết phục gia đình chấp thuận, nhưng chẳng ngờ nữ phóng viên trẻ cũng chẳng thể vượt qua định kiến đã tồn tại dai dẳng trong xã hội Ấn. Tin nhắn cuối cùng người yêu của Nirupama nhận được là cô đang bị nhốt trong buồng tắm với cửa khóa chặt bên ngoài. Ngày 29/4/2010, gia đình tuyên bố Nirupama đã tự sát đồng thời gửi đơn kiện bạn trai của nữ phóng viên xấu số "có hành vi cưỡng bức và xúi giục cô tự sát" (!).

Mất cả vị hôn thê lẫn đứa con trong bụng cô, lại bị gia đình của Nirupama kiện, bạn trai của Nirupama đã sử dụng sức mạnh truyền thông trong tay mình và các đồng nghiệp yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Nirupama chết do ngạt thở. Sau khi làm rõ, cảnh sát đã bắt giữ bà Sudha Pathak - mẹ của Nirupama. Vụ án mạng "giết người vì danh dự" này khiến dư luận dậy sóng suốt thời gian dài sau đó, khi được đăng ngay trên trang nhất các tờ báo lớn của Ấn Độ. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái chết dưới tay người thân "vì danh dự" cũng được truyền thông lật lại khiến hàng ngàn phụ nữ Ấn xuống đường, đấu tranh yêu cầu phá bỏ hệ thống đẳng cấp cực đoan đã "bám rễ sâu, gốc chắc" trong ý thức và suy nghĩ của người dân quốc gia Nam Á này, khi những ai dám vượt qua giới hạn ấy sẽ bị trừng trị không thương tiếc.

Thống kê cho thấy nhiều vụ "giết người vì danh dự" xảy ra được cổ xúy bởi những phiên tòa mang tính hình thức với kiểu tuyên án nhẹ các bị cáo đã xử tử những trường hợp dám vượt qua ranh giới đẳng cấp. Tháng 9/2010, anh Dharmender Barak (23 tuổi, ở làng Gharnavati, quận Rohtak, bang Haryana) và bạn gái Nidhi Barak nhỏ hơn 3 tuổi cũng bị gia đình của cô Nidhi Barak đánh đập đến chết. Trước đó, cặp đôi này đã trốn gia đình đến sống ở New Delhi, nhưng bị người nhà lừa họ quay trở lại làng Gharnavati với lời hứa hai bên sẽ chúc phúc cho cuộc hôn nhân của họ, để rồi sau đó nhẫn tâm xuống tay với cả hai một cách tàn nhẫn nhằm "bảo vệ danh dự gia đình", chỉ vì cả hai là "người cùng làng", theo truyền thống thì không được kết hôn. Ngày 03/3/2021 ở quận Hardoi, bang Uttar Pradesh, một người đàn ông trung niên đã sát hại cô con gái 17 tuổi của mình khi nhìn thấy cô bé "trong tư thế thân mật với một người đàn ông lạ mặt" khiến dư luận tiếp tục dậy sóng.

"Giết người vì danh dự" (honour killing) là thuật ngữ chỉ những vụ án mạng xảy ra mà đối tượng gây án thường có niềm tin mù quáng rằng nạn nhân (đa số là người trong gia đình) đã "làm ô danh dòng tộc" và hành động này của họ sẽ giúp rửa nhục thông qua các hình thức: treo cổ, chôn sống, ném đá đến chết, thiêu sống; nhẹ hơn, nạn nhân bị xẻo môi, mũi hoặc một số bộ phận khác. Danh sách phụ nữ bị sát hại vì "danh dự gia đình" đang ngày càng dài thêm. Nếu nạn nhân chết, tội ác trên trở thành "giết người vì danh dự".

Phụ nữ Ấn Độ xuống đường biểu tình phản đối hủ tục "giết người vì danh dự"

Cuộc chiến không khoan nhượng

Nhưng Ấn Độ đã bước vào thời đại mới, những nam thanh nữ tú ngày càng bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại theo kiểu phương Tây, muốn kết hôn vì tình yêu thay vì tuân theo sự sắp đặt của gia đình có liên quan đến đẳng cấp xã hội. Chính vì thế, chính quyền sở tại muốn bảo vệ mình cũng xử nhẹ các vụ án "giết người vì danh dự", xem đó là "điều kiện cần và đủ” giúp họ tái thiết lập đặc quyền của riêng mình, áp đặt luật để những người khác phải tuân theo.

Đối với thế hệ người lớn tuổi ở các vùng nông thôn Ấn Độ, số Khap Panchayat (hội đồng các trưởng lão địa phương) mà báo chí Ấn Độ gọi một cách mỉa mai là "tòa án canguru" là những người quyết định hôn nhân cho cả cộng đồng. Người nào tự quyết định hôn nhân khác đẳng cấp bị xem là "xúc phạm danh dự cộng đồng" và cách duy nhất để "phục hồi danh dự" là phải xử tử người vi phạm do chính người thân thực hiện dưới sự giám sát của các "kháp".

Giờ đây, thế hệ trẻ ở Ấn Độ đang nỗ lực thay đổi nếp suy nghĩ bảo thủ của thế hệ đi trước bằng cách hạn chế dần sức mạnh của "khap" ở các làng quê. Dự luật Hôn nhân đặc biệt của Ấn Độ ra đời cũng ủng hộ các cặp đôi không cùng đẳng cấp, tôn giáo có thể kết hôn mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía gia đình đồng thời xem những vụ "giết người vì danh dự" là loại tội phạm đặc biệt cần được xử lý.

Năm 2018, Chính phủ Ấn Độ từng yêu cầu các bang thiết lập đơn vị đặc biệt, với cảnh sát tuần tra và nhân viên phúc lợi xã hội trợ giúp những phụ nữ đang tìm kiếm sự bảo vệ, nhưng biện pháp này không phát huy hiệu quả.

Trên thực tế, phụ nữ luôn là nạn nhân của tình trạng bất bình đẳng giới trầm trọng ở Ấn Độ, không chỉ đối mặt với hàng loạt nguy cơ bị tấn công ngoài xã hội, họ còn trở thành đối tượng bị kiểm soát gắt gao và đối xử một cách nghiệt ngã ngay từ chính những người thân của mình...

(Còn tiếp...)

Kỳ 2: Rúng động vụ án
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang