Giải đáp pháp luật:

Cầm cố tài sản của người khác phạm tội gì?

Thứ Hai, 14/08/2023 14:22

|

Hỏi: Bà X. thuê nhà của người khác rồi dùng căn nhà này đem cầm cố, vay tiền, chiếm đoạt tài sản của nhiều người thì có vi phạm pháp luật không? Đây là giao dịch dân sự hay phạm tội hình sự? (Kim Hồng và một số người dân Quận 8).

Trả lời: Điều 309 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, chỉ có chính chủ sở hữu mới có quyền mang tài sản đi cầm cố hoặc ủy quyền cho người khác mang đi cầm cố. Việc mang tài sản của người khác đi cầm cố mà không có sự đồng ý của người cho mượn và không có giấy tờ hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy thuộc vào các biểu hiện hành vi do người phạm tội thực hiện để xác định tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 hoặc tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể như sau:

* Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác... là phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Thủ đoạn gian dối của người phạm tội là đưa ra thông tin giả, giả mạo giấy tờ, giả danh người có chức vụ quyền hạn, để thông qua việc ký kết hợp đồng... nhằm tạo niềm tin, làm cho người bị hại tin tưởng là thật mà giao tài sản. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản. Khi bị lừa, người bị hại tự nguyện giao tài sản cho người phạm tội và họ cho rằng việc giao tài sản như vậy là hợp pháp và ngay thẳng. Tức là người bị hại tin giả là thật mà giao tài sản cho người phạm tội.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến tù chung thân; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

* Người lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thường thực hiện bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng với chủ tài sản để chủ tài sản giao tài sản. Sau khi nhận được tài sản từ chủ tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng, người phạm tội thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy. Sự gian dối chiếm đoạt tài sản xảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là bội tín (phản bội lòng tin) của chủ tài sản.

Theo Điều 175 BLHS 2015, hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" bao gồm:

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

- Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Người phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm; phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bình luận (0)

Lên đầu trang