CSGT TP.Thủ Đức giải đáp nhiều thắc mắc cho tài xế và chủ xe kinh doanh vận tải

Thứ Bảy, 12/08/2023 21:00

|

(CAO) Hàng loạt thắc mắc về Luật giao thông đường bộ, quy trình liên quan đến giải quyết xử phạt “nguội” cũng như cách nhận biết các đối tượng mạo danh Công an để lừa đảo đã được các cán bộ Đội CSGT – Trật tự, Công an TP.Thủ Đức giải đáp tận tình cho tài xế, chủ xe.

Buổi tuyên truyền của Công an TP.Thủ Đức cho các tài xế, nhà xe trong ngày 12/8

Thực hiện giai đoạn 1 trong kế hoạch tổng kiểm tra, kiểm soát ô tô kinh doanh vận tải, chiều 12/8, Công an TP.Thủ Đức tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật, giải đáp thắc mắc cũng như chia sẻ kỹ năng lái xe an toàn cho hàng chục tài xế, chủ cơ sở kinh doanh vận tải đang hoạt động trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên Thượng tá Tân Xuân Tiên, Phó Trưởng CATP.Thủ Đức nhận định, địa bàn TP.Thủ Đức có diện tích lớn, quy mô dân số ở mức cao và cũng là địa phương tập trung lượng lớn các bến, bãi, cảng nên tình hình giao thông có nhiều diễn biến phức tạp.

Thượng tá Tân Xuân Tiên - Phó Trưởng CATP.Thủ Đức trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM

“Ngoài nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, tập trung xử lý các vi phạm là tác nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông thì công tác tuyên truyền pháp luật đến tài xế, chủ cơ sở kinh doanh vận tải được xem là một trong các giải pháp quan trọng giúp kéo giảm tai nạn” – Thượng tá Tân Xuân Tiên nhấn mạnh.

Các nội dung tuyên truyền được cán bộ Đội CSGT – Trật tự, CATP.Thủ Đức ưu tiên bao gồm: vận động tài xế không vi phạm nồng độ cồn, ma túy; tuân thủ các quy định về đăng ký – đăng kiểm; chấp hành nghiêm chỉnh quy định về tải trọng, không tự ý cải tạo, độ, chế thùng hàng nhằm tăng khối lượng vận chuyển gây nguy hiểm cho người dân và gây hư hại đường sá…

Địa điểm đầu tiên mà tổ tuyên truyền của CATP.Thủ Đức “gõ” cửa trong chiều 12/8 là cơ sở kinh doanh vận tải hàng hóa Tuấn Hiệp (P.Trường Thọ). Theo chia sẻ của đại diện cơ sở, hiện bãi xe có hơn 20 tài xế hành nghề chạy xe đầu kéo tuyến Bắc – Nam.

Cán bộ Đội CSGT - Trật tự, CATP.Thủ Đức trao tận tay cẩm nang tuyên truyền pháp luật và lái xe an toàn cho tài xế

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, nhân viên điều phối xe của công ty khẳng định, từ trước đến nay, doanh nghiệp này thường xuyên quán triệt, yêu cầu cánh lái xe phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn giao thông.

Cạnh đó, nhân viên điều hành trong quá trình giám sát, theo dõi hệ thống camera được gắn trên xe, nếu phát hiện tài xế hành nghề thiếu ý thức sẽ bị nhắc nhở, xử phạt tiền.

“Trước khi lên xe bắt đầu công việc, chúng tôi đều yêu cầu tài xế đều phải ký cam kết nếu vi phạm ngoài nộp phạt cho cơ quan chức năng còn sẽ bị khiển trách, kỷ luật tại công ty. Trong quá trình hành nghề phải nêu cao ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân, phương tiện và người tham gia giao thông” – anh Hùng nói.

Tuyên truyền, hướng dẫn tài xế thực hiệp nghiêm chỉnh các quy định của Luật giao thông đường bộ

Tuy nhiên, nhân viên điều phối xe cũng thừa nhận, tình trạng vi phạm trong quá trình tham gia giao thông của tài xế vẫn còn. Các lỗi thường gặp là vi phạm quy định về tốc độ; đi vào đường cấm để cơ quan chức năng gửi biên bản phạt nguội về doanh nghiệp.

Sau khi phát cẩm nang tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn lái xe an toàn, phần đặt câu hỏi về những thắc mắc để CSGT trả lời đã thu hút được sự hưởng ứng của cánh tài xế.

Chăm chú theo dõi các thông tin tuyên truyền bên trong cẩm nang hướng dẫn

Liên quan tới công tác xử phạt nguội được CATP triển khai rộng rãi hiện nay, tài xế Nguyễn Văn Thu đặt câu hỏi:

“Thông thường khi bị CSGT tuýt còi trực tiếp trên đường, bản thân tôi sẽ được CSGT giải thích, chỉ ra lỗi sai. Trong trường hợp cá nhân tôi cảm thấy phán quyết của CSGT là chưa chính xác, tôi cũng có thể thực hiện quyền phản biện để nhận được sự giải thích hoặc khiếu nại.

Vậy trong trường hợp bị phạt nguội, nếu cho rằng lỗi phạt là không đúng tôi có thể thực hiện khiếu nại hay không ?” – tài xế Thu đặt vấn đề.

Nhiều thông tin hữu ích cho các tài xế đã được CATP.Thủ Đức biên soạn kỹ lưỡng

Đáp lại câu hỏi của tài xế Thu, cán bộ Đội CSGT – Trật tự, CATP.Thủ Đức khẳng định, công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh do Công an TPHCM triển khai luôn đảm bảo tính chính xác, công bằng.

“Tại các tuyến đường có trang bị hệ thống camera giám sát, xử phạt nguội, lực lượng chức năng đều tổ chức cắm biển thông báo để người dân nắm bắt.

Bên cạnh đó, quá trình ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng không chỉ căn cứ trên kết quả phân tích của hệ thống máy tính mà còn có đội ngũ giám sát, kiểm tra để tránh phát sinh các sai sót.

Ví dụ như việc tài xế vì phải nhường đường cho xe ưu tiên làm nhiệm vụ mà phạm lỗi sẽ được miễn trừ. Tất cả sẽ được đánh giá cụ thể, tránh xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân” – cán bộ tuyên truyền giải đáp.

Tài xế và chủ doanh nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ

Cạnh đó, cán bộ tuyên truyền cũng cho biết, sau khi nhận biên bản xử phạt nguội, người vi phạm có quyền khiếu nại nếu khẳng định bản thân không có lỗi.

"Nếu cơ quan chức năng có thẩm quyền đủ căn cứ chứng minh là người vi phạm có lỗi thì sẽ lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Còn không đủ căn cứ thì huỷ bỏ thông báo vi phạm" - cán bộ tuyên truyền giải thích.

Quá trình khiếu nại sẽ được thực hiện tại nơi phát hiện hành vi vi phạm để thực hiện quyền giải trình chứng minh bản thân không vi phạm.

Ví dụ như Đội CSGT Rạch Chiếc gửi thông báo vi phạm thì người vi phạm phải đến chính đơn vị này để khiếu nại. Còn nếu người vi phạm không khiếu nại thì sẽ đến đội CSGT - Trật tự nơi họ ở để xử lý đóng phạt theo quy định.

Nhiều câu hỏi, thắc mắc được tài xế đặt ra với CSGT 

Tiếp đến, tài xế Nguyễn Duy Long đặt câu hỏi liên quan tới vi phạm nồng độ cồn. “Nếu hôm qua tôi uống rượu bia nhưng sang ngày hôm sau bị kiểm tra vẫn còn nồng độ cồn thì tôi có được miễn trừ vi phạm không? Vì sau một đêm nghỉ ngơi, sức khoẻ của tôi đã được hồi phục”.

Cán bộ Đội CSGT – Trật tự giải đáp: “Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, căn cứ Nghị định 100 123/2021/NĐ-CP thì người dân không được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia.

Vậy nên, khi CSGT tổ chức kiểm tra nồng độ cồn với tài xế trong quá trình hành nghề (bất kể thời gian nào trong ngày) mà cho ra kết quả có nồng độ cồn thì sẽ vi phạm. Mức phạt sẽ tương ứng với mức vi phạm được hiển thị trên thiết bị nghiệp vụ”.

Buổi tuyên truyền pháp luật được tổ chức tại doanh nghiệp vận tải Tuấn Hiệp

Ngoài ra, CSGT cũng khuyến cáo để không xảy ra tình trạng như ông Nguyễn Duy Long vừa nêu, các tài xế cần cân nhắc sau khi uống rượu, bia từ 8 đến 10 tiếng thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo bên trong cơ thể không còn nồng độ cồn.

Hoặc tài xế phải chủ động sử dụng ít rượu, bia để đảm bảo đủ sức khoẻ cho buổi làm việc ngày hôm sau.

Sau quá trình hỏi – đáp sôi nổi giữa tài xế và CSGT, buổi tuyên truyền tại doanh nghiệp Tuấn Hiệp kết thúc bằng việc tài xế, chủ doanh nghiệp tự nguyện ký vào bản cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về Luật giao thông; thực hiện lái xe an toàn và không điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia hay sử dụng các chất kích thích...

Các tài xế hoạt động tại nhà xe Mai Thanh đang chăm chú đọc lại các nội dung cam kết để thực hiện 

Bà Phạm Thị Thu, đại diện doanh nghiệp này bày tỏ sự cảm ơn về những hiệu quả thiết thực mà buổi tuyên truyền đã đem lại. Thay mặt tập thể ban quản lý và nhân viên của nhà xe, bà Thu cam kết sẽ thường xuyên đôn đốc, theo dõi chặt chẽ để đảm bảo: đi an toàn – về bình an!

Buổi tuyên truyền được tiếp nối tại cơ sở vận tải Mai Thanh (P.Linh Trung). “Đây là đơn vị chuyên tổ chức đưa đón công nhân, nhân viên cho các công ty, xí nghiệp trên địa bàn nên việc nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đảm bảo an toàn trong quá trình hành nghề là hết sức quan trọng” – một cán bộ trong tổ công tác cho biết.

Tại đây, chủ cơ sở đã hợp tác, phối hợp chặt chẽ với cán bộ của Đội CSGT – Trật tự nhằm đem lại hiệu quả cao cho buổi tuyên truyền.

Nhiều câu hỏi liên quan đến với cách nhận biết, phân biệt đâu là các cuộc gọi thực sự của lực lượng Công an, đâu là các cuộc gọi lừa đảo đã được các tài xế đặt ra với CSGT.

Cán bộ tuyên truyền giải đáp: “Thông thường các cuộc gọi lừa đảo mạo danh là lực lượng Công an, kiểm sát viên, toà án… thường xoay quanh các vấn đề vi phạm giao thông nghiêm trọng, gắn cho người dân có liên quan đến một vụ án nào đó nhằm gây tâm lý hoang mang để dễ dàng trục lợi”.

Bên cạnh đó, các cán bộ tuyên truyền khẳng định, lực lượng CSGT sẽ không gọi điện hay nhắn tin cho người vi phạm để thông báo phạt nguội. Mọi trường hợp phạt nguội, người vi phạm đều sẽ nhận được thông báo bằng giấy được gửi tới địa chỉ lưu trú.

Tuyên truyền, giải đáp các thắc mắc cho tài xế tại nhà xe Mai Thanh

Còn nếu cần thiết phải liên hệ thông qua điện thoại với người dân, lực lượng Công an đều đảm bảo đúng các quy trình, quy định của pháp luật. Quá trình đó, cán bộ sẽ thông tin cụ thể với người dân về: tên, cấp bậc, chức vụ, đơn vị công tác, thời gian lịch hẹn và địa chỉ trụ sở cụ thể để người dân nắm bắt và làm việc. 

Thực hiện ký cam kết lái xe an toàn

Sau buổi tuyên truyền, các tài xế đang làm việc cho doanh nghiệp này hứa sẽ thực hiện đúng theo những gì đã cam kết trong buổi làm việc với CSGT. Chuyên đề tuyên truyền của Đội CSGT TP.Thủ Đức thực hiện theo kế hoạch tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container từ ngày 01/8 đến ngày 15/10.

Trong giai đoạn 1, CSGT sẽ tuyên truyền dưới hình thức khi tuần tra, ngoài phát hiện và xử lý các vi phạm, cán bộ làm nhiệm vụ sẽ kết hợp nhắc nhở, tuyên truyền về những nội dung của đợt tổng kiểm soát để tài xế và các doanh nghiệp nắm bắt.

Giai đoạn 2, bắt đầu từ 15/8, lực lượng CSGT và các đơn vị liên quan đồng loạt ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm, tập trung quyết liệt xử lý xe kinh doanh vận tải hành khách (xe buýt, xe hợp đồng chở khách, xe đưa đón công nhân…), vận tải hàng hoá (xe tải, container…) trên địa bàn của các đơn vị đảm trách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang