Bất chấp quy định
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay trên nhiều tuyến đường ở TPHCM, một số người sử dụng các phương tiện giao thông tự chế để vận chuyển hàng hóa. Đơn cử, tại các tuyến đường Nguyễn Thị Thập, Lê Văn Lương, Nguyễn Văn Linh (Q7), vào buổi trưa thường xuất hiện những chiếc xe máy, xe tự chế, xe ba gác chở tủ, giường, sắt thép, đồ gia dụng, thực phẩm... chất cao ngất ngưởng và chạy tốc độ cao.
Còn ở các tuyến đường khác như Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp)... cũng không khó bắt gặp các phương tiện vận chuyển số hàng hóa có kích thước quá lớn, khiến người tham gia giao thông bị hạn chế tầm nhìn, dễ xảy ra va chạm. Anh N.Q.T (ngụ Q7) cho biết: "Do hàng ngày phải đưa đón con đi học, tôi rất bất an khi thấy những chiếc xe máy, xe ba gác, xe tự chế chở hàng quá khổ lưu thông trên đường. Nhất là những xe máy chở cả chục bao nước đá chất cao qua khỏi đầu người điều khiển. Đã vậy, họ còn phóng xe nhanh, khiến những người tham gia giao thông đều giật mình hốt hoảng vì có thể xảy ra va chạm bất kỳ lúc nào".
Tương tự, bà H.N.T.T (ngụ H.Nhà Bè) chia sẻ: "Nhiều lần điều khiển xe máy đi trên đường, tôi chứng kiến rất nhiều người chạy xe máy tự chế chở nhiều hàng hóa nhưng chỉ buộc sơ sài hoặc chở thép dài cả chục mét, có khi cả chiếc thang nhôm dài buộc phía sau, vô tư lưu thông và sẵn sàng vượt ẩu nếu xảy ra kẹt xe. Rất mong lực lượng chức năng xử phạt nghiêm hành vi chở hàng nguy hiểm này để tránh xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc".
Hiểm họa tai nạn giao thông từ những phương tiện chở hàng như thế này
Điều đáng nói, người điều khiển các loại phương tiện tự chế đa phần đã cũ này thường phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, trở thành nỗi bất an của nhiều người khi tham gia lưu thông. Thậm chí nhiều tài xế còn được gắn "mác" là "hung thần đường phố". Một tối đầu tháng 6/2023, chúng tôi chứng kiến người đàn ông chở tủ gỗ trên đường Nguyễn Tất Thành (Q4). Chiếc tủ dài gần 2m đặt nằm ngang, buộc sơ sài trên xe máy, người điều khiển một tay lái xe, tay còn lại vịn vào chiếc tủ, xe bon bon trên đường mà không hề biết đã va vào một phụ nữ chở con nhỏ, khiến hai nạn nhân ngã sóng soài xuống đường. Chỉ đến khi nhiều người đi đường vượt lên, lớn tiếng thông báo đã xảy ra tai nạn thì tài xế chở tủ gỗ mới tấp phương tiện vào lề. Rất may người phụ nữ cùng con gái nhỏ chỉ bị trầy xước, còn chiếc xe hư hỏng nhẹ.
Mới đây, những người tham gia giao thông tại giao lộ Phan Văn Trị - Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) đều phải né tránh khi người đàn ông chạy xe máy chở tấm thép cuộn tròn, nhưng không được ràng buộc chắn chắn. Anh ta còn vác trên vai một thanh thép dài gần cả chục mét. Chốc chốc, tài xế này lại thắng xe gấp để tránh những người chạy phía trước. Mỗi lần như thế, anh ta lại loạng choạng tay lái, chống chân xuống đường để giữ thăng bằng. Nếu không may cuộn thép hoặc thanh thép trên vai anh ta xảy ra va quệt với người đi đường thì tai nạn giao thông nghiêm trọng sẽ xảy ra.
Cần xử lý nghiêm
Thực tế cho thấy đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến người chở hàng cồng kềnh gây va quẹt, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Chưa kể đến việc chở hàng vượt mức quy định cho phép khi tham gia lưu thông vào giờ tan tầm dễ gây ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, cản trở nhu cầu đi lại của người dân. Có người chỉ vì một chút tiện lợi và chủ quan cá nhân của người mua hàng, cộng với nhu cầu mưu sinh của người bán và người vận chuyển mà bất chấp nguy hiểm.
Chở đủ các mặt hàng từ thực phẩm, rau quả cho đến vật dụng gia đình, trang trí nội thất, cây xanh, hoa kiểng... chất đầy xe, các phương tiện cứ lao đi vun vút trên khắp đường phố, giữa dòng người hối hả là hình ảnh thường thấy do những xe chở hàng vượt quá kích thước quy định lưu thông. Đặc biệt, ở khu vực ngoại thành còn tồn tại tình trạng nhiều xe máy rất cũ, đèn sau bể nát, biển số lắc lư có thể rơi ra bất cứ lúc nào, không bảo đảm lưu thông cũng tham gia chở hàng liên tục. Để hạn chế tình trạng xe máy không bảo đảm an toàn kỹ thuật khi lưu thông, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc triệt để.
Xe ba gác máy chở phế liệu trên đường Nguyễn Văn Linh (Q7)
Điển hình là Đội CSGT Chợ Lớn (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM) với công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, chở hàng cồng kềnh vượt quá quy định trên địa bàn. Chỉ trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, lực lượng CSGT lập biên bản, xử phạt 6 trường hợp vi phạm trên tuyến đường Võ Văn Kiệt hướng đến QL1. Trong đó, có các lỗi như: điều khiển xe đã bị độ chế, thay đổi kết cấu thành xe 3 bánh chở hàng, không có gương chiếu hậu, không có đèn tín hiệu và đèn chiếu sáng, chở hàng với chiều cao vượt quá quy định...
Theo quan sát của chúng tôi, tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh, kích thước vượt quá quy định sẽ làm người lái bị cản trở tầm nhìn, gặp nhiều khó khăn khi điều khiển xe trên các tuyến đường của thành phố thường xảy ra vào buổi trưa hoặc cuối giờ chiều. Nhiều người điều khiển phương tiện phải ngồi trong không gian chật hẹp, sát phía tay lái hoặc chênh vênh trên đống hàng, dẫn đến gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tay lái. Trong khi đó, những loại phương tiện này chủ yếu là xe máy, xe thô sơ cũ kỹ, thậm chí quá thời hạn sử dụng. Một số phương tiện không có cả thiết bị chiếu sáng hoặc còi, khi tham gia giao thông trong điều kiện ánh sáng không bảo đảm vào ban đêm sẽ rất nguy hiểm.
Nhiều xe máy chở hàng cồng kềnh trên đường phố
Tình trạng xe tự chế, xe ba gác chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường phố diễn ra tương đối phổ biến. Với rất nhiều nguy cơ, rủi ro và tiềm ẩn mối nguy hiểm tai nạn giao thông, những phương tiện này là mối lo của nhiều người tham gia giao thông. Để bảo đảm an toàn giao thông, đòi hỏi các ngành chức năng sớm có giải pháp chấn chỉnh và xử lý mạnh mẽ hơn. Đồng thời, người dân cũng nên nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông vì sự an toàn của bản thân và người đi đường.
Thiết nghĩ, để góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, rà soát các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định. Từ đó, có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này một cách hiệu quả, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ về lâu dài. Cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật đối với hành vi chở hàng hóa cồng kềnh là vi phạm pháp luật, cũng như hậu quả mà hành vi này có thể gây ra cho bản thân và những người tham gia giao thông khác. Đẩy mạnh việc vận động người dân sử dụng các phương tiện vận tải khác trong vận chuyển hàng hóa để bảo đảm an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật thay cho các loại xe ba gác cũ kỹ, xe tự chế.
Hành vi chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn gây mất mỹ quan đô thị. Với những vi phạm liên quan, theo Khoản 4, Điều 19, Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT, môtô, xe máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá: bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m, vượt quá phía sau giá đèo hàng 0,5m; chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m. Như vậy, nếu người điều khiển môtô, xe máy vượt quá một trong các giới hạn trên thì bị coi là chở hàng cồng kềnh. Ngoài ra, theo Điểm k, Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, hành vi xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định sẽ bị phạt tiền từ 300 - 400 ngàn đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe chở hàng hóa cồng kềnh gây tai nạn giao thông còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.