Tham dự hội nghị có Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc CATP; Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH. Diễn đàn do Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP chủ trì, có sự phối hợp của Cục Cảnh sát PCC&CNCH, Bộ Công an; đại diện Viện nghiên cứu Khoa học, Bộ Xây dựng; đại diện Sở Xây dựng TPHCM.
Các đại biểu chủ trì hội nghị
Diễn đàn là dịp để cộng đồng DN TPHCM trình bày những khó khăn, vướng mắc về các quy trình về phòng chống cháy nổ để được các chuyên gia trong lĩnh vực giải đáp.
Mở đầu hội nghị, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH mong muốn, trong phạm vi của diễn đàn sẽ nhận được nhiều câu hỏi, ý kiến của người dân, đại diện doanh nghiệp. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét giải đáp cũng như tập hợp ý kiến nhằm nghiên cứu, điều chỉnh sao cho phù hợp.
Buổi gặp gỡ do Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP chủ trì thu hút được sự tham gia đông đảo của cộng đồng DN trên địa bàn
Nhiều câu hỏi của đại diện các DN trên địa bàn TP đã được đặt ra liên quan tới các quy định về tiêu chuẩn trang bị, lắp đặt hệ thống PCCC trong toà nhà, nhà xưởng, nội dung trang bị bồn nước phòng cháy chữa cháy. Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây nêu ý kiến, hiện nay DN này đang triển khai xây dựng nhà xưởng ở Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước (H.Nhà Bè TPHCM).
Tuy nhiên, DN đang vướng mắc một số khó khăn liên quan tới việc dành diện tích sân cho xe cứu hoả; xây dựng hệ thống bể chứa nước cũng như lắp đặt các thiết bị PCCC, lựa chọn và sử dụng sơn chống cháy bên trong toà nhà.
Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Bình Tây nêu ý kiến
“Hiện tại chúng tôi phải triển khai xây dựng một bể chứa nước lên đến hơn 600 mét khối. Để xây dựng được phải tốn kém rất nhiều tiền và diện tích đất. Trong giai đoạn này, quả thật khó khăn cho chính DN chúng tôi. Kính mong quý ngành chức năng xem xét lại” – bà Giàu nêu ý kiến. Căn cứ vào diện tích thực tế nơi DN bà Giàu đang xây dựng xưởng, đại diện Cục CS PCCC&CNCH khẳng định, khó khăn liên quan tới việc dành thêm diện tích làm bãi đỗ cho xe chữa cháy bên trong khuôn viên của nhà xưởng là không cần thiết.
Còn về nội dung liên quan tới bể chứa nước phục vụ chữa cháy, đại diện Cục CS PCCC&CNCH giải thích: “Căn cứ vào diện tích nhà xưởng của DN, xếp loại bậc chịu lửa của nhà xưởng theo hồ sơ đã gửi về Phòng CS PCCC&CNCH CATP thì không vượt quá 103 mét khối. Vậy nên con số mà chị cung cấp phải có hồ chứa nước lên đến 652 mét khối thì cần phải yêu cầu đơn vị tư vấn, thi công tính toán, xem xét lại cho chính xác”.
Đại diện Cục CS PCCC&CNCH, Bộ Công an trả lời thắc mắc của DN
Bên cạnh đó, nhiều DN đã nêu ý kiến về những vướng mắc và đề xuất tháo gỡ trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về PCCC; nội dung khó khăn, vướng mắc và đề xuất tháo gỡ trong Quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD và tiêu chuẩn về PCCC. Đồng thời, các DN và người dân thuê mặt bằng hoạt động ở các công trình hiện hữu để đầu tư xây dựng, trang bị lắp đặt hệ thống PCCC cũng vấp phải nhiều khó khăn.
Đại diện của một DN Logictics có vốn liên doanh với Nhật Bản bộc bạch, khó khăn trong việc trang bị hệ thống chữa cháy trên kệ hàng, đặt trong kho vận của doanh nghiệp mình. Theo đại diện của DN này, tại mỗi một địa phương khác nhau mà đơn vị lắp đặt kệ hàng thì lại nhận được những yêu cầu khác nhau về việc trang bị hệ thống chữa cháy gây băn khoăn cho DN.
Quang cảnh buổi gặp gỡ, trả lời thắc mắc của DN tại hội trường Phòng CS PCCC&CNCH
Trước nội dung thắc mắc này, đại diện Cục CS PCCC&CNCH xác định, đối với kệ hàng của DN này có chiều cao dưới 5,5 mét thì không cần lắp đặt đầu phun nước trong kệ. “Còn trong trường hợp kệ hàng cao trên 5,5 mét thì DN sẽ có nhiều lựa chọn trong việc lắp đặt thiết bị PCCC. Tuy nhiên, DN và đơn vị tư vấn cần tính toán làm sao để khi phát sinh sự cố, lượng nước sẽ phun được ở tất cả các tầng của kệ hàng” – đại diện Cục chia sẻ.
Bên cạnh đó, Cục CS PCCC&CNCH cũng khuyến cáo, DN trước khi lắp đặt, thi công cần phải tính toán và tìm hiểu thật kỹ càng các quy định của pháp luật. “Các quy định đều đã có từ trước và được nêu cụ thể” – vị này nhấn mạnh!
Ông Trần Hồng Nam là đại diện của Công ty Kho vận Logictic nêu ý kiến
Cùng chung thắc mắc với DN này, ông Trần Hồng Nam là đại diện của Công ty Kho vận Logictic (thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM) bày tỏ: “Hiện chúng tôi đang triển khai xây dựng nhà kho có diện tích hơn 15 ngàn mét vuông. Trong đó, có thiết kế thi công các kệ hàng cao trên 13 mét. Hiện tại, công tác thẩm duyệt cho kệ hàng trong kho về PCCC gặp nhiều khó khăn.
Cán bộ thẩm định cho rằng, hồ sơ vượt quá thẩm quyền của Phòng CS PCCC&CNCH và phải chuyển về Cục để có hướng dẫn. Thời gian thẩm định này kéo dài, gây ảnh hưởng cho hoạt động kinh doanh của DN chúng tôi. Đến hiện tại, đơn vị vẫn chưa nhận được xác nhận đủ điều kiện để an toàn PCCC đối với hệ thống kệ hàng cao 13 mét này. Rất mong sẽ nhận được hỗ trợ từ cơ quan quản lý” – ông Nam nêu và xin hướng giải quyết.
Giải đáp thắc mắc của DN đưa ra tại buổi gặp gỡ
Giải đáp câu hỏi của Công ty Kho vận Logictic, đại diện Cục CS PCC&CNCH cho biết về mặt thẩm duyệt hồ sơ của DN này thuộc thẩm quyền của CATP. Tuy nhiên, khi DN này trình bày thiết kế giá kệ hàng cao trên 13 mét thì đến thời điểm hiện tại, chưa có tiêu chuẩn cụ thể để thẩm duyệt.
“Trong trường hợp của Công ty Kho vận Logictic, đơn vị cần khẩn trương có văn bản, hồ sơ gửi về Cục CS PCCC&CNCH. Trong 7 ngày làm việc, chúng tôi sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành, tiêu chuẩn quốc tế để trả lời được chấp thuận hay không chấp thuận. Hoàn toàn không có chuyện kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN” – đại diện Cục CS PCCC&CNCH khẳng định.
Hội nghị được tổ chức đã giúp cho cộng đồng DN TPHCM có dịp đưa ra nhiều thắc mắc, trình bày kiến nghị liên quan tới công tác lắp đặt, đảm bảo PCCC hiện nay
Ngoài ra, nhiều cá nhân, DN kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê mặt bằng đã đưa ra hàng loạt những khó khăn liên quan tới hoạt động cải tạo, sửa chữa toà nhà (trước đây đã được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC) để phù hợp với quy định của pháp luật phải thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu lại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, điều này rất khó thực hiện vì kinh phí lớn hoặc khó tìm được phương án khả thi…
Đại diện Cục CS PCCC&CNCH; Viện Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng; Sở Xây dựng TPHCM; Phòng PCCC-CNCH đã tổng hợp và giải đáp cũng như phản hồi bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.
“Chúng tôi luôn thấu hiểu và đồng cảm trước những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp!”
Đây là khẳng định của Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PCCC&CNCH. Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, đơn vị luôn thấu hiểu, đồng cảm, đồng hành cùng các DN ở TPHCM trong thời gian qua. Đặc biệt là các DN, cơ sở kinh doanh vừa phải trải qua khoảng thời gian ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm
Bên cạnh đó, Phòng CS PCCC&CNCH cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã hướng dẫn cho 869 cơ sở trên địa bàn. Phòng PC07 đã tổ chức kiểm tra và phục hồi hoạt động cho 363 cơ sở, đang khắc phục vi phạm 486 cơ sở. Ngoài ra có 219 cơ sở đã cam kết thực hiện nhưng chưa khắc phục được và 124 cơ sở không có khả năng khắc phục.