(CATP) Lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi, không ít đối tượng đã tìm cách mua bán trái phép chất ma túy. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đẩy tương lai của những đứa trẻ bên bờ vực u ám, khi bản thân chỉ là "sản phẩm" của bố mẹ để đối phó với cơ quan pháp luật.
Hoãn thi hành án nhờ nuôi con nhỏ
Sau thời gian điều tra, đầu tháng 11-2022, Ban Chuyên án của Công an TPHCM quyết định ra quân tấn công, tóm gọn nhiều đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy đang lẩn trốn tại Q8. Cụ thể, ngày 05-11, Ban Chuyên án đồng loạt kiểm tra 9 địa điểm liên quan (6 điểm tại phường 14, 3 địa điểm tại phường 15) và 2 căn nhà của nhóm đối tượng tại huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Qua đó đã bắt giữ 8 đối tượng và lập biên bản 29 bánh heroin, khoảng 50g ketamine, 74 viên thuốc lắc cùng nhiều tang vật liên quan.
Điều đáng nói, kẻ cầm đầu trong đường dây là Nguyễn Thị Thanh Thảo (Thảo "bầu", SN 1977, thường trú phường Cầu Ông Lãnh, Q1). Đối tượng nổi tiếng trong giới mua bán trái phép chất ma túy với hành vi lợi dụng việc mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi để hoãn thi hành án. Bởi lẽ, năm 2019, Thảo "bầu" bị tuyên án chung thân nhưng được hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ. Khi được tại ngoại, đối tượng không tận tình chăm sóc con mà còn trở thành con nghiện nặng rồi cấu kết với nhiều đối tượng khác lập đường dây mua bán trái phép chất ma túy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 3 tháng nữa con của Thảo "bầu" qua 36 tháng tuổi. Chính vì vậy, đối tượng đang tìm cách "chạy" giấy tờ mới sinh con để tiếp tục hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước. Điều đáng nói, trong đường dây ma túy do Thảo "bầu" cầm đầu còn có 3 đối tượng cũng là phụ nữ. Trong đó, Trần Thị Minh Huyền cũng đang nuôi con nhỏ khoảng 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, với số lượng tang vật ma túy "khủng" mà lực lượng công an thu giữ, nhiều đối tượng có khả năng sẽ phải đối diện với khung hình phạt cao nhất.
Đột kích tại nhà của các đối tượng mua bán ma túy trong đường dây của Thảo "bầu"
Toan tính bất thành
Trong thời gian qua, ngoài Thảo "bầu" còn có không ít phụ nữ đã lợi dụng "thiên chức làm mẹ” để mua bán trái phép chất ma túy. Đơn cử, tháng 4-2021, Công an quận Long Biên (TP.Hà Nội) đã triệt phá đường dây mua bán "cái chết trắng" của Nguyễn Thu Hằng (SN 1983, ngụ quận Ba Đình). Đáng nói, đối tượng này từng mang thai ít nhất 4 lần để tránh việc bị bắt giam.
Cuối tháng 10-2020, Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam Đặng Thị Bích Ngọc (SN 1977, ngụ TP.Móng Cái, Quảng Ninh) về tội "mua bán trái phép chất ma túy". "Nữ quái" này cũng là đối tượng thường xuyên bị cơ quan công an bắt quả tang về hành vi liên quan đến ma túy và bị tuyên phạt tù vào năm 2017. Thế nhưng, Ngọc được tạm hoãn thi hành án do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Nguyễn Thị Thanh Thảo, Nguyễn Thu Hằng, Đặng Thị Bích Ngọc
Để bảo vệ quyền lợi trẻ em, pháp luật Việt Nam luôn có chính sách khoan hồng đối với phụ nữ mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Theo điểm b Khoản 1 Điều 67 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về việc Hoãn chấp hành hình phạt tù có quy định: "Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi". Ngoài ra, Mục 7.3 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP hướng dẫn về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt nêu rõ: "Người bị xử phạt là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người bị kết án lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì vẫn được hoãn cho đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi".
Qua ghi nhận của chúng tôi, phần lớn những đối tượng mua bán trái phép chất ma túy không chỉ là con nghiện mà còn đam mê cờ bạc, đá gà, đánh đề... Trong đó không ít đối tượng sống lang thang, không nghề nghiệp, không nơi cư trú ổn định. Để có nguồn "hàng" sử dụng và tiền tiêu xài, những con nghiện này sẵn sàng lao vào đường dây mua bán trái phép chất ma túy. Chính vì vậy, không ít đối tượng lợi dụng chính sách khoan hồng của pháp luật để trốn tránh thi hành án.
Những đứa trẻ có mẹ là tội phạm ma túy thường được sinh ra trong sự toan tính, nhằm đối phó với cơ quan pháp luật. Dù cố tình sinh con liên tục để hoãn chấp hành án phạt thì đối tượng vẫn sẽ phải đối diện với tù tội cùng sự phán xét của xã hội. Bởi lẽ, hành vi mua bán trái phép chất ma túy của những người phụ nữ này không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn khiến xã hội khó chấp nhận khi họ sẵn sàng đẩy tương lai con mình vào tăm tối.