(CATP) Do phải cạnh tranh gay gắt giữa bối cảnh kinh tế nhiều biến động, nhất là sau đại dịch Covid-19, tỉ lệ thất nghiệp cao khiến lớp trẻ cần việc làm tại Trung Quốc dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo: được hứa hẹn sẽ có cơ hội việc làm ổn định, nhưng đổi lại phải trả khoản phí không nhỏ… Tranh thủ cơ hội này, các "cao thủ xin việc" giả danh đại diện công ty tư vấn việc làm đưa ra hàng loạt thông tin về những vị trí nhận được mức đãi ngộ cao, thậm chí nằm trong các doanh nghiệp nhà nước, để lừa các tân cử nhân nhiều bằng cấp nhưng chưa có kinh nghiệm.
Từ khủng hoảng thất nghiệp đến căng thẳng việc làm
Từng chứng kiến tỉ lệ thất nghiệp cao vào đầu các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước và sau đại dịch Covid-19, giới trẻ Trung Quốc tiếp tục đối mặt với tình trạng không tìm được việc làm dẫn đến những hội nhóm lừa đảo ngày càng gia tăng.
Theo thống kê, tháng 6/2023 số sinh viên mới tốt nghiệp không tìm được việc làm của Trung Quốc lên đến hơn 10 triệu người và sau khi tạm ngưng công bố dữ liệu thất nghiệp theo nhóm tuổi cụ thể từ tháng 8/2023, chỉ 4 tháng sau, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết tỉ lệ trên của thanh niên từ 16 - 24 tuổi ở nước này, trừ các sinh viên, lên đến hơn 10%.
Khó thể tìm được công việc đúng chuyên môn được đào tạo, giới trẻ Trung Quốc đành tìm đến với những ứng dụng liên quan tới "công việc mang tính phúc lợi". Khủng hoảng thất nghiệp cũng khiến nhiều tân cử nhân đành tạm gác ý định học cao lên để làm những công việc không yêu cầu bằng cấp. Thống kê cho thấy những trường hợp được xếp vào danh sách có việc làm sau khi tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc hiện đã mở rộng: được tuyển dụng bởi các công ty, người khởi nghiệp, làm việc tự do trong đó có cả những công việc mang tính chất linh hoạt như nhà văn, viết blog hay dịch giả. Sinh viên làm công việc tự do (freelance): tiếp thị trực tuyến, quản lý tài khoản công khai trên nền tảng nhắn tin WeChat cũng được xếp vào nhóm "công việc linh hoạt". Những sinh viên mới tốt nghiệp mở trang web bán hàng thương mại điện tử sẽ được tính vào nhóm làm thuê...
Tang vật thu được của một đường dây lừa xin việc
Càng đáng lo hơn khi không ít cử nhân tìm việc lúc nộp đơn vào các công ty, doanh nghiệp mới phát hiện sẽ bị tính "phí dịch vụ” do các đối tượng trong đường dây lừa đảo bắt tay nhau lập ra, tùy vào vị trí công việc và loại hình kinh doanh, với mức phí dao động từ chục ngàn nhân dân tệ (hơn 30 triệu VND) đến vài trăm ngàn nhân dân tệ nếu công việc nhiều ưu đãi về phúc lợi, bao gồm trợ cấp nhà ở, lương hưu cao..., nhất là được các cơ quan nhà nước tuyển dụng... Theo thống kê, số người đăng ký thi tuyển vào ngành Công vụ năm 2024, một trong những ngành được cho là ổn định nhất Trung Quốc, đạt mức kỷ lục 2,8 triệu, nhiều hơn 300.000 so với năm 2023.
Theo hứa hẹn của các cao thủ xin việc, họ có thể giúp các ứng viên vượt qua bài thi viết đầu tiên, sau đó sẽ bước tiếp vào vòng phỏng vấn trước Ban giám đốc, với mức phí phải trả toàn bộ từ 2 ngày trước, dù kết quả cuối cùng chưa có gì là chắc chắn...
Các luật sư cho rằng, kiểu hợp đồng trên đã vi phạm luật và những người thực hiện đã phạm vào tội lừa đảo khi dùng phí đổi lấy việc làm.
Khoảng cách giữa ước mơ và hiện thực
Giới trẻ Trung Quốc kỳ vọng mức lương trung bình cho công việc đầu tiên sau khi ra trường từ 8.000 nhân dân tệ (1.000 USD), nhưng khoản thực nhận dành cho SV mới tốt nghiệp trong 1-2 năm đầu tại quốc gia này thường chỉ dao động từ 2.000 - 3.000 nhân dân tệ.
Năm 2022, Chính phủ Trung Quốc đã giảm bớt gánh nặng pháp lý cho các công ty công nghệ, bất động sản và tài chính - những nơi hay tuyển nhân tài mới. Dù vậy, sinh viên vẫn được khuyến khích làm những công việc tay nghề thấp, qua đó tạm thời giảm bớt áp lực kinh tế cho một bộ phận sinh viên tốt nghiệp đại học và xung đột xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra.
Theo báo cáo năm 2022 của Viện Khoa học về sức khỏe tâm thần sinh viên của Trung Quốc, giới trẻ nước này cũng dần từ bỏ quan niệm truyền thống "an cư lạc nghiệp" vì cạnh tranh khốc liệt trong giáo dục và việc làm, cuộc sống dần trở nên không còn nhiều tham vọng, có thể "xắn tay áo làm bất cứ việc gì, thậm chí "xoáy đinh vít trong các nhà máy" và những công việc lao động chân tay, nhất là từ khi các đài truyền hình địa phương công bố hình ảnh các cử nhân đại học kiếm được nhiều tiền từ việc bán thức ăn đường phố hoặc trồng cây ăn trái. Ngay cả việc làm ở các vùng nông thôn hẻo lánh của nước này cũng có sự cạnh tranh quyết liệt của những sinh viên thuộc top đầu các trường đại học quốc gia. Trong đó, 1 công ty ở tỉnh Cát Lâm (Đông Bắc Trung Quốc) từng quảng cáo mức lương 5.000 - 8.000 nhân dân tệ, cao hơn thu nhập trung bình của 1 nhân viên mới vào làm ở thủ đô Bắc Kinh.
Dư luận cho rằng cử nhân thất nghiệp do chính quyền các địa phương không tạo đủ việc làm, trong khi giới trẻ ngày càng nâng cao năng lực chuyên môn, vì thế tình trạng thất nghiệp của các cử nhân vẫn là vấn đề nhức nhối dai dẳng, khi đây là một trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
(Còn tiếp...)
(CATP) Sau sự sụp đổ của ngành Công nghiệp P2P (cho vay ngang hàng), các đối tượng lừa đảo bắt đầu thay đổi "đích ngắm", hướng gian lận tiền lương xuất hiện thường xuyên hơn trong lĩnh vực tài chính. Cứ thế "vòi bạch tuộc" phạm pháp ngày càng vươn xa...