(CATP) Tấn công, chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội của người khác rồi thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, nhưng nhiều nạn nhân vẫn "mắc bẫy". Mục tiêu của bọn tội phạm lừa đảo trực tuyến đang có xu hướng tập trung vào nhóm người cao tuổi, phụ nữ thất nghiệp. Vào thời điểm cuối năm, tội phạm lừa đảo qua mạng và điện thoại có chiều hướng gia tăng nên người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh tiền mất, hận mang.
Từ ngày về hưu, bà Mai Thanh T. (SN 1956, trú huyện Hóc Môn) thường dùng điện thoại di động lên mạng xã hội xem tin tức và trò chuyện với người bạn học cũ tên Khanh đang sống bên Mỹ. Do thân nhau từ nhỏ nên hai người hay tâm sự qua lại chuyện gia đình, con cái. Vào trưa 05/12, đang ở nhà một mình thì bà T. nhận được cuộc gọi từ messenger của bà Khanh. Qua trao đổi, bà Khanh cho biết muốn nhờ bà T. nhận giúp 2.300USD (tương đương 54 triệu đồng) rồi gửi giúp cho đứa cháu đang đi học đại học tại TP.Thủ Đức 50 triệu, còn 4 triệu đem đến ngôi chùa ở quận 12 cúng giường.
Tưởng thật, bà T. liền cho địa chỉ nhà, số điện thoại. Vừa dứt cuộc hội thoại, bà T. nhận được điện thoại từ số máy 02368888666, đầu dây là người đàn ông nói giọng miền Bắc, tự xưng bên dịch vụ chuyển tiền quốc tế, yêu cầu bà T. cho số tài khoản để chuyển tiền của bà Khanh. Có chút nghi ngờ nên bà T. lấy cớ không có số tài khoản và chỉ nhận tiền mặt. Người đàn ông đồng ý và nói 15 giờ chiều hôm sau sẽ mang tiền đến cho bà. Tiếp đến, điện thoại của bà T. hiện lên dòng tin nhắn xác nhận thời gian bà sẽ nhận 2.300USD từ dịch vụ quốc tế.
Công an TPHCM liên tục cảnh báo lừa đảo công nghệ cao
Xem xong, trong lòng bà T. cảm thấy vui và nể phục vì tấm lòng thiện nguyện, thương người của bạn học cũ. Định đi nấu cơm, bà T. lại nhận tin nhắn của bà Khanh hỏi thăm bên dịch vụ chuyển tiền đã liên lạc chưa. Bà T. liền chụp màn hình tin nhắn gửi cho bạn. Trong lúc bà T. chưa kịp mở lời khen bạn thì bà Khanh đã bộc bạch: "Nói thiệt với bạn, nhỏ cháu đang rất cần tiền đóng học phí nên bạn chuyển gấp cho mình 50 triệu, mai bên dịch vụ sẽ đưa tiền cho bạn". Nghe vậy, bà T. đồng ý nhưng kêu bà Khanh trực tiếp nói chuyện.
Tuy nhiên, trong cuộc gọi thoại messenger, bà T. chỉ nhìn thấy hình của bà Khanh mà không thể trao đổi được câu nào. Gọi lại nhiều lần vẫn không được, bà T. nhận được tin nhắn của bà Khanh xin lỗi vì sóng quá yếu nên không trao đổi được. Thấy nghi ngờ, bà T. một mực khăng khăng muốn nói chuyện trực tiếp thì bị "bạn thân" cắt liên lạc. Qua tìm hiểu người nhà của bà Khanh, bà T. té ngửa vì tài khoản Facebook của bạn đã bị hack. Nhờ tinh thần cảnh giác cao mà bà T. không mất đi 50 triệu đồng - số tiền hưu dành dụm bấy lâu nay.
Với trường hợp của bà Trần Thị H. (SN 1965, trú TPHCM), đối tượng tội phạm không dùng cách thức chiếm đoạt tài khoản Facebook theo kiểu cũ, mà tạo một tài khoản Facebook mới trùng tên, đăng tải các hình ảnh lấy từ tài khoản chính chủ, sau đó sử dụng tài khoản này để nhắn tin cho người thân kêu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Đây là thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo lên kịch bản chi tiết, theo dõi, thu thập đầy đủ thông tin của "con mồi" và đợi khi có thời cơ mới bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo, làm nạn nhân khó phát hiện.
Theo đó, cuối tháng 11/2023, kẻ gian mạo danh tài khoản Facebook của con gái bà H. (hiện đang sinh sống ở nước ngoài) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản rất bài bản. Chúng sử dụng hình ảnh đại diện, ảnh bìa và các thông tin giống hết với tài khoản của con gái bà H. để nhắn tin kêu mẹ chuyển tiền để giúp đỡ đồng hương. Điều đáng nói, các đối tượng còn thu thập hình ảnh, video khuôn mặt của con gái bà H. và sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI, tạo ra các sản phẩm công nghệ âm thanh, hình ảnh và video làm giả đối tượng ngoài đời thực với độ chính xác rất cao) gọi video với bà H. nhằm lấy lòng tin, rồi nhờ bà chuyển tiền.
Khi bà H. thắc mắc về số tài khoản lạ thì đối tượng lấy lý do là chuyển tiền ra nước ngoài phải mất phí nên chuyển tiền qua số tài khoản trung gian nhằm tránh phí. Tin tưởng đây là con gái, bà H. đã chuyển cho đối tượng 70 triệu đồng và bị chiếm đoạt. Ngoài ra, có trường hợp đã cảnh giác nhưng thấy hình ảnh qua cuộc gọi, giọng nói giống người thân của mình, họ đã chuyển hàng chục triệu đồng theo yêu cầu.
Trước thực trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn vô cùng tinh vi như các trường hợp, điều quan trọng nhất là người dân cần hết sức cảnh giác. Khi có hoạt động vay mượn, chuyển khoản cho người thân, nhất là ở nước ngoài, người dân cần phải gọi điện thoại xác thực để tránh mất tiền oan uổng.