Việc nhẹ, lương cao
Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh, không cần bằng cấp, kinh nghiệm, làm việc tại nhà của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, Shopee... và chạy quảng cáo để tiếp cận người có nhu cầu làm cộng tác viên, khi bị hại nhắn tin cách thức làm việc, các đối tượng sẽ gửi các thông tin về "công ty", "nhân viên chăm sóc khách hàng"... và yêu cầu gửi thông tin cá nhân, kết bạn Zalo để tư vấn.
Ngoài ra, các đối tượng tiến hành tạo lập các website (có tên miền gần giống), các trang mạng xã hội giả mạo (sử dụng logo, hình ảnh, mã số thuế, địa chỉ ...) các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để dẫn dụ nạn nhân "sập bẫy". Bên cạnh đó, bọn chúng còn thông qua cuộc gọi, tin nhắn đến thuê bao di động để truyền tải "câu chuyện lừa đảo" đến nạn nhân. Khi người có nhu cầu tìm việc liên hệ, các đối tượng sẽ mạo danh là nhân viên nhân sự để yêu cầu bị hại thực hiện theo yêu cầu. Sau đó, chúng sẽ sử dụng các hình ảnh giả mạo, được cắt ghép chỉnh sửa thành các "hợp đồng tuyển dụng, bản cam kết việc làm".
Tiếp đến, bọn chúng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin, dữ liệu cá nhân (lý lịch, CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại...). Trong quá trình này, các đối tượng có thể sử dụng để đi vay tiền trên app và dụ dỗ nạn nhân xác thực khoản vay. Cùng với đó, bọn chúng sẽ dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản, đóng tiền ký quỹ để được nhận việc tại doanh nghiệp.
Với phương thức lừa đảo sẽ được làm việc trực tuyến tại nhà, công việc nhẹ nhàng, lương cao thông qua thực hiện nhiệm vụ và nhận tiền công (like, share, giựt đơn hàng ảo, đánh giá ảo, xem phim, nghe nhạc...), ban đầu đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ (khoảng vài chục đến vài trăm ngàn đồng) để bị hại chọn xác nhận đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook, chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp và được chuyển lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra mua hàng cùng với hoa hồng từ 3% - 20%.
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo của kẻ gian
Sau một số lần tạo niềm tin bằng cách trả tiền gốc và hoa hồng sòng phẳng như cảm kết ban đầu, khi biết "cá đã cắn câu", đối tượng viện lý do "bạn đã được công ty nâng hạng" và gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shope... có giá trị lớn hơn và tiếp tục yêu cầu bị hại chụp lại hình ảnh sản phẩm, đồng thời chuyển tiền. Tuy nhiên, đối tượng không chuyển tiền mà tiếp tục thông báo cho cộng tác viên phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác rồi chiếm đoạt tiền của bị hại. Mới đây, bà N.N.Thảo (SN 1978, ngụ Q6) bị nhóm đối tượng trong Facebook "Đầu Tư Thu Lợi Nhuận" dẫn dụ tham gia kiếm tiền trực tuyến với hình thức làm cộng tác viên online cho sản thương mại điện tử rồi chiếm đoạt gần 1,4 tỷ đồng.
"Chiếc bánh vẽ” trên mạng
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an TPHCM còn cảnh báo về phương thức lừa đảo hết sức tinh là lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư tài chính trực tuyến (tiền ảo, chứng khoán quốc tế). Cụ thể, bọn chúng gọi điện mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán quốc tế, dự báo tăng, giảm giá xăng, dầu trực tuyến... do các đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống.
Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt offline, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường... để lừa đảo, kêu gọi đầu tư vào hệ thống do chúng thiết lập. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia. Nạn nhân của kịch bản lừa đảo này là ông Đ.V.T (SN 1964, ngụ Q7) bị một đối tượng (không rõ lai lịch) làm quen trên mạng dẫn dụ tham gia đầu tư, giao dịch trên sàn Forex MT5 để lừa chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng.
Thủ đoạn giả mạo, chiếm quyền điều khiển các loại tài khoản số (như Facebook, Zalo...) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, các đối tượng thông qua các tài khoản mạng xã hội đã chiếm đoạt được hoặc tạo lập một tài khoản có thông tin giống với người thân để nhắn tin người thân, người quen, đồng nghiệp qua các ứng dụng mạng xã hội để vay - mượn tiền. Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng lợi dụng công nghệ AI có tên DeepFake (giả mạo khuôn mặt, giọng nói của người quen nạn nhân) để thực hiện cuộc gọi video call và hỏi mượn tiền, vay tiền dẫn đến nhiều người tin là thật.
Đáng chú ý, các đối tượng hiện nay lợi dụng việc xác thực lỏng lẻo trong mở tài khoản ngân hàng trực tuyến để sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng trùng với tên chủ tài khoản Facebook, Zalo... bị chiếm đoạt để tạo niềm tin và gửi tiền cho đối tượng. Điển hình là trường hợp bà N.T.T.P (ngụ TP.Thủ Đức). Tháng 9/2023, bà nhận được link mời tham gia chương trình bình chọn từ một tài khoản Facebook của bạn bè. Sau khi truy cập đường link (giả mạo giao diện đăng nhập Facebook), bà P. bị chiếm quyền điều khiển tài khoản Facebook. Sau đó, các đối tượng sử dụng tài khoản này nhắn tin cho bạn bè, người thân của bà P. để hỏi mượn tiền, nhờ thanh toán hộ thông qua cuộc gọi Deepfake và số tài khoản nhận tiền có tên N.T.T.P. Do tin tưởng, nhiều bạn bè của bà P. đã gửi vào tài khoản kia hơn 300 triệu đồng...
Từ các vụ việc trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao khuyến cáo: hiện nay các đối tượng có rất nhiều thủ đoạn tinh vi lừa đảo trên mạng, thông thường sẽ đưa ra những mồi nhử vô cùng hấp dẫn để đưa các nạn nhân vào tròng. Do đó, người dân tuyệt đối không nên tin tưởng, cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền cho người lạ. Khi nghi ngờ hãy điện thoại ngay cho cơ quan công an để có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.