1.001 chiêu lừa vào casino làm "việc nhẹ, lương cao"

Thứ Hai, 18/03/2024 09:12

|

(CATP) Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra chiều 14/3/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến công tác bảo hộ công dân tại Campuchia. Bà Phạm Thu Hằng khuyến cáo công dân Việt Nam cần đề phòng để không mắc bẫy chiêu lừa "việc nhẹ, lương cao".

Sinh viên vẫn mắc bẫy

Tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), sau giờ phút nhộn nhịp của đoàn xe chở hàng nông sản, con đường thông thương giữa hai nước chỉ còn những chuyến xe chở hàng quá cảnh. Quán nước gần khu vực cửa khẩu là nơi râm ran nhiều câu chuyện về các casino bên Campuchia. Vụ việc khiến nhiều người nhắc đến là ngay cả sinh viên ở Hà Nội cũng bị lừa vào tỉnh Tây Ninh rồi đưa sang Campuchia.

Ngày 15/3/2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã giải cứu sinh viên Nguyễn X.T.P (SN 2003, quê Hà Nội) bị giam giữ trong một casino ở Campuchia thuộc khu Đông Thái (thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng). Theo lời khai của nạn nhân, các đối tượng đã đòi gia đình anh này gởi 5.000 USD sang để chuộc người. Vì ham "việc nhẹ, lương cao" nên anh P. mắc bẫy và giờ đây rất ân hận vì sự nhẹ dạ cả tin của mình.

Thảo từng tốt nghiệp đại học, là một vũ công làm việc ở TPHCM, kể về chiêu lừa của các đối tượng tinh vi tới mức "dù ngờ" nhưng vẫn "khó né”. Theo đó, có người xưng là doanh nhân, liên hệ mời đoàn vũ công từ TPHCM sang Campuchia tham gia một số sự kiện lớn. Về quy mô tổ chức, các tiết mục và thù lao hậu hĩnh đều đã được hai bên thỏa thuận, nhưng phía Campuchia vẫn muốn Thảo sang gặp gỡ một lần để "chốt hạ”. Khi sang tới nơi, Thảo mới biết mình bị lừa bán vào casino với giá 5.000 USD.

Nhiều thanh niên "ngập mặt" trong công việc ở một casino (ảnh tư liệu)

Thông tin của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Sihanoukville (Campuchia), vào ngày 09/3 vừa qua, hơn 100 công dân Việt Nam làm việc trái phép tại một cơ sở lừa đảo bằng thủ đoạn rủ rê đánh bạc trực tuyến đã bị các cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ, trục xuất về nước. Những vụ việc này tưởng chừng đã lắng xuống hẳn vì tin tức được báo chí Việt Nam, trong đó có Chuyên đề Công an TPHCM phanh phui, nhiều người dân đã tăng cường cảnh giác. Tuy nhiên, thủ đoạn lừa đảo luôn thay đổi và ngày càng tinh vi hơn, khiến nhiều người vẫn không thoát được cái bẫy do các đối tượng giăng ra.

Bộ phận HR (Human Resources - phụ trách nhân lực) của các đối tượng từ Campuchia đang dùng thủ đoạn mới để dụ dỗ thanh niên ở Việt Nam ra sao? Trên trang của người Việt tại Campuchia và nhiều trang Facebook cộng đồng khác, cách đây hơn một năm, mỗi khi ai đó đăng một "status" thì lập tức phần bình luận (comment) bị bủa vây bởi các lời mời chào: "Công ty tử tế bên này cũng có, tại sao các bạn không tìm đến với Great Wall..., Winner, Huafe Group. Việc buôn người từ công ty này sang công ty khác đều do người Việt Nam sang đây làm cả, chứ người Trung Quốc họ không làm việc này". Hiện nay, các đối tượng HR còn "chơi bài ngửa", cho người đăng cả tin, ảnh, số điện thoại trên trang cộng đồng về nhu cầu cần tìm việc làm, từ đó tạo tâm lý cho người khác tin tưởng khi tìm việc làm ở Campuchia với hình thức "việc nhẹ, lương cao".

Nhan nhản "mồi" câu nhử

Trên các trang tìm việc làm, trang cộng đồng của người Việt Nam ở Campuchia, các đối tượng HR thường tìm cách lôi kéo bằng những việc làm không liên quan tới cờ bạc hoặc dụ dỗ nạn nhân làm việc tại nhà với mức lương cao. Khi một tài khoản đặt câu hỏi về công ty tại khu Kim Sa, lập tức được các HR đăng nhiều bình luận: "cần tuyển gấp sales chuyên mạng Youtube, công việc đơn giản, xây dựng kênh Youtube, toàn bộ chi phí mua kênh, thuê live, chạy quảng cáo, đều được công ty hỗ trợ, sales chỉ cần quản lý cộng tác viên và chăm sóc kênh, 10 off 3, lương và hỗ trợ cao, liên hệ qua Telegram...".

Tin nhắn của một đối tượng HR bị bóc mẽ

Đến thời điểm hiện nay, các đối tượng HR đánh vào tâm lý của những người bị lừa là "có thẻ Vip ra vào tự do", sau đó mới nói tới chuyện lương, thưởng. Để tạo làn sóng mới, thu hút các nạn nhân người Việt Nam sang Campuchia, các đối tượng HR tiếp tục rao mức thưởng 100 USD cho người làm việc chuyên cần, 100 USD cho việc tuyển thêm người sang Campuchia, lừa được khách đóng vào tài khoản game 100 triệu đồng thì trích thưởng 13%, nếu lên đến 500 triệu đồng sẽ trích thưởng 20%.

Một Facebooker khi vừa thấy "status" mới đã lập tức "rải" các bình luận: "Star Group... ra vào tự do, nhiều job hấp dẫn, trợ lý cần gấp 2 người, 1 đào tạo, hsk4 trở lên 45 đến 50 củ/tháng; biết làm bảng biểu tại King Crown". Trong tin nhắn của Bùi Đức Kiệt (có lệnh truy nã và đã bị cơ quan chức năng bắt giữ), đối tượng này sử dụng nhiều tài khoản Messenger ảo và gởi đi các bảng lương. Ví dụ như tài khoản Messenger "BeBe" giới thiệu: nếu làm cho Great Wall..., đối tác khu vực của Mancity, nhân sự HR được trả lương từ 1.300 - 1.600 USD, nhân viên "sales" được trả từ 900 - 1.000 USD.

Thủ đoạn không hề mới của các đối tượng là rao tin tuyển dụng làm việc ở các địa phương giáp với Campuchia, như: Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Long An..., sau đó đưa nạn nhân đi đường vòng rồi đưa luôn sang bên kia biên giới. Đến lúc đó, các nạn nhân mới biết mình bị đối tượng đem bán. Nhiều nạn nhân từ Campuchia còn bị đưa tiếp sang nước thứ ba. Ngày 24/01/2024, Công an tỉnh Kon Tum phối hợp một tổ chức phi chính phủ giải cứu 7 nạn nhân từng bị lừa đưa qua Campuchia, sau đó bán sang Myanmar. Công việc ở Myanmar cũng khắc nghiệt như ở Campuchia, các nạn nhân bị ép làm việc trực tuyến chuyên lừa đảo, nếu làm không đủ "chỉ tiêu" thì bị đòn roi, chích điện...

Món "hàng người"!

Nạn nhân Trần Văn H. (ngụ Bình Dương) khi được phóng viên hỏi về những thông tin, cách thức lừa đảo mới đã cho biết: Có khi các đối tượng HR mượn danh những công ty có uy tín, dụ "cá cắn câu" bằng mức lương hàng ngàn USD. Khi nạn nhân sang tới Campuchia thì các đối tượng sẽ bán ngay cho các công ty khác, kiếm được hàng ngàn USD, bình quân từ 1.000 - 1.500 USD/người...

Tin tức về các nạn nhân bị lừa sang Campuchia bằng chiêu "việc nhẹ, lương cao" trở thành tin nóng trên các báo. Trên các diễn đàn tìm việc làm ở Campuchia cũng nóng, nhưng ngược lại, khi liên tục đăng tin tuyển người. Mới đây là tin giả Wanpai đã có mặt tại Mộc Bài (Tây Ninh): "Huafu, Kubet, Winbet không có khu, ký túc xá, trọ ngoài thoải mái". Một số nạn nhân từng từ Campuchia trở về cho biết, bên Campuchia có một casino 8 tầng, trong đó tầng 8 được các nạn nhân gọi là "địa ngục". Mỗi người bị lừa sang đó phải liên tục lừa tình, lừa tiền trực tuyến, nếu không đạt "chỉ tiêu" thì bị đưa lên tầng 8 rồi bỏ đói, bị 4 đối tượng liên tục chích điện khoảng 5 - 6 lần/ngày, bị đánh hộc máu...

Ngày 10/6/2023, trên trang cộng đồng xuất hiện thông tin "ai có nhu cầu giải cứu!". Có rất nhiều bình luận và hỏi về việc có cứu được người ở khu Osmachs hay không. Cùng ngày, có chủ tài khoản công khai hỏi về việc bị lừa sang Campuchia và có tiền chuộc thì được về Việt Nam hay không. Nhiều bình luận khác đã chia sẻ về việc có lúc được về, có khi bị lừa tiền rồi bán tiếp sang công ty khác. Nhiều bình luận thì chia sẻ về việc rủi ro, rủi may, không thể biết trước được!

Nạn nhân Trần Thị L.X (quê Hải Phòng) cùng nhiều người trở về cho biết, khi sang Campuchia và ngồi vào "ghế nóng" thì chỉ còn mỗi việc phải làm là... lừa đảo. Có nạn nhân lừa một chị ở Việt Nam và rút được mấy chục triệu đồng vào tài khoản, nhưng trước khi cho "app" sập để xóa dấu vết thì vẫn nhìn thấy chị này nói về việc chị bị ung thư và đây là số tiền tiết kiệm cuối cùng còn lại để đi chữa bệnh (!).

Thời gian gần đây, các đối tượng HR tìm cách lôi kéo những thanh niên trẻ sống ở vùng cao các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế... Để được giải cứu, những nạn nhân bị lừa sang các casino ở Campuchia cần sớm tìm cách liên lạc qua đường dây nóng: Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia (+855.974056789), Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Sihanoukville (+855.97933999) hoặc Tổng đài bảo hộ công dân (+84.981848484).

Bình luận (0)

Lên đầu trang