Cảnh báo:

Ma trận lừa đảo bằng công nghệ

Thứ Ba, 12/03/2024 12:10

|

(CATP) Thủ đoạn sử dụng công nghệ để lừa đảo hiện không có chiều hướng giảm mà đang còn diễn biến phức tạp. Mặc dù nhiều lần cơ quan công an đã khuyến cáo, hướng dẫn, cảnh báo đến người dân. Các cơ quan truyền thông cũng đăng bài cảnh giác, tuyên truyền, nhưng vẫn có rất nhiều nạn nhân sập bẫy.

Mất 150 triệu đồng sau cuộc gọi

Ngày 11/03, Công an TP Hà Nội thông tin, Công an quận Đống Đa đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 150 triệu đồng. Theo đó, ngày 07/3, Công an phường Phương Liên, quận Đống Đa tiếp nhận tin trình báo của anh D. (SN 2001, trú Đống Đa, Hà Nội) về việc anh nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói anh D. có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền. Đối tượng yêu cầu anh D. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan. Do lo sợ nên anh D. đã chuyển 150 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng. Sau khi biết mình bị lừa, anh D. tới cơ quan công an trình báo.

Thời gian qua, Công an TP Hà Nội liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có nhiều người sập bẫy của các đối tượng. Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Nạn nhân bị lừa đảo đầu tư tài chính đến cơ quan công an trình báo

Cẩn trọng "bẫy" đầu tư tài chính

Đáng chú ý, trong giai đoạn giá của một số đồng tiền mã hóa, tiền ảo tăng là thời điểm các đối tượng phạm tội tăng cường các hoạt động quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng thông qua các sàn giao dịch, các website đối tượng đưa ra.

Dù chiêu trò của các đối tượng lừa đảo không mới nhưng rất tinh vi nên nhiều người dùng mạng xã hội sập bẫy. Nhiều nhóm đối tượng trong nước lập ra các sàn, trang web đầu tư tài chính giả mạo sàn quốc tế, hoặc thậm chí tự cho ra đời các loại tiền ảo để lôi kéo nhà đầu tư, dẫn đến nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản là rất cao. Đối tượng thiết lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo, Telegram.

Sau khi tham gia vào nhóm, các đối tượng và thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia giao dịch đầu tư tài chính cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa. Mục đích cuối cùng là nhằm chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.

Thực tế tại Việt Nam, khung pháp lý để điều chỉnh, quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tiền mã hóa chưa cụ thể, rõ ràng, người dân vẫn có thể tham gia giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa công khai trên không gian mạng và qua các sàn giao dịch quốc tế cũng như các sàn giao dịch trong nước, hoặc thông qua ứng dụng dịch vụ truyền thông trực tuyến (OTT), hay trên các hội nhóm, diễn đàn.

Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo người dân phải luôn giữ cảnh giác và chỉ tin tưởng vào các nền tảng và sàn giao dịch có uy tín và được xác thực, cấp phép bởi Nhà nước. Mọi người cần cẩn trọng trước các lời đề nghị hoặc giới thiệu các hoạt động đầu tư qua bất cứ hình thức nào, đặc biệt là không gian mạng; tuyệt đối cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường so với thị trường cùng với các khoản phí không rõ ràng.

Ảnh chụp màn hình minh họa

Với các cơ hội đầu tư, mọi người cần tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Bên cạnh đó, mọi người cần tăng cường kiến thức về tài chính, đầu tư. Nếu cảm thấy không chắc chắn, mọi người hãy tham khảo đánh giá của chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có thể đưa ra quyết định thông minh, an toàn và tránh rủi ro lừa đảo. Lưu ý, nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, mọi người đừng ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Liên tiếp bị lừa vẫn không tỉnh táo

Ăn theo các hình thức lừa đảo trực tuyến, trên các mạng xã hội cũng xuất hiện lời mời chào hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo. Trên không gian mạng, cơ quan chức năng ghi nhận có nhiều trường hợp người dân đã bị lừa lần 1, sau đó lại tiếp tục bị lừa lần 2 và nhiều lần khác bởi những hội nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng.

Công an TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, thông tin gần đây trên các Fanpage thường xuyên có nhiều bình luận đăng tải quảng cáo dịch vụ lấy lại được tiền bị treo, bị lừa đảo với những thông tin mập mờ, mang tính chất dẫn dụ, không để lại thông tin xác thực.

Các hội nhóm với tên "Tiếp nhận thông tin thu hồi vốn treo", "Lấy lại tiền bị lừa qua mạng"... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội Facebook cùng với các trang web mang giao diện tương tự với đơn vị thuộc Bộ Công an, văn phòng luật, luật sư... Phía dưới các bài đăng là hàng loạt các tin nhắn bình luận "đã lấy lại được tiền lừa đảo trước Tết".

Khi người bị hại muốn lấy lại tiền đã mất, đối tượng yêu cầu gửi giấy tờ chứng minh bị lừa và đóng tiền phí ban đầu tra soát thông tin từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm chung của các đối tượng này là đều đưa ra các mức phí và giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn T. (SN 1989, quê Thanh Hóa, làm nghề cắt đá ở Q7, TPHCM) mới đây cũng trở thành nạn nhân của nhóm lừa lấy lại tiền trên mạng. Năm ngoái, T. là nạn nhân trong một vụ mời mọc đầu tư tài chính như ở trên đã nói. Lần đó, bao nhiêu tiền dành dụm bị mất trắng. Gần đây, lang thang trên mạng xã hội, thấy có dịch vụ đòi lại tiền đã mất nên anh T. vào tìm hiểu. Công ty đòi nợ này trưng hẳn giấy phép và các quy định rất bài bản. Tin tưởng, T. đã nộp "phí ban đầu" số tiền 5 triệu đồng. Hôm sau, có một đối tượng gọi đến tự xưng là người của công ty và thông báo: hồ sơ đã được công ty thụ lý, mời anh làm việc tiếp theo với phòng hỗ trợ pháp lý (làm việc trực tuyến). Lại đóng thêm số tiền 16 triệu đồng để "dằn cọc và đóng phí”. Hôm sau, anh T. lại được giới thiệu qua bộ phận kế toán và tiếp tục đóng thêm số tiền 25 triệu đồng, nếu không đóng xem như mất toàn bộ. Ngậm ngùi, anh T. phải vay mượn để đóng tiếp cho đến khi tổng số tiền vượt lên hơn 100 triệu đồng thì... mất luôn.

Về việc này, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cho người dân nhưng vẫn có nhiều người dùng nhẹ dạ, cả tin mà sập bẫy lừa đảo. Môi trường trên không gian mạng đang ngày càng trở nên phức tạp, người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Điều quan trọng, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.

Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, mọi người tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó. Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ lừa đảo, đừng ngần ngại liên hệ với cơ quan công an để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng) Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Cục An toàn thông tin đã phối hợp với nhiều đơn vị triển khai quyết liệt và chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường giám sát, theo dõi, cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại; điều phối ngăn chặn các trang thông tin phạm pháp, bảo vệ người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng...

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khi việc thuê bao di động chính chủ được các đơn vị phối hợp triển khai có kết quả, các hình thức lừa đảo qua điện thoại sẽ giảm, việc xác minh danh tính chính xác của đối tượng thực hiện giao dịch thông qua hình thức gọi điện thoại trực tiếp sẽ rõ ràng, đầy đủ.

Ông Trần Quang Hưng cũng khẳng định các chiêu trò lừa đảo trên mạng sẽ liên tục thay đổi, việc cơ quan chức năng đuổi theo, ngăn chặn hoàn toàn các chiêu trò lừa đảo là bất khả thi. Do đó, để hạn chế, giảm thiểu vấn nạn này, cần thực hiện 3 giải pháp căn cơ là thể chế chính sách, công nghệ và tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Thời gian qua, nhiều trang mạng xã hội lấy tên "Cục An ninh mạng" hoặc "Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao", đưa thông tin khuyến cáo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và biện pháp phòng chống. Các trang này còn cung cấp các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công dân như tư vấn lấy lại tiền lừa đảo, hỗ trợ xử lý các vụ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người dân không phân biệt được đâu là thông tin chính thức và có người đã trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo khi nghe, làm theo hướng dẫn.

Trước tình trạng này, Bộ Công an khẳng định Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục ANM và PCTP) có chức năng bảo vệ an ninh mạng, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm có hoạt động sử dụng công nghệ cao, nhưng không có chức năng hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo cho công dân.

Theo Bộ Công an, hiện nay Cục ANM và PCTP không có trang thông tin chính thức (Website, Fanpage...), hiện đang trong quá trình xây dựng trang thông tin chính thống có xác thực để hạn chế tình trạng giả mạo. "Đối với các thông tin mạo danh, Cục ANM và PCTP đang tiến hành rà soát, xác minh. Trước mắt, sẽ tiến hành phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành chặn, lọc các đường dẫn, tài khoản giả mạo trên không gian mạng", Bộ Công an cho biết. Trước tình trạng những trang giả mạo lừa đảo người dân, Bộ Công an chỉ ra bản chất hoạt động của các đối tượng là lợi dụng lòng tin của nạn nhân muốn sớm lấy lại tài sản sau khi bị lừa đảo, chiếm đoạt trên mạng, nhưng thực tế các đối tượng sẽ tiếp tục dụ dỗ, lừa tiền của bị hại.

Cục ANM và PCTP đã và đang tiến hành rà soát, xác minh, truy tìm đối tượng có hoạt động mạo danh Công an các đơn vị, địa phương để đấu tranh, xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành chặn, vô hiệu hóa các đường link, tài khoản giả mạo. Bộ Công an nhấn mạnh, các trang thông tin chính thống của cơ quan công an trên không gian mạng đều sử dụng tên miền có đuôi ".vn", như: conganbacgiang.gov.vn, benhvien199.vn...

Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra các trang thông tin chính thống của các cơ quan Công an tại phần "Liên kết website" trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an tại địa chỉ mps.gov.vn hoặc bocongan.gov.vn. Đối với các tài khoản trên mạng xã hội, ứng dụng OTT, Cục ANM và PCTP đang tiến hành rà soát và sẽ công khai danh sách các đường dẫn này để người dân nắm được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang