Gọi điện định lừa cả... điều tra viên!
Anh V. (một điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM) kể lại chuyện chính anh gặp phải mới đây. Kẻ gian gọi điện đến số máy của anh rồi xưng danh cơ quan tố tụng để hù dọa rằng "anh đã dính vào đường dây tội phạm, cần xử lý”. Chưa hết, đối tượng nói đúng họ tên anh V. và yêu cầu phải tới cơ quan chức năng để trình diện, tuy nhiên phía sau đó hắn lại ướm lời là có con đường để anh "thoát tội".
Viện cớ đang đi làm ăn xa, anh V. nói mình đang làm trong lĩnh vực kinh doanh nên rất bận, muốn nhờ vả đối tượng giúp đỡ, dù anh hoàn toàn không hề làm gì phạm pháp. Thấy "cá cắn câu", đối tượng lên giọng là nếu anh V. muốn giải quyết êm đẹp thì y sẽ giúp đỡ ngay. Anh V. vờ xin gặp trực tiếp để cảm ơn. Tuy nhiên, bằng giọng nói rất nghiêm, đối tượng bảo anh V. phải chuyển tiền đến một số tài khoản mà gã cung cấp. "Với nghiệp vụ và cũng vừa phá chuyên án lừa đảo bằng công nghệ tại TPHCM vừa qua, nên tôi cố tình để người nhờ vả lộ mặt..."- anh V. chia sẻ. Tuy nhiên, đối tượng vẫn kiên quyết bảo anh V. chuyển khoản để xử lý chuyện cho êm đẹp.
Nhằm tạo lòng tin, anh V. nói mình đang bận kinh doanh ở tỉnh xa, hẹn sau một ngày sẽ liên lạc lại nhằm cảm ơn sự giúp đỡ của đối tượng. Rồi anh V. sử dụng nhiều cách để kẻ lừa đảo xuất đầu lộ diện, nhưng hắn vẫn một mực yêu cầu chuyển khoản, chứ không đến gặp. Cuối cùng, biết không lừa được anh V., kẻ gian cúp máy. Anh V. nhiều lần liên hệ lại số điện thoại đã gọi cho mình, nhưng từ chỗ không nhấc máy, đối tượng tắt hẳn điện thoại.
Các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo mà mọi người cần cảnh giác
Tương tự, muốn tóm cả bọn lừa đảo, anh L. là luật sư thuộc Đoàn Luật sư TPHCM, rất bất ngờ khi nhận cuộc gọi của bọn lừa đảo. Chúng thông báo anh L. có một bưu phẩm gửi từ tòa án. Anh L. nhận ngay ra ngay bọn lừa đảo bằng công nghệ, nhưng cố tình kéo dài thời gian để xem chúng giở thủ đoạn tiếp theo thế nào. Một giọng nữ nghiêm nghị cho biết, anh L. có một bưu kiện mà nơi gửi từ tòa án, nhưng khi gửi đến địa chỉ (địa chỉ nơi ở cũ, anh L. không còn ở đó nữa) lại không có người nhận, nên gửi ngược về bưu cục. Nếu anh L. đồng ý thì cô ta mới mở ra xem sao. Anh L. nói: "Chị cứ mở ra xem thế nào".
Sau đó, bên kia thông báo là trong thư có giấy triệu tập từ "Tòa án Hà Nội". "Chuyện gì đến sẽ đến" - đúng như dự đoán của anh L., đối tượng nữ bảo sẽ chuyển máy cho phía tòa án để cán bộ tòa án nói chuyện với anh. Giọng một người đàn ông yêu cầu anh L. muốn giải quyết mọi việc yên ổn thì nên chuyển một khoản tiền đến số tài khoản gã sẽ nhắn tin đến điện thoại của anh L. Vị luật sư vẫn khăng khăng xin gặp để đưa tiền trực tiếp, dù có gặp tại Hà Nội thì anh vẫn đón chuyến bay ra ngay trong ngày. Thế là bọn xấu biết đã bị nạn nhân lật tẩy thủ đoạn của chúng, liền "lặn" mất tăm.
Vẫn có người sập bẫy, dù thủ đoạn rất cũ
Mới đây nhất, ngày 11-5-2022, anh Chí Hải (ngụ Q3) than phiền với chúng tôi là đang bận họp thì điện thoại của anh bỗng reo. May mà anh Hải tắt nhạc chuông, không làm phiền những người bên cạnh. Khi anh Hải nghe máy, bên kia nói giọng phụ nữ, tự nhận là nhân viên bưu chính viễn thông, thông báo anh có một bưu kiện từ nước ngoài gửi về và yêu cầu đến nhận ngay. Nhưng cái "nhận ngay" ấy là chúng yêu cầu anh Hải phải chuyển một khoản phí vận chuyển bưu kiện, rồi mới đến bưu cục nhận hàng.
Anh Hải vừa bực mình vì bị quấy rầy, vừa nhận ra kiểu lừa đảo cũ rích, nhưng thời gian gần đây lại có rất nhiều cuộc gọi đến làm phiền như vậy. Lúc rảnh rỗi, anh Hải kiểm tra lại nhật ký cuộc gọi thì phát hiện số điện thoại lừa đảo có địa chỉ tận đâu đâu bên kia đại dương. Có lúc vào giờ tan ca, xe cộ đông đúc, đang lái xe trên đường bỗng anh Hải nhận cuộc gọi cũng từ tận nước ngoài, với đầu số có dấu "+". Giọng một phụ nữ thông báo: "Đây là điện thoại gọi đến từ Kiểm toán Nhà nước, yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn, bấm phím 9, nếu quý khách không thực hiện theo hướng dẫn, thì trong vòng 15 phút, tất cả các tài khoản của quý khách sẽ bị khóa...".
Hai đối tượng sử dụng mạng xã hội và điện thoại để lừa đảo bị bắt giữ cùng tang vật
Chưa hết, chỉ trong ngày 10-5-2022, anh Hải liên tục nhận 3 tin nhắn lừa đảo mời tham gia sàn giao dịch điện tử, với mức lương hậu hĩnh mà nhìn vào ai cũng phải "choáng". Cụ thể, tin nhắn "TIKI cần tuyển nhân viên làm việc tại nhà!!! Số lượng có hạn chỉ 100 người. Công việc: Xử lý đơn hàng trên nền tảng ứng dụng. Yêu cầu độ tuổi: 23 - 60 tuổi. Thu nhập 350k - 1.200k (k là ngàn đồng - PV). Nhận tiền trong ngày. Zalo..." được gửi từ một địa chỉ lạ hoắc so với cảnh báo mà chính doanh nghiệp Tiki đã từng cảnh giác lừa đảo trên sàn điện tử, Báo Công an TPHCM đã phản ánh.
Rồi kiểu lừa đảo mà rất nhiều số điện thoại gần đây liên tục bị làm phiền, như: tuyển nhân viên làm việc trên nền tảng ứng dụng (có nghĩa ngồi nhà, chỉ cần bấm máy tính), nhưng mức lương lên đến 50 triệu đồng/tháng (!?). Rồi các đối tượng lừa đảo nói dối đến mức chưa từng thấy: "bạn có thể nhận tiền 500k - 3.000k chỉ trong 15 - 20 phút"... Tóm lại, ở phần cuối "màn kịch" lừa đảo lại là các đối tượng vẫn yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào tài khoản Zalo hoặc số điện thoại mà chúng cung cấp, dẫn dắt, đóng một khoản phí, sau đó tạo lòng tin ban đầu cho đến chiếm đoạt tiền rồi lẩn trốn.
Chị Hoàng Thị T. (ngụ TP.Đà Nẵng) cho biết: "Tôi bị chúng khuyến dụ rồi tham gia mua bán ảo trên mạng. Đóng vào hơn 1 tỷ đồng, đến khi thấy báo chí phản ánh, tôi nghĩ sao giống như bị lừa. Đến khi bỏ công dò hỏi thì mới biết mình bị lừa thật rồi". Qua câu chuyện của chị T., lúc đầu còn lơ mơ chuyện mình bị lừa vì cứ thấy tiền "bay" đi mất, đầu tư, mua bán mãi vẫn lỗ ít đến lỗ nhiều. Rồi chị T. gọi điện hỏi cô em đang ở TPHCM nắm rõ về tình trạng lừa đảo nở rộ mới đây, chị mới chắc chắn mình sập bẫy của bọn xấu.
Nhưng điều khó khăn là còn trong tài khoản vài trăm triệu đồng, nhưng để rút ra không phải dễ. Nhờ cô em tư vấn, chị T. suy nghĩ bao nhiêu đêm mới thực hiện kế hoạch rút tiền của chính mình ra khỏi nhóm lừa đảo. Viện cớ cần tiền đóng học phí trường nước ngoài cho hai con, chị T. hứa sẽ nạp vào tài khoản vài tỷ đồng nữa để "gỡ" vốn và kinh doanh có lãi. Sau khi rút được tiền ra, chị T. mới bớt nhức đầu.
Ba thủ đoạn chính của bọn lừa đảo bằng công nghệ
Theo Phòng Tham mưu Công an TPHCM, thời gian qua, tình hình hoạt động của tội phạm lợi dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho người dân và doanh nghiệp. Công an TPHCM đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, cảnh báo, nhưng vẫn còn không ít người dân sơ ý, trở thành nạn nhân của loại tội phạm này. Dưới đây là 3 thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao hoạt động lừa đảo phổ biến và gây nhiều thiệt hại nhất hiện nay: lừa đảo qua điện thoại, "bẫy tình" qua mạng xã hội và lừa "hack" email của doanh nghiệp.
Dấu hiệu nhận biết tội phạm lừa đảo qua điện thoại là khi có cuộc gọi đến máy điện thoại bàn, đầu dây bên kia (thực chất là đối tượng lừa đảo) xưng danh cơ quan pháp luật (công an, tòa án, viện kiểm sát) thông báo người dân nợ cước điện thoại, liên quan một vụ án rửa tiền... Chúng dùng lời lẽ dọa nạt, yêu cầu nạn nhân phải hợp tác điều tra, nếu không sẽ bị xử lý về hình sự. Đối tượng yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp để "cơ quan pháp luật" kiểm tra và sẽ trả lại trong vài giờ. Gặp trường hợp này, người dân phải dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu phải gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp pháp. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của chúng.
Tội phạm lừa đảo "bẫy tình" qua mạng xã hội: Dấu hiệu nhận biết là các đối tượng lừa đảo đóng giả người có nhiều tiền và địa vị trong xã hội (bác sĩ, kỹ sư, thương gia, quân nhân Mỹ...), ngỏ ý kết bạn, hứa hẹn kết hôn, bảo lãnh đi nước ngoài, vờ gửi tặng quà giá trị lớn (trong đó có nhiều tiền, vàng...) để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc vay mượn để đầu tư, kinh doanh. Chúng cho đồng bọn đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ gọi điện cho nạn nhân, thông báo thùng quà bị tạm giữ, phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót. Khi nạn nhân chuyển tiền thì bọn chúng rút ra chiếm đoạt.
Tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn "hack" email của doanh nghiệp: Nạn nhân là các doanh nghiệp có quan hệ mua bán với công ty nước ngoài, thường liên lạc, giao dịch qua hộp thư điện tử (email). Các đối tượng lừa đảo xâm nhập email của doanh nghiệp, biết thông tin về các hợp đồng mua bán hàng hóa, thanh toán tiền. Chúng tạo email giả mạo (giống với email thật của hai bên hoặc chỉ khác một ký tự) của đối tác thanh toán tiền hàng và gửi email yêu cầu thanh toán tiền vào một số tài khoản khác, với lý do tài khoản thường giao dịch đang gặp trục trặc.
Người dân và doanh nghiệp gặp đối tượng dùng các thủ đoạn trên hoặc phát hiện bất cứ thủ đoạn nào khác nghi ngờ lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần trình báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để xử lý kịp thời.