Công an và ngành Điện lực cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ

Thứ Năm, 05/05/2022 12:30

|

(CATP) Ngày 4-5, Công an quận (CAQ) 1, TPHCM cho biết, thời gian qua các đối tượng lừa đảo bằng công nghệ (CN) thường nhắm vào người dân, như "nâng cấp sim điện thoại", giả nhân viên ngân hàng (NVNH), chuyển khoản nhầm… Bên cạnh đó, ngành Điện lực (ĐL) quản lý 21 tỉnh, thành phía Nam cũng lên tiếng về tình trạng giả dạng lừa đảo khách hàng (KH) với chiêu "chăm sóc".

Cả tin mất hàng trăm triệu đồng

Trước vấn nạn lừa đảo bằng CN diễn ra khắp nơi, người dân cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không tin vào những lời mời làm cộng tác viên lương cao, làm vệc tại nhà, hay bị dọa rằng cơ quan chức năng đang tiến hành các vụ điều tra... khiến một số người nhẹ dạ cả tin mất tiền thật. Chiều 4-5, CAQ1, TPHCM cho biết, các đối tượng giở trò nâng cấp sim để lừa đảo chiếm đoạt tài sản (LĐCĐTS) trong các tài khoản (TK).

Một số vụ việc điển hình xảy ra tại quận 1: chị H. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại (ĐT) 02899991115 tự xưng nhân viên (NV) Công ty Mobifone hỗ trợ nâng cấp sim 2G lên 4G. Khi người phụ nữ này cung cấp mã OTP thì phát hiện sim số ĐT 0909517... của mình không còn hoạt động được, đồng thời hộp thư điện tử thông báo TK của chị mở tại Vietcombank chi nhánh Sài Gòn vừa chuyển 12.500.000 đồng vào TK mang tên "Nguyen Thi Ngan". Chị H. đã đến Cơ quan CSĐT - CAQ1 trình báo.

Trường hợp chị G. nhận được cuộc gọi từ số 02899991115 tự xưng NV Công ty Mobifone hỗ trợ nâng cấp sim 3G lên 4G. Khi người phụ nữ này cung cấp mã OTP thì phát hiện sim số 0933245...của chị không còn hoạt động được. Sau đó, chị G liên hệ Vietcombank chi nhánh TPHCM thì phát hiện tiền trong 2 TK (tiền đồng và USD) của chị mở tại đây đã bị chuyển đi tổng cộng 287.550.000 đồng.

Từ những vụ giả NV nhà mạng, nâng cấp sim ĐT, chiếm đoạt mật khẩu trên, CAQ1 cảnh báo: Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là "giả danh NV của các nhà mạng gọi điện tư vấn, đề nghị nâng cấp sim ĐT từ 3G lên 4G, để sử dụng dịch vụ tốt hơn hoặc hỗ trợ giải quyết sự cố". Khi bị hại (BH) đồng ý thì đối tượng yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và tự đăng nhập vào đường link (do đối tượng cung cấp), tin nhắn hoặc tải các ứng dụng theo hướng dẫn.

Từ đây, vô tình BH đã cung cấp thông tin và bị đối tượng chiếm quyền sử dụng sim ĐT này. Sau đó, đối tượng sử dụng sim ĐT nhắn tin đến các NH (mà BH dùng sim bị chiếm đoạt để đăng ký giao dịch InternetBanking) để lấy mã OTP và chuyển tiền đến các TK khác rồi chiếm đoạt.

Trước thực trạng này, thời gian qua Ban chỉ huy CAQ1, TPHCM đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ và CA 10 phường tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như thông qua các cuộc họp tổ dân phố thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt sim và đưa ra biện pháp phòng ngừa; ngoài ra tổ chức in và phát các tờ rơi tuyên truyền bằng infographic đến tận tay người dân, đặc biệt là tuyên truyền qua các trang tin, fanpage CAQ, các hội nhóm qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber... tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết để nâng cao cảnh giác.

Công an quận 1, TPHCM cảnh báo người dân về các thủ đoạn lừa đảo

Để bảo vệ tài sản của chính mình, người dân không thực hiện các yêu cầu theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho người lạ khi chưa xác thực được nội dung; không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); đồng thời thường xuyên tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện.

Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo cần liên hệ ngay với cơ quan CA nơi gần nhất, đồng thời thông báo ngay qua đường dây nóng hoặc Tổng đài (TĐ) hỗ trợ KH của nhà mạng, của NH và ví điện tử đang sử dụng dịch vụ để được hỗ trợ kịp thời.

Lừa qua các dịch vụ ngân hàng

Cũng theo CAQ1, kiểu LĐCĐTS qua sử dụng các dịch vụ ngân hàng (NH) hết sức tinh vi, cần nâng cao cảnh giác. Thủ đoạn của bọn xấu là mạo danh NVNH, chuyển khoản một số tiền nhỏ vào TK của nạn nhân. Sau đó, chúng mạo danh NVNH gọi điện hoặc nhắn tin đến KH vừa nhận được chuyển khoản, dùng cả logo, thương hiệu NH giả mạo và thông báo giao dịch bị treo, thông báo TK của KH cũng đang có dấu hiệu hoạt động bất thường, như đang bị trừ phí. Để kiểm tra giao dịch, KH làm theo hướng dẫn nhấn vào đường link giả mạo để cung cấp thông tin xác thực.

Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo cũng giới thiệu các gói vay NH với lãi suất ưu đãi, rồi hướng dẫn nộp 1 khoản phí để được hưởng ưu đãi. Thực chất, khi người vay nộp phí liền bị chúng chiếm đoạt mà không hề có gói vay dịch vụ ưu đãi nào hết.

Các đối tượng lừa đảo cũng lập các trang web giả mạo để tiếp nhận, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ NH nhằm thu thập thông tin, lịch sử và TK của KH để phục vụ cho việc lừa đảo, gian lận. Cũng qua việc thu thập tài liệu cá nhân, chúng mạo danh NV với những chiêu trò lừa đảo như trên.

Tổng đài chăm sóc khách hàng giả mạo

Một trong những chiêu lừa mới nhất hiện nay là tình trạng giả mạo Tổng đài chăm sóc khách hàng (TĐCSKH) của ngành ĐL để LĐCĐTS. Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), hiện chỉ có 2 đầu số duy nhất là 19001006 hoặc 19009000, trang web chăm sóc KH https://cskh.evnspc.vn/và các kênh ứng dụng App/Zalo CSKH EVNSPC thuộc Trung tâm chăm sóc KH của EVNSPC, phục vụ KH sử dụng điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam.

Tuy nhiên, hiện trên mạng xã hội, một số trang web xuất hiện các số ĐT mạo danh TĐCSKH ngành Điện, tiếp nhận và trả lời các thông tin về ngành để trục lợi phí cước của KH sử dụng điện, làm nhiễu loạn thông tin, ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín của ngành điện.

Cụ thể, xuất hiện các số điện thoại 19006592, 19000184, 1900299202 và trang webwww.chamsockhachhang/dien-luc-long-an/ mạo danh Tổng đài Điện lực Long An để trục lợi phí cước của KH sử dụng điện tại tỉnh này. Khi gọi đến các số ĐT giả mạo trên, KH sẽ bị tính cước phí rất cao mà không được giải đáp thông tin hoặc giải quyết kịp thời các yêu cầu về điện.

Khách hàng tuyệt đối không nên gọi đến bất kỳ số ĐT nào khác ngoài 2 số của EVNSPC. Ngoài ra, EVNSPC cũng không cho phép hay ủy quyền cho bất kỳ tổ chức, đơn vị, cá nhân nào thực hiện chức năng chăm sóc KH của ngành ĐL miền Nam.

Trước đó, trong năm 2020-2021 EVNSPC triển khai dán decal giới thiệu, nhận biết số TĐCSKH 19001006 - 19009000 tại từng nhà KH với số lượng 7,2 triệu tờ decal nhằm mục đích cung cấp số ĐT để KH liên hệ khi có bất cứ yêu cầu về dịch vụ điện, đồng thời cảnh giác KH về số ĐT giả mạo ngành Điện.

Bình luận (0)

Lên đầu trang