(CATP) Trong loạt bài về “Ngàn lẻ một kiểu lừa đảo bằng công nghệ” đăng trên Báo Công an TPHCM, nhiều nạn nhân, bạn đọc liên tục phản ánh về một kiểu lừa đảo rất mới và tinh vi qua các ứng dụng công nghệ. Trong đó, nhiều người nhận được những lời mời chào ấn tượng về “việc nhẹ, mà lương cao”. Nhưng sự thật lại không như vậy, bọn lừa đảo đang đánh vào tâm lý người lao động “khát” việc làm, muốn có thu nhập…
NHẮM ĐẾN NHIỀU NGƯỜI
Vừa qua, khá nhiều người sử dụng thiết bị di động, máy tính… tại TPHCM nhận được hàng loạt tin nhắn mang nội dung na ná như nhau. Anh C.H (ngụ quận 3) phản ánh, gần đây có nhều tin nhắn kiểu như mời chào với nội dung rất kêu, như “Xin chào, bạn có muốn tìm công việc bán thời gian không? Với mức lương 5 triệu - 30 triệu 1 tháng, mỗi ngày ít nhất 500k không phí phụ thu. Công việc đơn giản, làm tại nhà. Nếu bạn muốn tham gia với công việc này xin hãy liên hệ ngay với Zalo ID: 849027xxxxx dưới 23t (23 tuổi) xin vui lòng không tham gia. Sao chép liên kết vào trình duyệt: https://zalo.me/849027xxxxx 1 đến 1 dịch vụ”.
Loại tin nhắn này đa số đều mang nội dung như nhau, chỉ khác nhau ở số điện thoại để liên hệ qua Zalo. Thử liên hệ với một số điện thoại từ tin nhắn nêu trên thì được giới thiệu là nhân viên tư vấn khách hàng của một tập đoàn hiện đang sở hữu lượng khách rất lớn, trên nhiều lĩnh vực về sàn điện tử. Nhân viên này cho biết, trong năm nay để phát triển cho ứng dụng mới phát hành, tập đoàn này đã tổ chức sự kiện chạy về lưu lượng khách hàng truy cập và giao dịch trên nền tảng sắp phát hành. Công việc của người tham gia sẽ là tải ứng dụng của tập đoàn trên và đăng ký tài khoản để giúp nhà phát hành tăng lượng đăng ký. Sau đó, hằng ngày sẽ được tham gia nhận nhiệm vụ của nhà phát hành với mức hoa hồng hấp dẫn trong suốt quá trình sự kiện diễn ra.
Nếu khách hàng sập bẫy, thực hiện theo các bước chỉ dẫn, như khách hàng phải mua một gói nhiệm vụ có giá trị là 150.000 đồng, 300.000 đồng hay 500.000 đồng, tương ứng lần lượt với gói “Nhiệm vụ A” khi hoàn thành sẽ rút được tiền ở mức 220.000 đồng. “Nhiệm vụ B” khi hoàn thành sẽ rút được tiền ở mức 400.000 đồng và “Nhiệm vụ C” khi hoàn thành rút được 650.000 đồng. Một người có thể nhận ba lượt làm nhiệm vụ trong một ngày. Nhưng làm xong lượt nào thì rút lượt đó và nhận nhiệm vụ tiếp theo thì nạp tiếp và làm trong suốt quá trình diễn ra. Kiểu lừa cứ tiếp diễn nhiều “nhiệm vụ”, như nạp 500.000 đồng để thực hiện thì thu về là 650.000 đồng, mức lãi kiếm được là 150.000 đồng. Mà mỗi ngày làm cả 3 nhiệm vụ, thì mỗi người “làm ra” 450.000 đồng, vậy một tháng kiếm cũng được hơn chục triệu đồng… rất dễ. Nhưng đó là lời rêu rao câu “nạn nhân” sập bẫy, chứ nạp tiền rồi thực hiện nhiệm vụ là mất từ ít cho đến nhiều tiền.
Các tin nhắn, trang mạng
lừa đảo gửi rất nhiều đến mọi người
NGƯỜI TRONG CUỘC LÊN TIẾNG
Nhiều người đã nhận được phản ánh về những thông tin tuyển dụng liên quan đến người mạo nhận là nhân viên Tiki. Các nhóm đối tượng này liên hệ ứng viên thông qua số điện thoại, email, thậm chí qua trang fanpage mạo danh Tiki để mời tham gia làm cộng tác viên đặt đơn hàng nâng cao khối lượng giao dịch, làm việc online trên điện thoại, đầu tư hợp tác…
Đi kèm với “lời mời” ngon ngọt ấy, bọn lừa đảo yêu cầu người tham gia phải đóng một mức phí. Ngoài ra, bọn xấu còn sử dụng nhiều trang mạng lấy hình ảnh và mạo danh Tiki, như Tiki Agency I, II, III, IV, Tiki VIP 2022, Tiki Asia… Chiều 27-4, Báo Công an TPHCM liên hệ với Tiki và được biết, về kiểu lừa đảo này Tiki đã nhiều lần đưa ra cảnh báo trên các thông tin truyền thông đại chúng, cũng như trên các kênh truyền thông chính thống thuộc sở hữu của Tiki. Một lần nữa, Tiki khẳng định: “Không có hình thức tuyển cộng tác viên đặt đơn hàng để nâng cao thứ hạng nhà bán, chia sẻ hoa hồng, kêu gọi đầu tư hợp tác… Các trang thông tin trên không liên quan đến Tiki. Các cá nhân tuyển dụng này không phải nhân viên Tiki, và không có mối liên hệ nào với Tiki”.
Cũng theo Tiki, những thông tin nhắn đến nhiều người, đây hoàn toàn là hình thức mạo danh “Sàn thương mại điện tử” để lừa đảo và lợi dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Trường hợp khi liên hệ với các đối tác, nhà bán, khách hàng và ứng viên; thì Tiki sẽ làm việc trực tiếp qua email có tên miền @tiki.vn hoặc gọi điện từ số tổng đài điện thoại đã đăng ký thương hiệu Tiki. Tiki lưu ý rằng, các nhà tuyển dụng của Tiki khi liên hệ với ứng viên, dù với hình thức tin nhắn, cuộc gọi hay qua email, sẽ không bao giờ yêu cầu đóng phí đăng ký, yêu cầu mua hàng hoặc cung cấp chi tiết thông tin ngân hàng.
Theo đó, sau giãn cách, nhu cầu xin việc của người dân ngày một tăng cao với mục đích cải thiện thu nhập. Vì vậy nhiều kẻ lừa đảo đã giả mạo nhân viên các doanh nghiệp để đưa ra những lời mời tuyển dụng hấp dẫn. Do đó, một lần nữa Tiki khuyến khích khách hàng nên thận trọng với tất cả các nội dung, bài đăng tuyển dụng có yêu cầu để lại thông tin cá nhân, đóng phí, đặt cọc nhận thưởng... mà không thông qua các tài khoản và kênh thông tin chính thức của Tiki.
Nếu khách hàng nhận được những liên lạc đáng ngờ, hoặc có dấu hiệu lừa đảo mời làm việc thay mặt Tiki, cần liên hệ báo cáo thông tin cho cơ quan công an gần nhất, hay các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để xem xét xử lý. Hiện những vụ việc mạo danh Tiki nhằm lừa đảo khách hàng, đơn vị này đã trình báo với cơ quan công an để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.