TPHCM: Khám phá mạng lưới chuyên lừa đảo bằng công nghệ cao

Chủ Nhật, 01/01/2023 20:59  | Kim Ngọc

|

(CATP) Với thủ đoạn giả danh chuyên viên tư vấn của công ty chứng khoán, nhân viên ngân hàng… để dụ dỗ người dân tham gia đầu tư cổ phiếu "ảo" hoặc vay tiền qua "app" rồi yêu cầu họ chuyển tiền đầu tư, đóng các loại phí… vào các tài khoản ngân hàng mua trái phép từ trước, sau đó các đối tượng chiếm đoạt số tiền này. Với hệ thống "chân rết" nhiều tầng, đặt ở nhiều nơi, chỉ trong thời gian ngắn, mạng lưới lừa đảo xuyên quốc gia này đã chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

LỪA NHỮNG NGƯỜI NHẸ DẠ CẢ TIN

Trung tuần tháng 11 và đầu tháng 12-2022, Công an Q.Bình Thạnh (TPHCM) liên tiếp nhận nhiều đơn tố cáo của các nạn nhân về việc tham gia vay tiền qua "app", mua bán hàng hóa..., với số tiền bị chiếm đoạt từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Ngày 09-11-2022, anh N.H.H (SN 2000, ngụ P.Phú Mỹ, Q7) tải "app" Việt Credit (không rõ nguồn gốc) để vay 30 triệu đồng, được đối tượng xưng tên Việt (nhân viên của Việt Credit) kết nối qua ứng dụng Zalo rồi gọi điện, nhắn tin hướng dẫn kê khai hồ sơ cá nhân. Việt bảo anh H. chuyển phí vay 9 triệu đồng vào tài khoản của Trần Kim Hồng mở tại Ngân hàng VIB. Khi anh H. chuyển tiền xong, Việt bảo phải chuyển thêm 9 triệu đồng do khách... bấm sai cú pháp (!). Sau đó, đối tượng yêu cầu anh H. chuyển thêm 19,5 triệu đồng. Do không được giải ngân sau đó, biết sập bẫy lừa, nạn nhân đến cơ quan công an trình báo.

Cùng cảnh ngộ, chiều 13-11-2022, chị T.B.C (SN 1998, ngụ P5Q.Bình Thạnh) nhận cuộc gọi của đối tượng xưng tên Khải (nhân viên chăm sóc khách hàng của một ngân hàng) cho biết hồ sơ vay 40 triệu đồng của chị đã được duyệt giải ngân. Khải hướng dẫn chị C. tải ứng dụng Telegram để hướng dẫn cách nhận tiền và cung cấp một "link" website. Khi chị C. đăng nhập vào website có giao diện giống như giao diện của ngân hàng trên, thấy hiện thông báo đã được phê duyệt khoản vay. Khải còn gửi cho chị này xem hình chụp 2 mặt thẻ CCCD thể hiện chị từng đăng ký khoản vay. Tưởng thật, chị C. đã chuyển phí 6 lần đến tài khoản ngân hàng mang tên Lê Nhật Duy, với tổng số tiền gần 53 triệu đồng.

Ngày 04-12-2022, ông L.Q.N (ngụ P11Q.Bình Thạnh) cũng bị lừa chuyển khoản, đóng phí 29,7 triệu đồng gửi đến số tài khoản đứng tên "Bao Duy", khi đăng ký vay tiền qua "app" của một ngân hàng "ảo" khác.

Chị N.N.H cũng chuyển khoản vào tài khoản đứng tên "Bao Duy" mở tại Ngân hàng ACB. Theo chị này trình báo, ngày 06-12-2022, chị được một đối tượng làm quen qua mạng xã hội Facebook, lừa tuyển dụng làm việc cho Công ty Lazada. Sau đó, đối tượng cung cấp cho chị mã CTV 2683, "link" sản phẩm để đặt mua và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau nhiều lần chị này đặt mua, chuyển tiền, được hưởng hoa hồng từ 8-12%, đã bị đối tượng chiếm đoạt tổng cộng khoảng 470 triệu đồng.

Lực lượng Công an khám xét các cơ sở của đường dây lừa đảo qua mạng

LẦN TỪNG "MẮT XÍCH"

Xác định đây là những đường dây chuyên lừa đảo qua mạng, Ban Chỉ huy Công an Q.Bình Thạnh xác lập chuyên án đấu tranh. Ngày 16-12-2022, với sự hợp tác của ngân hàng, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an Q.Bình Thạnh mời Lê Nhật Duy về trụ sở làm việc. Tại đây, Duy khai đã đăng ký mở 4 tài khoản ngân hàng bằng sim gắn sẵn trong ĐTDĐ của Phạm Đăng Huỳnh và Hồng Viễn Thành đưa cho. Sau đó, Duy đưa trả ĐTDĐ kèm ghi chú thông tin tài khoản, mật khẩu, mã pin của 4 tài khoản đã mở cho Huỳnh và Thành. Hai đối tượng trả công cho Duy 500 ngàn đồng/tài khoản.

Mở rộng truy xét, cơ quan điều tra mời Huỳnh và Thành đến làm việc. Hai đối tượng khai nhận thường thu mua tài khoản ngân hàng do người khác đứng tên rồi bán cho Lương Gia Tấn để hưởng chênh lệch từ 2-3 triệu đồng/tài khoản. Còn Tấn khai chỉ làm thuê cho "ông chủ X" người nước ngoài, với mức lương là 20 triệu đồng/tháng. Thời gian trước, "ông chủ X" sinh sống tại tầng 15, chung cư Terra Royal (P.Võ Thị Sáu, Q3). Hiện nay, đối tượng đã đi nơi khác. Tấn thừa nhận biết rõ những tài khoản mình bán lại cho "ông chủ X" là để sử dụng vào mục đích chuyển, nhận tiền do phạm tội mà có.

Thực hiện chỉ đạo của Đại tá Mai Hoàng (Phó Giám đốc Công an TPHCM), ngày 22-12-2022, Công an Q.Bình Thạnh phối hợp các Phòng nghiệp vụ Công an TPHCM, Công an các quận 3, 10... đồng loạt kiểm tra, khám xét 4 địa điểm "chân rết" của đường dây lừa đảo qua mạng xuyên quốc gia này, gồm: tầng 4, tòa nhà 522 Điện Biên Phủ (P11Q10), tầng 3, tòa nhà 16/72/6 Nguyễn Thiện Thuật (P2Q3), nhà số 97/5, tổ 33, KP3A (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai), tầng 2, tòa nhà TSA (P5Q.Gò Vấp), do Lương Gia Tấn, Hoàng Thị Đàn, Nguyễn Văn Thắng, Cao Văn Thoàn... thuê làm trụ sở hoạt động theo yêu cầu của "ông chủ X".

Tang vật tạm giữ gồm: 4 máy tính bàn, 3 USB, 5 modern, 108 laptop, 43 ĐTDĐ, 45 thẻ sim điện thoại..., cùng nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động lừa đảo bằng công nghệ cao. Hàng chục nhân viên làm việc tại 4 địa điểm này cũng được mời về trụ sở công an để làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng.

Kết quả điều tra ban đầu, Công an Q.Bình Thạnh xác định: Cầm đầu đường dây lừa đảo bằng công nghệ cao này là "ông chủ X" (quốc tịch nước ngoài, hiện đang bỏ trốn). Giúp sức đắc lực cho "ông chủ X" có Lương Gia Tấn, Hồng Viễn Thành, Nguyễn Văn Thắng, Hoàng Thị Đàn... cùng hàng trăm nhân viên khác. Trong số tài khoản mà "ông chủ X" mua để chuyển, nhận tiền do phạm tội mà có, có 3 tài khoản liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân là N.H.H, T.B.C, N.N.H và anh L.Q.N.

Mở rộng điều tra, cơ quan công an xác định có thêm 6 nạn nhân khác, gồm: các chị P.T.H.L (ngụ Quảng Trị) bị chiếm đoạt 50 triệu đồng, P.T.T.T (ngụ Bến Tre) 200 triệu đồng, L.T.B.T (ngụ Bình Dương) 15 triệu đồng, các anh N.Đ.P (ngụ Đắk Nông) 20 triệu đồng, P.N.T (ngụ Nam Định) 20 triệu đồng, V.C.C (ngụ An Giang) 70 triệu đồng. Sao kê 67 tài khoản ngân hàng mà "ông chủ X" đã mua, lực lượng chức năng xác định tổng số tiền giao dịch lên đến hơn 255 tỷ đồng. Chuyên án hiện đang được điều tra mở rộng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang