(CATP) Sau sự sụp đổ của ngành Công nghiệp P2P (cho vay ngang hàng), các đối tượng lừa đảo bắt đầu thay đổi "đích ngắm", hướng gian lận tiền lương xuất hiện thường xuyên hơn trong lĩnh vực tài chính. Cứ thế "vòi bạch tuộc" phạm pháp ngày càng vươn xa...
Vỏ bọc "hoàn hảo" từ bản hồ sơ xin việc
Đứng trước vành móng ngựa vào ngày 03/4 là bị cáo họ Đào (ảnh, không được nêu tên thật), một trong những thành viên của đường dây lừa đảo "thao túng lương bổng" ở hàng chục công ty, doanh nghiệp dưới vỏ bọc "cung ứng dịch vụ lao động" gây rúng động TP.Thượng Hải, Trung Quốc. Từ tháng 01/2020, chỉ trong vòng hơn 2 năm, đối tượng này đã làm giả hàng loạt văn bằng, hồ sơ với bảng thành tích "đáng nể", lọt vào vòng tuyển dụng của hàng chục công ty để lừa đảo tiền lương.
Tại tòa bị cáo này khai, để nhanh chóng được nhận vào công ty, các thành viên trong nhóm đều cam đoan với đơn vị tuyển dụng là trong vòng 2 tuần sẽ có khách đến ký đơn hàng "khủng", sau đó nhanh chóng bố trí người đóng giả khách thực hiện việc này. Về chuyên môn, các công ty lớn thường thích những ngôi trường đào tạo nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực tài chính hay xuất thân từ ngân hàng, nên nhóm của Đào đã điều chỉnh hồ sơ thành tốt nghiệp MBA hoặc EMBA và để chứng minh thực lực, bị cáo này đưa ra nguồn "tài nguyên khách hàng" dài như "sớ Táo Quân", sửa quá trình công tác thành chuyên gia ngân hàng, từng đảm nhiệm các bộ phận: nhân viên tín dụng hoặc thanh toán quốc tế đồng thời thuê người vào vai khách hàng đến ký hợp đồng cho thêm phần thuyết phục.
Bị cáo Đào thừa nhận chỉ trong vòng 1 tháng đã nộp hồ sơ làm việc tại 9 công ty, hưởng lương khoảng 30.000 nhân dân tệ (hơn 90 triệu VND).
Qua xác minh, khi bị bắt vào tháng 3 vừa qua, họ Đào đã lừa tổng cộng 31 công ty, doanh nghiệp với khoản lương thực nhận hơn 290.000 nhân dân tệ (khoảng gần 1 tỷ VND). Ngày 26/3, Tòa án quận Phố Đông Mới ở TP.Thượng Hải nhận định, vì mục đích kiếm tiền bất chính, bị cáo Đào đã ngụy tạo hồ sơ, lừa nhiều công ty với khoản tiền lương lớn, bị tuyên phạt 3 năm tù, thử thách 4 năm đồng thời phải nộp phạt 50.000 nhân dân tệ. Trong năm 2023, Viện kiểm sát quận Phố Đông Mới đã khởi tố 203 vụ kiện liên quan đến tiền lương, trong đó 178/188 đối tượng phải lãnh án.
Kiểu lừa đảo tinh vi
Thẩm phán của Tòa án Phố Đông Mới ở Thượng Hải cho rằng, hành vi "lừa đảo tiền lương" này khá tinh vi và rất khó phát hiện, bị cáo đã thông qua hành vi hoàn toàn hợp pháp là cung cấp dịch vụ lao động để được hưởng lương nhằm che giấu mục đích chiếm hữu tài sản trái phép. Trong số đối tượng bị phát hiện có nữ nhân viên từng làm ở 28 công ty trong cùng thời điểm, lãnh mức lương lên đến gần 100.000 nhân dân tệ.
Những đối tượng lừa đảo tiền lương này thuộc nhiều băng nhóm khác nhau, có khi là vợ chồng, anh em, bạn bè, đồng hương, cùng hợp tác. Do tất cả đều vì "cố kiếm chác cho đầy túi tham" nên đôi khi vì bất đồng quan điểm đã tố cáo lẫn nhau. Một công ty công nghệ cho biết ban đầu họ tuyển dụng 20 người vào làm việc, nhưng sau đó do "đãi ngộ không công bằng" nên công ty nhận được cuộc gọi nặc danh "vạch trần thủ đoạn" dẫn đến việc cả nhóm đều bị sa thải. Nhưng "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", có khi các nhân viên mới lại nằm trong đường dây của một trong những người "chân chính" vừa đứng ra tố cáo hành vi sai phạm. Cứ thế, "vòng kim cô” tiếp tục siết quanh các công ty, doanh nghiệp...
Khi Cục Công an Thượng Hải vào cuộc làm rõ những đường dây "lừa đảo lương bổng" hoạt động ở thành phố hiện đại và phát triển bậc nhất Trung Quốc này, sợ bị "sờ gáy", nhiều đối tượng gian lận vội vàng bôn tẩu để "mở rộng thị trường" ở những nơi khác bằng cách thay tên đổi họ với hồ sơ xin việc được "khoác áo mới". Để tránh rủi ro, các đường dây chuyển đích nhắm sang những công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nơi quy trình tuyển dụng lẫn chấm công còn nhiều sơ hở. Ngoài giới thiệu nhau gia nhập công ty, các đối tượng trong đường dây còn hưởng thêm phí giới thiệu nhân sự từ "hợp đồng cung ứng lao động" cùng những mức hoa hồng khác với khoản thu không nhỏ.
(Còn tiếp...)
(CATP) Từ bản lý lịch ngụy tạo một cách hoàn hảo, với trình độ học vấn, ngoại ngữ cộng thêm kinh nghiệm phỏng vấn hàng trăm lần, các nhóm lừa đảo chỉ nhắm vào lĩnh vực tiền lương đã và đang "vươn vòi" khắp Trung Quốc, tập trung ở những thành phố lớn và khu vực Đồng bằng sông Dương Tử, Châu giang. Theo cơ quan điều tra, hậu quả các đối tượng để lại vô cùng nghiêm trọng, khi nhiều lao động chân chính mất cơ hội làm việc; trong khi hàng loạt công ty, doanh nghiệp vuột những dự án lớn, uy tín bị ảnh hưởng dẫn đến phá sản.
NGUYỄN XUÂN (theo Toutiao, Sohu)