Thời gian qua, TPHCM đã có hàng chục công viên được chỉnh trang, đầu tư xây dựng mới và đưa vào khai thác. Điển hình như các công viên: Bến Bạch Đằng (Q1), Bờ sông Sài Gòn (TP.Thủ Đức), Vinhomes Central Park (Q.Bình Thạnh), Trung tâm khu dân cư Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân), Vui chơi, giải trí, ẩm thực An Sương (Q12)...
Những công viên đẹp ven sông Sài Gòn
Nằm ở vị trí đắc địa với một mặt giáp sông Sài Gòn, mặt còn lại giáp trung tâm Q1, Công viên Bến Bạch Đằng trở thành điểm đến ưa thích của người dân cùng du khách trong và ngoài nước. Trước năm 2021, Bến Bạch Đằng có một công viên nhỏ, âu thuyền, cầu cảng, ga tàu thủy, cây xanh, thảm cỏ, nhiều khẩu súng thần công và các công trình công cộng khác...Sau hơn nửa thế kỷ tồn tại, nhiều hạng mục của Bến Bạch Đằng bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Tháng 4/2021, TPHCM quyết định chỉnh trang toàn bộ Bến Bạch Đằng từ Cột cờ Thủ Ngữ đến Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son, tạo thành mảng xanh ven sông với diện tích hơn 16.000m². Dự án chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ Cột cờ Thủ Ngữ đến Cầu tàu số 2, kinh phí là 35 tỷ đồng, được thực hiện từ ngày 10/6/2021, mở cửa cho khách từ ngày 26/01/2022. Giai đoạn 2 từ Cầu tàu số 2 đến khu vực súng thần công, kinh phí là 30 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2021.
Ngày 17/3/2022, Công viên Bến Bạch Đằng được khánh thành, đưa vào sử dụng. Sau khi cải tạo, công viên có không gian rộng rãi, thoáng mát với 8.700m² đường đi bộ, sân sinh hoạt bằng đá granite, 7.000m² thảm cỏ, mảng xanh với kiến trúc chuỗi hoa sen đẹp mắt. Công viên còn được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, hệ thống chiếu sáng hiện đại, các dãy ghế đá để người dân và du khách nghỉ chân. Ban đêm có rất đông người dân đổ về công viên vui chơi, ngắm sông.
Không chỉ là điểm đến ưa thích của người dân, Công viên Gia Định còn là "lá phổi xanh" của TPHCM
Công viên Bến Bạch Đằng còn là nơi lý tưởng để người dân ngắm cảnh bắn pháo hoa vào những dịp lễ, Tết. Cuối tuần, tại công viên này còn tổ chức phiên chợ "SaiGon Central Market", bày bán nhiều loại hàng hóa, ẩm thực Việt Nam và tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thu hút người dân TPHCM và khách du lịch đến tham quan, vui chơi, mua sắm. Anh Phan Thanh Tùng (ngụ Q1) nói: "Từ ngày Công viên Bến Bạch Đằng được cải tạo, gia đình tôi thường xuyên đến đây vui chơi, ngắm cảnh. Nhiều bạn bè tôi cũng thường đến đây để "check in", chụp hình. Không chỉ tạo ra sân chơi hữu ích, công viên này còn góp phần làm cho bộ mặt khu vực trung tâm TPHCM trở nên khang trang, đẹp đẽ”.
Nằm đối diện Công viên Bến Bạch Đằng ở phía Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) có một công viên rất đẹp, đó là Công viên Bờ sông Sài Gòn, quy mô gần 200.000m2 trải dài từ cầu Ba Son đến đường hầm sông Sài Gòn. Công viên này được đưa vào hoạt động cuối năm 2023, vốn đầu tư gần 90 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Công viên có 13 hạng mục, gồm: khuôn viên sinh hoạt cộng đồng, sân sinh hoạt đa năng, chuỗi bè nổi thủy sinh, công viên đá, đài phun nước, hệ thống màn hình LED cổ động, tuyên truyền kết hợp quảng cáo, hơn 200 cây xanh, thảm cỏ, ghế ngồi, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, "cầu tình yêu", cầu tàu, đài phun nước, đường nội bộ, vườn hoa...
Nổi bật nhất tại Công viên Bờ sông Sài Gòn là "cánh đồng hoa hướng dương" rộng 5.200m2, được bố trí nhiều tiểu cảnh, cầu đi bộ, phục vụ việc tham quan, chụp ảnh, vui chơi của người dân và du khách. Chị Nguyễn Lan Anh (ngụ TP.Thủ Đức) chia sẻ: "Từ một bờ sông nhếch nhác, đầy rác rến, cỏ dại, nay trở thành công viên khang trang, hiện đại. Còn gì thích thú hơn khi giữa đô thị ồn ào lại có một công viên thoáng đãng, thân thiện với nhiều cây xanh, nhất là vườn hoa hướng dương tuyệt đẹp! Không chỉ gia đình tôi mà nhiều bạn bè, bà con... đều thích thú khi đến công viên đầy thơ mộng này".
Ngoài các công viên trên, dọc sông Sài Gòn còn có 2 công viên khác là Vinhomes Central Park và Tầm Vu (Q.Bình Thạnh) cũng được xây dựng khang trang, hiện đại, với nhiều công trình tiện ích và mảng xanh đô thị, góp phần tạo nên diện mạo mới cho sông Sài Gòn nói riêng và TPHCM nói chung.
Sau khi được cải tạo, Công viên Bến Bạch Đằng trở thành một điểm nhấn góp phần làm thay đổi bộ mặt TPHCM
"Chiếc áo mới" của công viên Gia Định
Năm 1978, UBND TPHCM giao khu đất 58 héc-ta trải rộng trên địa bàn 3 quận: Phú Nhuận, Gò Vấp và Tân Bình cho Sở Quản lý công trình công cộng để xây dựng Công viên Gia Định. Đến năm 2005, diện tích Công viên Gia Định còn khoảng 32 héc-ta.
Từ năm 2005 trở về trước, khi nhắc đến Công viên Gia Định, người ta nghĩ ngay đến "4 cái nhất" (diện tích lớn nhất, giáp nhiều quận nhất, ô nhiễm nhất và tệ nạn nhiều nhất). Các hiện tượng như: xả rác bừa bãi, bán hàng rong, trộm cắp, tệ nạn xã hội ở công viên đều được Ban quản lý Công viên Gia Định 1 và Ban quản lý Công viên Gia Định 2 ghi nhận, phản ánh với Công an Phường 3 (Q.Gò Vấp) và Công an Phường 9 (Q.Phú Nhuận). Thời kỳ đó, khu vực này trở thành "bãi đáp" của nhiều người nghiện.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của sông Sài Gòn, ngày 12/9/2023, trong Hội nghị báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Tiến sĩ Trần Ngọc Chính (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) nhấn mạnh: Sông Sài Gòn là tài nguyên đặc biệt ít nơi có, vì vậy TPHCM cần quy hoạch, khai thác lợi thế nhằm phát triển kinh tế, du lịch, phục vụ cộng đồng. Nếu quy hoạch và làm tốt thì khoảng 10 - 15 năm nữa, sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của TPHCM mà sẽ nổi tiếng trên thế giới.
Ông Lê Mạnh Khương (54 tuổi, ngụ đường Nguyễn Kiệm, Q.Gò Vấp) nhớ lại: "Hồi đó, sáng nào tôi cũng ra đây tập thể dục, nhiều lần suýt đạp phải kim tiêm bị con nghiện vứt bừa bãi dưới cỏ. Để phòng ngừa, tôi phải mang giày đế cao mới dám đi". Nhiều khu vực trong Công viên Gia Định không có đèn chiếu sáng dẫn đến tình trạng không ít phụ nữ đến đây bán dâm. Công viên còn là nơi lý tưởng cho những người đồng tính tụ tập để tìm bạn tình.
Nhằm tạo mảng xanh đô thị, xây dựng khu vui chơi, luyện tập thể dục - thể thao (TDTT) cho người dân, TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng dẹp bỏ các tệ nạn xã hội, xây dựng Công viên Gia Định khang trang, hiện đại. Từ tháng 5/2012, TPHCM xây dựng tại Công viên Gia Định một khu vui chơi cho trẻ em rộng 8.300m², với nhiều trò chơi vận động như: xích đu, thang leo mạo hiểm, vòi nước... Năm 2013, UBND TPHCM di dời Đoàn xiếc Thành phố từ Công viên 23/9 về Công viên Gia Định hoạt động cho đến nay. Những năm qua, Công viên Gia Định còn được chọn để tổ chức các hội thao, sinh hoạt Đoàn, Đội, hội chợ, hội hoa xuân... Với hệ thống cơ sở vật chất khang trang, mạng lưới cây xanh, thảm cỏ phong phú, đa dạng, Công viên Gia Định được ví là một trong những "lá phổi xanh" của TPHCM.
Để xóa bỏ nạn lấn chiếm lòng lề đường, xả rác bừa bãi, lập lại an ninh trật tự, tạo mảng xanh đô thị và khu vui chơi cho người dân, UBND Q12 đã xây dựng Công viên Vui chơi, giải trí, ẩm thực An Sương (gọi tắt là Công viên An Sương) trên khu đất bỏ trống 22 năm tại Đường DN5, P.Tân Hưng Thuận. Công viên An Sương có diện tích 53.000m2, được chia làm 2 phần. Phần rộng 33.000m2 được trồng cây xanh, thảm cỏ, lối đi bộ để người dân đi dạo, luyện tập TDTT, hội thao... Phần còn lại 20.000m2 làm khu vui chơi, giải trí, ẩm thực. Trong đó, khu ẩm thực có 190 gian hàng buôn bán đồ ăn, thức uống, khu vui chơi dành cho trẻ em, thanh thiếu niên; sân khấu có sức chứa 1.000 chỗ ngồi để tổ chức các tiết mục văn hóa, văn nghệ, chương trình tuyên truyền, tập huấn của các hội, đoàn thể...
Sau khi khai trương vào tối 22/9/2023, Công viên An Sương nhanh chóng trở thành điểm đến thú vị của người dân. Chị Lê Ngọc Hà (ngụ Q12) chia sẻ: "Trước đây, mỗi lần đi qua công viên này thì người dân địa phương bị ám ảnh bởi rác rưởi, cướp giật, tệ nạn xã hội. Nhưng từ khi chính quyền địa phương xây dựng Công viên An Sương, khu đất nhếch nhác ngày nào bây giờ được khoác lên mình "chiếc áo mới". Ngay ngày đầu công viên khai trương, các con tôi đã háo hức đến đây vui chơi. Từ khi có Công viên An Sương, người dân không còn phải cất công đến các quận trung tâm thành phố để vui chơi".
Ông Nguyễn Minh Chánh (Phó Chủ tịch UBND Q12) cho biết, Công viên An Sương không chỉ đáp ứng nhu cầu luyện tập TDTT, vui chơi, giải trí của người dân, mà còn được sử dụng để từng bước sắp xếp lại việc buôn bán hàng rong, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 600 lao động, trong đó có 45 hộ nghèo và cận nghèo.
Bên cạnh lợi ích từ các công viên mới xây dựng mang lại, TPHCM còn có không ít công viên khác bị quy hoạch "treo" trong thời gian dài, hàng trăm héc-ta đất "vàng" bị "trùm mền" hoang phí, gây bức xúc dư luận.
(Còn tiếp...)