Nâng cao vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thứ Hai, 22/04/2024 19:47

|

(CAO) Ngày 22/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc: Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã Hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Hội Truyền thông số Việt Nam…

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Việt Nam đã phủ sóng Internet trên 99,7% số thôn trên toàn quốc, riêng vùng phủ 3G-4G đã lên tới 95% dân số, đưa Việt Nam tiệm cận mức phổ cập Internet cao nhất, tương đương với những quốc gia phát triển. Đến tháng 3/2023, Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó có khoảng 2/3 trẻ em đang tiếp cận, sử dụng các thiết bị kết nối Internet.

Theo khảo sát của Google thực hiện năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 09 tuổi, trong khi độ tuổi trung bình của trẻ em trên thế giới sử dụng điện thoại di động và bắt đầu được tiếp cận về các kỹ năng an toàn mạng là 13 tuổi. Đáng chú ý, sau quá trình thích ứng với các hoạt động học tập, giải trí, kết nối trực tuyến trong đại dịch Covid-19, độ tuổi trẻ em sử dụng Internet tại Việt Nam có xu hướng giảm xuống trung bình từ 6-7 tuổi…

Trẻ em Việt Nam sử dụng Internet sớm, trong khi chưa được giáo dục, trang bị các nhận thức cơ bản về các mối nguy hại từ môi trường mạng là một nguyên nhân cơ bản đưa trẻ em trở thành mục tiêu, nạn nhân của các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Internet đã mở ra cơ hội trong việc tiếp cận thông tin, tri thức, học tập sáng tạo, phát triển bản thân, kết nối xã hội, tuy nhiên, các đối tượng xấu, các loại hình tội phạm cũng đang lợi dụng môi trường mạng để hoạt động, do đó có nhiều nguy cơ đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ em Việt Nam, bao gồm những hành vi xâm hại và các yếu tố nguy hiểm khác có thể tác động tiêu cực, gây tổn hại đến tâm lý, nhân phẩm, thậm chí là sức khỏe, tính mạng.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội nghị

Từ năm 2021 đến năm 2023, triển khai Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, lực lượng Công an cả nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tăng cường tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em và xử lý, ngăn chặn các mối nguy hại đối với trẻ em trên môi trường mạng.

Kết quả, lực lượng Công an trong cả nước đã khởi tố 484 vụ, 553 bị can về các tội “Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, “Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”, “Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi”, “Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, “Tội mua bán người dưới 16 tuổi”, “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”… Xử phạt hành chính 28 vụ, 49 chủ thể vi phạm về các hành vi thu thập, sử dụng, công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em; cung cấp, chia sẻ thông tin bạo lực học đường, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em...

Phối hợp với gia đình, nhà trường nhắc nhở, giáo dục, răn đe 76 vụ với 163 trường hợp về các hành vi chia sẻ thông tin bạo lực học đường, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trẻ em… Ngoài ra, lực lượng Công an xử lý 779 đối tượng, cá nhân thực hiện các hành vi xâm phạm quyền trẻ em, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng.

Bên cạnh công tác đấu tranh tội phạm, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, lực lượng Công an cũng đã triển khai tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn các loại thông tin độc hại đối với trẻ em. Đã ngăn chặn 30.000 trang mạng có nội dung vi phạm pháp luật, dâm ô đồi trụy, cờ bạc trực tuyến, lừa đảo, bạo lực, độc hại đối với trẻ em, thông tin trẻ em bị xâm hại tình dục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; vô hiệu hóa hàng chục nghìn liên kết có nội dung độc hại, vi phạm pháp luật…

Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về tình hình, kết quả công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề ra các giải pháp, biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt coi trọng và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Kết quả các mặt công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, giảm thiểu, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, thách thức đối với sự phát triển an toàn, lành mạnh của trẻ em – người chủ tương lai của nước nhà.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lương Tam Quang ghi nhận, biểu dương những thành tích, kết quả của Công an các đơn vị, địa phương; đánh giá cao sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội với lực lượng Công an trong thực hiện Quyết định số 830 của Thủ tướng Chính phủ thời gian qua; mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lương Tam Quang với các đại biểu tham dự Hội nghị

Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội và doanh nghiệp cùng thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, là bộ phận của công tác đảm bảo an ninh con người, góp phần quan trọng xây dựng, hình thành thế hệ công dân số tương lai đủ năng lực xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong kỷ nguyên số. Coi công tác này, trách nhiệm này như là trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ với con em của chính mình. Từ đó có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đề cao trách nhiệm, sự tập trung và hợp tác đa chiều thường xuyên, chặt chẽ trong cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trước hết là phối hợp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin, Quyết định số 830 của Thủ tướng Chính phủ. Sớm khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra tại Hội nghị, tập trung thúc đẩy 02 mục tiêu là Xây dựng, duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh và Giáo dục, hình thành thế hệ công dân số tương lai, có đạo đức, trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có năng lực tham gia và được thúc đẩy phát triển trên môi trường mạng.

Thứ trưởng Lương Tam Quang đề nghị Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm pháp luật an ninh mạng, đẩy mạnh các mặt công tác phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, ngăn chặn, đẩy lùi các thông tin xấu, độc, gắn với chủ động chuẩn bị các điều kiện đảm bảo tốt nhất các yêu cầu xác minh, truy vết đối tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; nâng cao kỹ năng điều tra thân thiện; tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang