(CATP) Khi những "cơn sốt" vàng, đá quý bùng phát đã trở thành cơ hội để các đối tượng lừa đảo và đạo chích tận dụng ra tay, từ viễn cảnh "cánh đồng kim cương" ở miền Tây nước Mỹ đến vụ lừa đảo mỏ vàng nghìn tấn lớn nhất lịch sử Canada, danh sách nạn nhân cứ dài thêm ra, trong đó giới thượng lưu luôn cảnh giác cao túi rủng rỉnh tiền cũng không ngoại lệ.
Giữa lúc kim cương trở thành "cơn sốt" kiếm tìm sục sôi ở nhiều bãi vàng nước Mỹ cuối thế kỷ XIX, lợi dụng cơ hội, chỉ với tay nải vắt vai và những lời khoác lác về viễn cảnh "cánh đồng kim cương", hai anh em nhà địa chất tự xưng đã khiến giới nhà giàu thi nhau rút hầu bao mà chẳng ngờ đã lọt vào bẫy của những kẻ đại bịp.
Chiêu độc của "anh em nhà địa chất"
Bước vào Ngân hàng California ở San Francisco, Mỹ vào mùa hè 1871 với chiếc tay nải bằng vải bạt vắt vai, người lấm lem bùn đất, 2 thanh niên cho biết là anh em họ, tên Philip Arnold (49 tuổi) và John Slack, làm nghề thăm dò địa chất, yêu cầu cho ký gửi "tài sản" vào két bảo mật, nhưng không chịu tiết lộ bên trong có gì. Sau khi thương lượng, cuối cùng khi Chủ tịch William Chapman Ralston của Ngân hàng California đích thân đến, Philip và John mới đồng ý mở ra, nhưng bắt phải giữ tuyệt mật về những gì nhìn thấy.
Thật bất ngờ, trong chiếc tay nải cáu bẩn, dính đầy bùn đất ấy lại chứa rất nhiều đá quý: ngọc lục bảo, ngọc bích, hồng ngọc... Theo lời Philip, số đá quý này 2 anh em nhặt được lúc đi thăm dò địa chất, nhưng không chịu tiết lộ địa điểm. Do tất cả đều là tài sản quý, Chủ tịch William đã yêu cầu giám định và khi được các thợ kim hoàn cho biết đó là hàng thật, lập tức phía ngân hàng đã huy động giới thượng lưu túi rủng rỉnh tiền ở miền Tây nước Mỹ đến thảo luận việc khai thác.
Chuyên gia địa chất Clarence King (trái) vạch trần hành vi lừa đảo tại "cánh đồng kim cương". Ảnh: Wyo History
Câu chuyện càng thêm hấp dẫn khi 2 "nhà địa chất" cho biết, số đá quý trong tay nải chỉ là phần nhỏ, họ đang cần nguồn tiền để khai thác cùng những cam kết về quyền lợi. Theo giao kèo, Philip - John sẽ đưa Chủ tịch William và 2 người do chính ông lựa chọn đi cùng và bị bịt mắt suốt chặng đường, sau khi chuyển 100.000 USD tiền mặt ứng trước.
Thỏa thuận được đáp ứng, nhóm 3 người lên chuyến tàu của Union Pacific, sau đó được Philip đưa lên lưng ngựa dong ruổi nhiều ngày mới tới được vùng đất hoang dã. Chiều 04/6/1872 đến nơi, nhóm đại gia tìm thấy vài viên ngọc trai cùng nhiều viên đá quý tại "cánh đồng kim cương".
Tưởng vớ được món hời, các nhà đầu tư gồm phía ngân hàng và các đại gia ở San Francisco đề xuất thành lập công ty với 50% số cổ phần thuộc về Philip John. Khi số đá quý của "anh em nhà địa chất" được thương hiệu Tiffany & Company ở TP. New York xác nhận trị giá thực lên đến hàng trăm ngàn đôla đã đập tan những "mơ hồ" còn vướng mắc trong giới đầu tư.
Sau khi họp bàn, Công ty thương mại - khai thác San Francisco & New York được thành lập với số vốn khởi điểm lên đến 10 triệu USD, có thêm những nhân vật máu mặt như Charles Tiffany - người sáng lập Tiffany & Company cùng ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 1864 George McClellan và Tướng Benjamin Butler, đội ngũ thực hiện gồm kỹ sư khai thác mỏ và những người thợ lành nghề tiến về phía Tây khi "vận may" đang chờ. Tiếp đó, hơn 20 công ty khác với tổng số vốn 200 triệu USD được thành lập, nằm rải rác ở Arizona, Colorado, New Mexico, Utah...
Đá quý chưa thu về nhưng viễn cảnh khiến các nhà đầu tư mờ mắt, bỏ qua kế hoạch chào bán cổ phiếu đồng thời gây áp lực buộc "anh em nhà địa chất" phải bán lại quyền lợi của họ với số tiền lên đến 660.000 USD. Cho đến khi phi vụ lừa đảo tinh vi bị phát hiện.
Vụ lừa đảo "trơ tráo nhất thời đại"
Đến mùa thu năm 1872, khi chuyên gia địa chất Clarence King, tốt nghiệp Đại học Yale danh tiếng, làm việc cho Chính phủ Mỹ, biết tin về "cánh đồng kim cương" đã tiến hành điều tra, do ông rất thông thuộc khu vực này, đồng thời nhấn mạnh đây chỉ là trò lừa bịp.
Đại diện nhóm đầu tư đã đến gặp Clarence tại "cánh đồng kim cương" sau bức điện tín mật do ông gửi tới. Kỹ sư địa chất này chỉ ra một số viên kim cương nằm trên mặt đất đã được mài giũa, đánh bóng, không còn chất thô như "anh em nhà địa chất" quảng cáo; trong khi tại hiện trường còn hàng loạt cái lỗ đã được khoan sâu xuống và lắp sẵn các viên kim cương giá trị thấp vào.
Khi cơ quan điều tra vào cuộc phát hiện "anh em nhà địa chất" (trong đó Philip chỉ là nhân viên học việc của 1 thợ đào vàng nổi tiếng) đã chi khoảng 50.000 USD để mua một số viên kim cương từ Nam Phi để làm "mồi nhử" những nhà đầu tư nhẹ dạ, cả tin và sau khi nhận khoản tiền thâu tóm công ty, "anh em nhà địa chất" đã "lặn không sủi tăm" trong "vụ lừa đảo trơ tráo nhất thời đại" được ghi lại.
Sau khi nhận "quả đắng" liên quan đến "cánh đồng kim cương", Chủ tịch William ngậm ngùi treo một trong những chứng chỉ cổ phiếu của công ty ở văn phòng như lời nhắc nhở về sự cả tin xuẩn ngốc của chính mình, đến mức cạn túi. Ngày 16/8/1875, Ngân hàng California buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Rời ngân hàng, ông William được tìm thấy chết do đuối nước lúc đang bơi - thói quen của ông sau khi từ chức, khiến dư luận nước Mỹ bấy giờ bàng hoàng.
(Còn tiếp...)
NGUYỄN XUÂN (Theo The Paper, Toutiao)