Công viên - những mảng "sáng" và "tối":

Bài 3: Công viên nước hoành tráng trở thành bãi đất trống

Thứ Năm, 25/04/2024 10:02

|

(CATP) Những ngày mới khai trương, Công viên nước Sài Gòn đã tạo nên "cơn sốt" trong giới trẻ TPHCM. Chị Nguyễn Ngọc Lan (nhà gần công viên này) kể vào thời đó cả thành phố chỉ có một công viên nước nên mọi người đổ xô đến vui chơi. Khách đến công viên nước nườm nượp, có lúc phải xếp hàng cả tiếng đồng hồ.

Sức hút của công viên nước "đời đầu"

Năm 1994, Công ty Dịch vụ thương mại Eden thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn liên doanh với Công ty Pegasus Leisure Ltd (British Virgin Islands) thành lập Công ty liên doanh Văn hóa - thể thao dưới nước để đầu tư xây dựng Công viên nước Sài Gòn (Saigon Water Park). Trong đó, phía nước ngoài góp 70% vốn.

Công viên nước này được xây dựng trên phần đất có diện tích 48.500m2, nằm dọc sông Sài Gòn và rạch Gò Dưa (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, nay là TP.Thủ Đức). Dự án có vốn đầu tư hơn 1 triệu USD. Sau thời gian thi công, Công viên nước Sài Gòn khai trương vào ngày 13/12/1997, trở thành công viên nước đầu tiên tại Việt Nam. Ngay khi đưa vào hoạt động, Công viên nước Sài Gòn trở thành hiện tượng đặc biệt, thu hút số lượng khách chưa từng có, dù giá vé khá cao: 60.000 đồng/người lớn và 35.000 đồng/trẻ em (cao dưới 1,1m). Đến năm 2006, giá vé tăng lên 75.000 đồng/người lớn và 50.000 đồng/trẻ em.

Một chiến dịch quảng cáo về Công viên nước Sài Gòn được tổ chức rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, với các trò chơi "cảm giác mạnh" như: trượt ống xoắn (chiều dài 70m, cao 15m), hố đen vũ trụ... Khách có thể "tắm biển" (nhân tạo) ngay tại TPHCM với hồ tạo sóng hoành tráng hay thư giãn trên "dòng sông lười". Ngoài ra, Công viên nước Sài Gòn còn có các bể bơi, sân khấu ca nhạc phục vụ khách tham quan. Không chỉ người dân TPHCM, Công viên nước Sài Gòn còn thu hút khách khắp nơi, nhất là giới trẻ và học sinh, với nhiều loại hình vui chơi, giải trí mới lạ, hấp dẫn lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Ai cũng muốn "đi chơi công viên nước" một lần cho biết.

Khối tài sản hàng trăm tỷ đồng của Công viên nước Đại Thế Giới phơi nắng, phơi sương

Công viên nước Sài Gòn cũng thu hút chúng tôi vào hè 1998! Sau khi xếp hàng dài mua vé vào cổng, chúng tôi phải chờ gần 20 phút mới được tham gia trò chơi. Đến một trò chơi khác lại tiếp tục chờ cả nửa tiếng mới tới lượt mình. Trong suốt 2 năm (1998 - 1999), chủ đầu tư "hốt bạc" khi lượng khách đến Công viên nước Sài Gòn thường xuyên quá tải. Nhưng đến giữa năm 2006, trước cổng Công viên nước Sài Gòn bất ngờ gắn một tấm biển lớn với dòng chữ "Công viên đóng cửa để bảo trì”.

Xóa công viên, xây làng biệt thự (?)

Chỉ trong thời gian ngắn, công trình đồ sộ với rất nhiều hạng mục chẳng những không được bảo trì mà dần "biến mất". Công viên nước nổi tiếng một thời âm thầm bị giải thể, trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

"Cái chết bất ngờ" của Công viên nước Sài Gòn được lý giải như sau: Xuất phát từ việc "ăn nên làm ra" của Công viên nước Sài Gòn khiến nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước dòm ngó. Không lâu sau đó, hàng loạt công viên nước lần lượt ra đời tại TPHCM, như: Vietnam Water World, Công viên nước Đầm Sen, Công viên nước Suối Tiên, Công viên nước Đại Thế Giới..., phá vỡ thế độc quyền của Công viên nước Sài Gòn, tạo sự cạnh tranh khốc liệt trong thế giới giải trí dưới nước. Một số công viên nước được đầu tư vốn lớn, khang trang hiện đại, với nhiều trò giải trí mới hấp dẫn, thu hút lượng khách lớn. Trong khi đó, Công viên nước Sài Gòn "ngủ quên trên chiến thắng", không cải tiến các trò chơi cũ, cũng không đầu tư trò chơi mới, khiến lượng khách suy giảm mạnh, dẫn đến thua lỗ ngày càng nặng nề. Cuối năm 2005, Công viên nước Sài Gòn báo thua lỗ gần 200 tỷ đồng, đến tháng 4/2006, con số này tăng lên 207 tỷ đồng...

Do thua lỗ, Công ty Eden đã rút khỏi công ty liên doanh, thay vào đó là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư kinh doanh nhà Thiên Tuyến. Theo hồ sơ, doanh nghiệp này được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 04/3/2002, với ngành nghề chính là tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Như vậy, Công ty liên doanh Văn hóa - thể thao dưới nước đã được điều chỉnh để hình thành một liên doanh mới với kế hoạch mới.

Theo một nhóm cán bộ hưu trí từng công tác tại Q.Thủ Đức cũ, việc cạnh tranh gay gắt dẫn đến thua lỗ của Công viên nước Sài Gòn là có thật, nhưng không thể gây ra "cái chết bất ngờ" để bị xóa sổ, mà Công viên nước Sài Gòn bị xóa bỏ để xây "làng biệt thự" mới là nguyên nhân chính. Dù ra thông báo "đóng cửa để bảo trì”, nhưng nhà đầu tư cho tháo dỡ cấp tốc rồi khẩn trương san lấp mặt bằng. Cuối năm 2007, toàn bộ công viên nước biến thành khu đất "sạch", tọa lạc mặt tiền đường Kha Vạn Cân, phía sau được xây bờ kè lấn rạch Gò Dưa.

Khi bắt đầu hoạt động, Công viên nước Sài Gòn đã tạo nên "cơn sốt" trong giới trẻ
Gần 5 héc-ta đất "vàng" của Công viên nước Sài Gòn bị "trùm mền"

Lấy lý do kinh doanh Công viên Văn hóa - thể thao dưới nước không mang lại hiệu quả, công ty liên doanh muốn chuyển hướng sang xây dựng nhà ở để bán và cho thuê. Từ đó, công ty đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất khu đất (50% diện tích) để xây 60 căn nhà biệt thự sân vườn. Tại Văn bản số 1940 ngày 17/11/2005, UBND Q.Thủ Đức cũ cho rằng đề xuất này phù hợp với quy hoạch chung của quận.

Công ty liên doanh tiến hành lập dự án xây dựng "làng biệt thự Vista" trên khu đất Công viên nước Sài Gòn, đã được một số cơ quan chấp thuận. Chiêu "phù phép" công viên nước thành làng biệt thự đã bị dư luận lên tiếng. Tại cuộc họp ngày 03/01/2008, UBND TPHCM không xem xét việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Công viên nước Sài Gòn. Ngay sau đó, UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo thanh tra toàn diện dự án này.

Từ kết luận thanh tra, tháng 3/2009, Văn phòng HĐND và UBND TPHCM đã có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM (lúc đó là ông Lê Hoàng Quân): "Giữ nguyên chức năng của khu công viên nước vui chơi, giải trí; không được chuyển đổi sang chức năng xây dựng nhà ở, biệt thự vườn". Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến nhiều sai phạm tại Công viên nước Sài Gòn. Cụ thể là việc Công viên nước Sài Gòn tự ý san lấp mặt bằng khi chưa được phép; việc thẩm định, quản lý tài sản nhà nước đưa vào liên doanh; việc hạch toán lỗ trong hoạt động của Công viên nước Sài Gòn để bán tài sản nhà nước cho công ty tư nhân...

Suốt 18 năm nay, gần 5 héc-ta đất "vàng" của Công viên nước Sài Gòn bị bỏ hoang, cây cối um tùm, chưa biết đến ngày nào được hồi sinh. Chị Ngọc Lan kể: "Ban đầu, khi nhìn thấy khu đất trống rộng lớn, tôi và nhiều bà con lân cận mong ước nơi đây sẽ trở thành công viên rợp bóng cây xanh để người dân tập thể dục, hóng mát, vui chơi. Sau đó, qua báo chí, tôi biết công viên nước được chuyển đổi công năng để xây làng biệt thự nhưng bất thành, do giấy phép hoạt động của Công viên nước Sài Gòn còn hơn 10 năm mới hết hạn. Công viên nước đã bị xóa sổ, khu đất ngàn tỷ bị bỏ hoang hơn 15 năm qua, thật là lãng phí tài nguyên đất đai".

Cảnh buồn thiu ở công viên nước đại thế giới

Tương tự Công viên nước Sài Gòn, Công viên nước Đại Thế Giới (tọa lạc tại số 1106 Đại lộ Võ Văn Kiệt, P6, Q5) cũng bị "đắp chiếu" sau thời gian hoạt động khá thành công. Tuy ra đời sau Công viên nước Sài Gòn nhưng Công viên nước Đại Thế Giới cũng nhanh chóng thu hút nhiều người dân TPHCM đến vui chơi. Công viên này được xây dựng trên lô đất 4.000m2, bắt đầu hoạt động từ năm 1999 với nhiều trò chơi mới mẻ, hiện đại, thu hút đông đảo người dân thành phố và các khu vực lân cận, nhất là các tỉnh Miền Đông và Miền Tây Nam Bộ mỗi dịp hè về. Chẳng bao lâu sau, TPHCM có thêm nhiều công viên nước lần lượt ra đời, nhưng Công viên nước Đại Thế Giới vẫn giữ vị thế riêng của mình.

Tuy nhiên, sau 21 năm tồn tại, đến ngày 01/01/2020, Công viên nước Đại Thế Giới bất ngờ ngừng hoạt động đến nay. Do "đắp chiếu" suốt 4 năm nay, nhiều hạng mục của công viên bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Khối tài sản hàng trăm tỷ đồng bị bỏ hoang một cách phung phí. Một cán bộ ở Q5 cho biết, trước đây, Công viên nước Đại Thế Giới do doanh nghiệp tư nhân khai thác. Khi hết hợp đồng thuê đất, doanh nghiệp này không có nhu cầu tiếp tục thuê nên công viên dừng hoạt động. UBND Q5 đang lên phương án thu hồi mặt bằng.

Ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ Q5) bức xúc nói: "Trong khi người dân thiếu chỗ vui chơi, giải trí thì một công trình đồ sộ nằm trên khu đất "vàng" ở trung tâm Q5 lại bị phơi nắng, phơi sương, không chỉ lãng phí về đất đai, tài sản mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội".

(Còn tiếp...)

Bài 2: Dự án Công viên Văn hóa Gò Vấp 23 năm còn dang dở
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang