Đô thị, bãi biển "ngập" rác
Theo thống kê, tại Cần Thơ, mỗi ngày thành phố phát sinh 650 - 700 tấn, tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt năm 2024 lên đến 226.818 tấn, vượt công suất 2 nhà máy xử lý (nhà máy Cần Thơ 400 tấn/ngày, khu xử lý Đông Thắng 100 tấn/ngày), với lượng rác thực tế tiếp nhận lần lượt là 470,3 tấn/ngày và 151 tấn/ngày.
Bốn bãi chôn lấp cũ đã ngừng hoạt động nhưng vẫn chứa lượng rác lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm. Công tác thu gom chưa đáp ứng đủ, dẫn đến rác chất đống tại các điểm tập kết tạm từ vỉa hè đường 30/4 (phường Tân An), chân cầu Hưng Lợi. Đặc biệt, sáng 10/7, trước cổng Bệnh viện Y học Cổ truyền Cần Thơ (đường 30/4), hàng loạt xe rác nối đuôi nhau chiếm cả làn đường, khiến nhân viên môi trường làm việc hết công suất vẫn không xử lý kịp.
Rác không được phân loại bốc mùi hôi thối trong thời tiết oi bức, gây khó chịu cho người tham gia giao thông và làm mất mỹ quan đô thị. Chị Tr.T.T (ngụ phường Tân An) bức xúc: "Thành phố hiện đại mà bố trí nơi để rác rất kỳ lạ, chúng tôi lo cho sức khỏe và diện mạo của đô thị trung tâm của vùng".

Bãi rác lộ thiên
Tình trạng càng nghiêm trọng tại bãi rác số 8 (phường Cái Răng, diện tích 42.943m²), nơi rác lộ thiên sau khi di dời cho dự án cao tốc Bắc Nam (chồng lấn 12.859m²) không được che chắn. Những "núi rác" cao vút bốc mùi hôi thối, bụi và túi nylon bay khắp khu dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân. Ông T.P (ngụ khu vực 1, phường Cái Răng) than phiền: "Bãi rác nằm ngay cửa ngõ thành phố, mùi hôi thối phát tán, không ai chịu nổi". Bà Tr.T.Q (cùng khu vực) nói thêm: "Mỗi khi gió mạnh, bụi và rác bay ra ngoài, môi trường xung quanh ô nhiễm nặng". Hay tại tuyến đường 40m thuộc phường Long Tuyền, chỉ đoạn ngắn chưa đầy 300m đã có 3 điểm tập kết rác nằm gần khu vực chợ Cầu Ván.
Ở tỉnh Đồng Tháp, bãi rác lộ thiên tại ấp Bình Đông (xã Vĩnh Bình) là một trong 6 bãi rác tập trung lớn của tỉnh, tiếp nhận hơn 10 lượt xe rác mỗi ngày từ nhiều địa phương. Những đống rác khổng lồ không được xử lý đúng quy định bốc mùi hôi thối nồng nặc, làm đảo lộn cuộc sống yên bình của người dân. Không chỉ vậy, nước đen từ bãi rác chảy ra ao hồ, khiến người dân không thể nuôi trồng thủy sản. Bà L.T.C.N (ngụ ấp Bình Đông) bức xúc: "Lúc đào bới rác, mùi hôi thối kinh khủng, nước đen chảy ra ao, không nuôi được gì. Dân ở đây ai cũng muốn bỏ bãi rác này".

Người dân Cà Mau sống trong cảnh ô nhiễm vì rác thải sinh hoạt
Theo thống kê sơ bộ, tại đặc khu Phú Quốc (tỉnh An Giang) có hàng chục tấn rác thải, chủ yếu là túi nylon, chai nhựa và lưới đánh cá, phủ kín 1,2km bờ biển Gành Dầu (từ cảng đến chợ), một phần do rác trôi dạt từ ngoài khơi, phần khác do người dân xả bừa bãi ngay tại khu vực nhà sàn ven biển. Một lượng lớn rác bị vùi lấp dưới cát, gây ô nhiễm nghiêm trọng và đe dọa hệ sinh thái biển phong phú của "đảo ngọc".
Ông N.H.T (ngụ địa phương) lo lắng: "Mùi hôi quanh đây lâu rồi, ảnh hưởng hình ảnh du lịch Phú Quốc, nhất là khi chuẩn bị cho APEC 2027". Còn Bà Lê Thị Ánh (cùng khu vực) cho biết: "Người dân xả rác ngay nơi họ sống, rác nhiều mà thu gom không xuể, toàn túi nylon, chai nhựa, không phân hủy được". Tình trạng này không chỉ làm suy giảm sức hút du lịch mà còn đặt ra thách thức lớn cho mục tiêu xây dựng Phú Quốc thành điểm đến xanh - sạch - đẹp trước thềm hội nghị quốc tế.
Bên cạnh rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng phản ánh rõ đặc trưng của các hoạt động kinh tế và thói quen tiêu dùng. Trong đó, túi nylon chiếm tỉ trọng lớn nhất, tiếp theo là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như hộp xốp, ly nhựa. Ngoài ra, còn có nhiều loại khác như chai pet, bao bì thực phẩm, dụng cụ đánh bắt thủy sản và vật tư nông nghiệp. Nguồn phát sinh nhựa thải cũng rất phong phú, bắt nguồn từ sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình, hoạt động buôn bán tại chợ, sản xuất nông nghiệp (bao gồm bao bì phân bón, thuốc trừ sâu), nuôi trồng thủy sản (với bao bì thức ăn, ngư cụ), cũng như từ các ngành công nghiệp và y tế.

Rác tại một số đảo ở tỉnh An Giang trong tình trạng quá tải
Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên toàn vùng, xuất hiện ngày càng nhiều các "điểm nóng". Nghiêm trọng nhất là hệ thống sông ngòi và kênh rạch, nơi thường xuyên hứng chịu việc xả rác trực tiếp từ người dân. Hình ảnh dòng sông Ngan Dừa tại tỉnh Cà Mau bị phủ kín bởi rác thải nhựa là một minh chứng điển hình cho thực trạng này. Bên cạnh đó, các bãi chôn lấp rác cũng là nguồn ô nhiễm đáng lo ngại. Phần lớn các bãi rác đều có quy mô nhỏ, không được xử lý hợp vệ sinh, dần trở thành điểm phát tán ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đất, nước và không khí xung quanh.
Hàng loạt nhà máy quá tải, đóng cửa
Tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ vừa qua, một thực trạng đáng lo ngại đã được "phơi bày": gần một triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt đang tồn đọng trên địa bàn, trong đó riêng bãi rác Đông Thắng (Cờ Đỏ) đã lên đến gần 700.000 tấn, biến nơi từng là vùng sản xuất nông nghiệp yên bình thành một "điểm nóng sinh học" có nguy cơ bùng phát ô nhiễm nghiêm trọng. Theo xác nhận của địa phương, chỉ cách đê nội đồng vỏn vẹn 0,5m, một cơn mưa lớn hoặc lượng nước rỉ rác vượt tầm kiểm soát có thể khiến hàng trăm héc-ta đất canh tác và khu dân cư lân cận ngập trong ô nhiễm.
Nhưng đó mới chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm". Cả thành phố Cần Thơ hiện còn 3 bãi rác lớn khác ở Cái Răng (162.000 tấn), Thốt Nốt (60.000 tấn) và Ô Môn (40.000 tấn) đều đang trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, 2 nhà máy xử lý rác của thành phố đang "gồng mình": nhà máy ở Thới Lai vượt công suất 25%, còn lò đốt tạm ở Đông Thắng dự kiến phải đóng cửa vào cuối năm 2025. Mỗi ngày, Cần Thơ phát sinh thêm hơn 600 tấn rác mới, nhưng không có thêm chỗ chứa khiến khối lượng rác tồn tiếp tục phình to.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở Cần Thơ. Theo ghi nhận dọc các tỉnh ĐBSCL cho thấy, toàn vùng đang quay cuồng trong bài toán rác thải, nơi nào cũng cùng chung một kịch bản: bãi rác quá tải, nhà máy xử lý chậm triển khai, công nghệ cũ kỹ và người dân ngày một bức xúc vì ô nhiễm.

Đống rác cạnh đường giao thông giữa trung tâm TP.Cần Thơ
Tại tỉnh Vĩnh Long, bãi rác An Hiệp đã được chính quyền địa phương công bố là tình huống khẩn cấp về môi trường từ năm 2023. Dù tỉnh đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý rác gần 2 năm trước, đến nay vẫn giậm chân tại chỗ vì chưa bàn giao mặt bằng. Trong khi đó, từng ngày trôi qua, rác vẫn tiếp tục đổ về bãi, nước rỉ chảy ra các tuyến nội bộ, gây ngập úng và mùi hôi dai dẳng bủa vây cả khu dân cư lân cận.
Tại tỉnh Cà Mau, tình trạng này còn đáng lo hơn. Bãi rác Tân Tạo được thiết kế chỉ hoạt động đến năm 2010 với công suất tối đa 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, suốt gần 15 năm qua, bãi rác này vẫn đang phải tiếp nhận hơn 150 tấn rác/ngày, gấp 3 lần khả năng thiết kế. Mỗi đợt mưa lớn, nước rác lại tràn về các khu dân cư gần đó, còn mùa nắng thì mùi xú uế len lỏi từng ngõ ngách khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Việc kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác tại tỉnh này đã kéo dài cả thập kỷ, đến nay vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể.
Sự việc còn khẩn cấp hơn khi nhà máy xử lý rác giữa trung tâm bất ngờ ngừng vận hành, khiến toàn bộ hệ thống thu gom rơi vào khủng hoảng. Để đối phó tạm thời, tỉnh phải cho đào gấp 2 hố chôn rác tại trung tâm của tỉnh và mở thêm 2 hố dự phòng. Đối với khu vực Năm Căn phải chuyển rác sang Ngọc Hiển, trong khi Thới Bình tận dụng bãi rác cũ ở ấp 6 để xử lý. Việc dùng các giải pháp tạm bợ, thiếu tính bền vững khiến nguy cơ ô nhiễm lan rộng là điều không thể tránh khỏi.
Tại An Giang, mỗi ngày phát sinh hơn 280 tấn rác sinh hoạt, chủ yếu ở khu vực nông thôn và các cù lao. Tỉnh có 7 cụm xử lý, nhưng chỉ duy nhất nhà máy ở Thoại Sơn được trang bị công nghệ đốt (công suất hơn 50 tấn/ngày), còn lại phần lớn rác vẫn bị chôn lấp hoặc đổ lộ thiên. Đến cuối năm 2024, bãi rác xã Kiến An buộc phải đóng cửa do quá tải. Tuy nhiên, phương án thay thế chưa có khiến các địa phương quanh đó lúng túng, rác thải ùn ứ, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tương tự, nhà máy Bãi Bổn tại đặc khu Phú Quốc đã bị thu hồi chủ trương đầu tư do không đạt yêu cầu vận hành, còn nhà máy tạm tại Đồng Cây Sao chỉ tập trung xử lý lượng rác tồn, không có khả năng giải quyết lượng rác phát sinh mới.
Tại phường trung tâm Trà Vinh và một số khu vực lân cận có 18 bãi rác và điểm trung chuyển, phát sinh khoảng 450 tấn rác mỗi ngày. Trong khi đó, nhà máy xử lý chính chỉ đạt chưa tới 50 tấn/ngày. Hai lò đốt hoạt động hết công suất nhưng vẫn không xuể, buộc địa phương phải tiếp tục chôn lấp tại bãi Sâm Bua - nơi vốn đã vượt quá giới hạn an toàn.
Bài toán rác thải giờ không thể giải quyết bằng các giải pháp tình thế mà đã trở thành cuộc "khủng hoảng" môi trường diện rộng, lan từ thành thị đến nông thôn, từ bãi biển đến đồng ruộng, đe dọa không chỉ sức khỏe cộng đồng mà còn cả sinh kế, sản xuất và hình ảnh của toàn vùng ĐBSCL.
NGUYỄN NHÂN - TRỌNG NGUYỄN