Chất lượng giảm do ấp nở công nghiệp
Hiện tượng mua bán, săn lùng những con chim săn mồi non thường nở rộ vào thời điểm xuân hè (từ tháng 2 đến tháng 5) hằng năm. Theo nhiều dân chơi chim sành sỏi, thị trường sôi động vì đây là thời điểm các "chúa tể bầu trời" bước vào giai đoạn sinh sản, nguồn cung dồi dào. Các đầu nậu mua bán chim tăng cường quảng cáo, đẩy thị trường lên cao điểm. Ở nhiều nơi và các trang mạng xã hội, việc rao bán, trao đổi, sang tay những con chim quý hiếm diễn ra rất nhộn nhịp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ cần bỏ ra từ vài trăm ngàn đến 2 - 3 triệu đồng, dân chơi dễ dàng sở hữu một con đại bàng, ưng, cú, kền kền... từ 1 - 3 tuần tuổi. Trong đó, các giống chim họ đại bàng là loại được săn đón nhiều nhất, có giá trị cả về kinh tế lẫn thể hiện được đẳng cấp vì chim có hình dáng oai vệ, sải cánh to và "ngầu". Anh Hoàng (27 tuổi, ngụ TPHCM) là đầu mối cung cấp các loại chim săn mồi ở TPHCM, cho biết: Nguồn hàng đang dồi dào, các loại chim như đại bàng đầu nâu, đại bàng đen, ưng Ấn Độ non... bắt đầu ồ ạt đổ về sau mùa sinh sản. Hầu hết nguồn hàng sỉ đều được ấp nở tại những trại chim giống ở khắp nơi, nhiều nhất là các tỉnh vùng Tây Nguyên. Khi hàng về nhiều thì khách dễ dàng lựa chọn, nhưng không vì vậy mà giá rẻ hơn do tập tính của chim đại bàng thường chỉ sinh sản mỗi năm một lần và chỉ 2 lần trong suốt vòng đời.
Mẻ chim đại bàng ưng Ấn Độ đang được rao bán giá khoảng 2 triệu đồng/con
Các "chúa tể bầu trời" được đưa đi huấn luyện
"Nếu muốn chọn được chim đẹp, giống tốt thì phải đặt cọc trước, mà giá cũng không rẻ. Còn không thì phải chọn qua mạng và mình "ship" hàng, nhưng không bảo đảm chim không có lỗi hoặc quá trình vận chuyển chim có thể bị sốc, mệt, kiệt sức..." - Anh Hoàng giải thích. Theo anh này, loài đại bàng đầu nâu đang được ưa chuộng vì sự oai vệ và độ hiếm của chúng. Tuy nhiên, giá của giống chim này không dưới 3 triệu đồng/con, thậm chí cao hơn nhiều nếu có gốc gác rõ ràng.
Hầu hết chim săn mồi từ vùng Tây Nguyên chuyển về TPHCM hiện nay đều được ấp nở trong các chuồng trại bằng đèn hoặc máy ấp, rất hiếm chim nuôi nở tự nhiên. Đối với đại bàng trưởng thành và được huấn luyện bài bản, mức giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chủng loại, số tuổi, độ "chịu chơi" của người mua. "Những con đại bàng đã đủ lông, lên dáng đẹp và được huấn luyện bài bản có thể lên tới hàng chục triệu một con. Thậm chí có tiền cũng khó mua được vì mặt hàng này chỉ sang tay từ những người chơi sành sỏi với nhau" - Anh Hoàng nói.
Chim đại bàng mái được ưa chuộng hơn vì có khả năng sinh sản, dáng to lớn hơn, trọng lượng có thể lên đến 3 - 5kg, sải cánh rộng hơn 2m khi trưởng thành. Thông tin từ những người chơi chim săn mồi cho biết, thú chơi đại bàng không còn được sính như xưa, giá đại bàng đầu nâu khá rẻ so với những giống khác cùng họ đại bàng. Trước kia, người chơi phải bỏ ra vài chục đến cả trăm triệu đồng để sở hữu những giống như đại bàng hoàng đế, đại bàng đen Malaysia nhập về.
Một dân chơi chim ở Q8 giải thích, chất lượng chim săn mồi ngày càng đi xuống do hầu hết đại bàng non từ các trại nuôi ấp nở ra. Việc chim săn mồi bị nuôi nhốt, trứng ấp nở công nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng chim non, khiến chúng mất đi các bản năng làm nên "thương hiệu" của chim săn mồi, dễ mắc các loại bệnh từ những loại gia cầm khác lây lan. Chưa kể lai tạp thì không thể xác định được nguồn gốc hoặc chính xác giống chim. Người mới chơi khó mà phân biệt các loại chim, chỉ biết tin lời người bán và nuôi theo kiểu "chết thì bỏ”. Họ huấn luyện chim săn mồi theo kiểu thú cưng, thiếu kiến thức dẫn đến chim bệnh, thậm chí chết rất nhiều.
Chim đại bàng ưng ấp nở, cân ký bán như gà!
Ngoài một số đầu nậu lớn, thị trường hiện nay có nhiều người bán nhỏ lẻ do nuôi nhốt chim ép giống, tự ấp nở... Ngay cả những người buôn bán các loại chim này cũng biết có thể gặp rắc rối trước pháp luật nên chủ yếu chọn mạng xã hội để giao dịch, chuyển khoản đủ tiền hoặc đặt cọc rồi giao chim theo xe du lịch, xe khách. Quý - chuyên mua bán giống Shika (chim ưng săn mồi) - quảng cáo: "Cửa hàng chỉ bán trên mạng, muốn mua chim gì cũng có nhưng phải gửi tiền rồi mới gửi hàng, chứ không xem trực tiếp. Chim gửi theo nhà xe uy tín, bảo đảm được an toàn nên cứ yên tâm". Quý còn cho biết, người mới tập chơi thường mua những loại như diều hâu trắng, diều lửa, chim cắt..., vì giá tương đối rẻ, có khi chỉ vài trăm ngàn đồng, lại dễ nuôi. "Thị trường hiện tại đầy rẫy kiểu người bán, nếu không biết rất dễ bị lừa. Nhiều người bỏ tiền triệu ra mua nhưng nhận về con chim ưng Ấn Độ non giá vài trăm ngàn. Nên chọn người bán uy tín để giao dịch. Còn thích "độc, lạ” thì có thể chọn chim cú, kền kền..." - Quý nói.
Đẳng cấp "đại gia"
Vài năm gần đây, các hội nhóm nuôi chim săn mồi cùng phong trào nuôi - huấn luyện các giống chim như đại bàng liên tục nở rộ. Có thể thấy đây là thú chơi tốn kém vì cần trang bị rất nhiều dụng cụ. Các loại chim săn mồi thường có móng vuốt sắc nhọn, cần găng tay da, dây buộc chân, che mắt, cân... đều có giá hàng trăm, hàng triệu đến cả chục triệu đồng (có định vị GPS) để tránh con vật mổ gây hư hỏng. Chưa kể khẩu phần ăn của các loại chim săn mồi bao gồm nhiều loại thịt sống như vịt, cút, chuột đồng... cũng khiến chi phí nuôi chim gia tăng đáng kể.
Con đại bàng đen Ấn Độ bị nuôi nhốt thiếu sự chăm sóc
Bên cạnh nhiều người chơi thực sự tâm huyết, đam mê, cũng có những hội nhóm thay nhau mua bán, săn bắt các loại chim non dẫn đến hệ lụy khó lường. Việc nuôi chim săn mồi khiến người chơi mất trung bình từ 1 - 2 tiếng mỗi ngày để chăm sóc, tắm và cho chim ăn, chưa kể thời gian bỏ ra để tập "qua tay", giúp con vật tập bay và giữ được bản năng săn bắt. "Nhiều người sau khi mua chim về đã không lường trước được công sức phải bỏ ra, dẫn đến việc bỏ con vật "tự sinh, tự diệt" hoặc nhốt trong lồng rồi cho ăn giun dế như chim cảnh" - Anh Phong, người chơi chim săn mồi lâu năm, chia sẻ - "Đó cũng là thực trạng đang diễn ra khi nhiều người chỉ chơi theo phong trào, học theo bạn bè nhưng không thực sự đam mê. Cứ nhìn trên mạng mỗi ngày là thấy có hàng chục người vào hỏi những biểu hiện của chim như bị ủ rũ, rụng lông, chân đơ không đứng được... là bị bệnh gì, làm sao chữa, trong khi đó đều là những loại bệnh cơ bản do thiếu canxi, cảm lạnh hay thiếu phơi nắng".
Còn anh Dũng (27 tuổi, ngụ H.Bình Chánh) cho biết đã từng nuôi nhốt một con đại bàng ưng như chim cảnh. Anh kể: "Mua về được vài tuần thì chán, nhưng bán lại thì không ai mua do thiếu chăm sóc, chim không được đẹp và không được tập tành bài bản để đi săn. Mình vẫn cho ăn đàng hoàng, nhưng sau hơn một tháng thì chim ăn nhầm thịt chuột dính bã nên cũng chết". Cùng tình cảnh như anh Dũng là nhiều thanh niên khác chơi theo phong trào, sau thời gian ngắn phải đem cho, đem thả chim ở các bãi đất trống hoặc những bờ sông nhiều cây cối, bụi rậm, dù biết con vật bị nuôi nhốt từ nhỏ thì bản năng săn mồi sẽ rất kém.
- Hầu hết các loài chim săn mồi đều nằm trong Phụ lục II của Công ước CITES, phải có giấy phép nhập khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES cấp (trường hợp nhập khẩu) hoặc các giấy tờ khác chứng minh nguồn gốc hợp pháp (trường hợp mua, bán trong nước). Các hành vi rao bán, nuôi nhốt trái phép chim săn mồi là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính tối đa là 400 triệu đồng (theo Điều 21, Điều 23 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP), thậm chí có thể bị xử lý hình sự tối đa 15 năm tù đối với cá nhân (theo Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Đại bàng đầu nâu (imperial eagle) là loài chim săn mồi lớn, dài từ 68 - 90cm, sải cánh có thể rộng hơn 2m, trọng lượng có thể lên đến gần 4,5kg. Bộ lông của chim trưởng thành phần lớn có màu nâu đen, đầu và cổ màu vàng da bò. Chim non có màu cát nâu nhạt, với lông cánh và đuôi có màu tối tương phản. Tại Việt Nam, có thể quan sát được loài này ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong mùa chim di cư. Hiện tại, số lượng đại bàng đầu nâu trên toàn cầu đang sụt giảm nghiêm trọng do nạn săn bắn trái phép, mất môi trường sống, thiếu hụt và ngộ độc thức ăn. Cấp độ bảo tồn của loài này theo Sách Đỏ của IUCN ở mức sắp nguy cấp (VU).