Nhiều người còn coi săn bắt chim hoang dã là nghề mưu sinh
Tiến sĩ Dương Văn Ni - chuyên gia về đa dạng sinh học ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Chủ tịch Quỹ hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn ĐBSCL (MCF) - cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sản lượng chim trời bị suy giảm, như: canh tác nông nghiệp khiến các loài chim trời thiếu nguồn thức ăn, hệ sinh thái cây xanh không còn (ở đồng ruộng, vườn tược), săn bắt bằng ngư cụ hoặc dùng thuốc, chưa có chương trình giáo dục thực tế để nâng cao ý thức của thế hệ trẻ…
Tiến sĩ Ni nhấn mạnh: “Nhiều người dân coi săn bắt chim hoang dã là một nghề mưu sinh, kiếm sống. Rất nhiều người nghĩ rằng “chim trời, cá nước” đó là của trời cho, cho nên bất cứ ai cũng có quyền bắt, bẫy chim. Trước đây chim trời còn nhiều thì dễ chấp nhận, chứ suy giảm như hiện nay thì cần phải thay đổi. Thời gian qua, hệ thống pháp luật về ngăn chặn việc săn bắt đã có nhưng việc quản lý, thực thi còn lỏng lẻo”.
Người dân mua bán chim hoang dã ở TP.Châu Đốc, tỉnh
An Giang.
Theo tiến sĩ Ni, về phía ngành giáo dục cần có các chương trình tuyên truyền về bảo vệ chim hoang dã, di cư được lồng ghép vào chương trình học. Bởi học sinh có vai trò rất quan trọng, các em là thế hệ trẻ, là những nhà quản lý tương lai của đất nước. Nếu các em nhận thức được mức độ cấp bách của vấn đề bảo tồn và cùng tham gia vào ngăn chặn, đẩy lùi hành vi săn bắt, công tác bảo tồn sẽ đạt được những kết quả tốt. Ngoài ra cần thay đổi tập quán dùng các loại chim trời để chế biến các món ăn, thậm chí ngâm rượu...
Cần nghiên cứu việc bảo tồn đa dạng sinh học trên đất tư nhân
Tương tự, với góc nhìn chuyên gia, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nguyên cứu độc lập hệ sinh thái vùng ĐBSCL - cho rằng: Việc người dân giải cứu, nuôi nấng chim cò và động vật hoang dã thật đáng trân trọng. Trong bối cảnh mà chim cò, tôm, cá, rùa, rắn, động vật hoang dã ĐBSCL còn rất ít, đang có nguy cơ mất hết thì việc làm này của người dân cần được khuyến khích.
Có thể thấy đa số người làm công việc giải cứu và nuôi dưỡng chim cò đều là người dân bình thường, thậm chí cuộc sống khó khăn, tự dùng sức mình và tấm lòng mà làm thì khó có thể bền vững. Do đó, việc làm của họ cần được sự nhìn nhận và có sự hỗ trợ của chính quyền và xã hội.
Cụ thể, đối với những người nghèo mưu sinh bằng nghề buôn bán động vật hoang dã cần được nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và nên được hỗ trợ để chuyển đổi sinh kế sang nghề khác. Với những người tự xây dựng cơ sở để giải cứu động vật hoang dã cần được hỗ trợ thành lập quỹ chính thức cho việc này để xã hội có thể đóng góp.
Đối với những người dành hẳn đất đai của mình để gìn giữ chim trời thì chính quyền và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên có thể nghĩ tới việc hỗ trợ để họ tiếp tục thực hiện dưới hình thức “bảo tồn đa dạng sinh học trên đất tư nhân”. Hiện nay ở các quốc gia khác, nhất là Hoa Kỳ hình thức bảo tồn trên đất tư nhân rất phổ biến, nhưng Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về việc này.
Điều quan trọng để duy trì hình thức bảo tồn đa dạng sinh học trên đất tư nhân là cần phải có sự công nhận về pháp lý cho hình thức bảo tồn này để họ có thể nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức bảo tồn. Ngoài ra, người dân cũng có thể nghĩ đến việc làm du lịch sinh thái tạo thu nhập để duy trì bảo tồn.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện còn nhấn mạnh: “Nguyên nhân sâu xa nhất của việc suy giảm đa dạng sinh học ở ĐBSCL là sự mất sinh cảnh, nơi sinh sống cho động vật hoang dã do ô nhiễm môi trường và do phát triển nông nghiệp. Trong một thời gian dài, nền nông nghiệp ĐBSCL chạy theo số lượng và năng suất, sử dụng nhiều biện pháp công trình, đê bao khép kín, chống lũ, ngăn mặn mở rộng diện tích canh tác và đẩy mạnh thâm canh, sử dụng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu làm cho chim cò, tôm cá mất đi nơi sinh sống.
Hiện nay, với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120 của Chính phủ, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL, và Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, nền nông nghiệp ĐBSCL đang có sự chuyển mình từ số lượng sang chất lượng. Điều này mang lại hy vọng là môi trường đất đai sông ngòi ĐBSCL sẽ được phục hồi, cá tôm, chim cò, động vật hoang dã sẽ có được nơi sinh sống”.
Mất những khoảnh khắc đẹp để quảng bá quê hương, đất nước
Chim trời bị săn bắt quá mức khiến đề tài và không gian sáng tác bị thu hẹp, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Kim Luận (ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: Việc săn bắt, tận diệt chim trời không chỉ ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học, đa dạng loài nói riêng mà còn làm mất đi những chất liệu sáng tác nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ nói chung, nhiếp ảnh nói riêng.
“Trước đây, ở các vùng quê, cánh đồng lúa chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều đàn chim thiên nhiên rất đẹp. Đó là chất liệu, là cảm hứng để nhiếp ảnh như chúng tôi bấm máy, ghi lại những khoảnh khắc đẹp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước mình đến nhiều người. Nhưng giờ những khoảnh khắc đó gần như không còn, giờ muốn chụp được những tấm hình về chim, cò trong thiên nhiên, anh, em chúng tôi phải đến các Trung tâm bảo tồn, khu du lịch sinh thái được bảo vệ nghiêm ngặt như: Trà Sư, Tràm Chim,…”, nhiếp ảnh Luận chia sẻ.
Nhà nhiếp ảnh Trần Kim Luận.
Ngoài ra theo ông Luận, các nhà nhiếp ảnh với những ống kính phóng đại có thể soi rõ từng vết thương, chụp lại chúng làm bằng chứng báo cáo cho các cơ quan chức năng, hoặc chụp lại vẻ đẹp của các loài chim, để mọi người cảm thấy yêu thương, trân trọng chúng và cảm thấy tiếc nuối khi bầu trời vắng bóng chim trời.
Số vụ vi phạm phát hiện, xử lý còn ít
Nhìn nhận về góc độ pháp lý, luật sư Lê Hùng Tuấn (An Giang) cho rằng: Nhìn tổng quan, quy định pháp luật về động vật hoang dã đã khá nhiều nhưng vi phạm nghiêm trọng vẫn xảy ra mà số vụ phát hiện, xử lý còn ít.
Luật sư Lê Hùng Tuấn.
Nguyên nhân có thể chỉ ra: công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời nên số vụ phát hiện, xử lý còn ít và khó khăn. Hơn nữa, người dân chỉ biết săn bắt, mua bán các loài nguy cấp, quý, hiếm thì mới xử lý hình sự, còn các loài nằm ngoài “sách đỏ” chỉ xem xét xử lý hành chính nên vẫn cố tình vi phạm.
Ngoài ra luật sư Tuấn cũng góp ý: “Để việc bảo tồn các loài chim trời đạt hiệu quả cao, bà con địa phương là lực lượng quan trọng bậc nhất. Họ là đông đảo “tai mắt” của cơ quan chức năng, giám sát mọi hành vi săn bắt, buôn bán trái phép chim hoang dã, chim di cư diễn ra để can thiệp đầu tiên”.
Bảo vệ các loài chim trời là trách nhiệm, công việc chung
Trong khi đó nhà báo Phan Đình Hưng – Trưởng văn phòng đại diện Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam tại ĐBSCL - cho rằng: Bảo vệ các loài chim trời không phải là công việc của riêng các nhà khoa học, nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, kể cả báo chí. Bởi cơ quan ngôn luận có vai trò phản ánh sự thật, phân tích, tìm lối ra cho vấn đề. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng một cách có trách nhiệm để xử lý triệt để các vụ việc.
(CATP) Nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, mua bán chim trời rầm rộ, các địa phương đã tăng cường tần suất kiểm tra, thành lập các đội tuần tra lưu động, thậm chí là lên phương án đóng cửa các điểm kinh doanh lén lút...