Khôi phục làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Thứ Ba, 07/03/2023 17:03  | Hồng Cường

|

(CATP) Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hiện đang có nguy cơ bị mai một. Một làng nghề có tuổi đời gần trăm năm hiện đang oằn mình trong suy thoái kinh tế và sự hiện đại hoá trong cái nhìn thẫm mỹ.

Những người thợ say nghề

Tôi ghé làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp một ngày đầu tháng 3. Bên trong các ngôi nhà nhỏ, những người thợ sơn mài đang miệt mài với sơn, cọ. "Trước đây gần như cả làng theo cái nghề này, giờ chỉ sót lại dăm ba hộ. Làm vì yêu nghề và cũng để kiếm thêm chút lộc của tổ nghề thôi anh ạ”. Họa sĩ Trần Thiện Tâm, một trong những họa sĩ sơn mài có tiếng ở làng nghề này chia sẻ.

Trong cái xưởng nhỏ của hoạ sỹ Trần Thiện Tâm lúc này có 3 thợ vẽ đang cắm cúi tô vẽ, sơn phết những bình hoa trang trí. "Những bình hoa này đa số các công ty du lịch đặt, họ bán cho khách nước ngoài, tặng quà cho đối tác là chính. Người dân giờ ít chuộng hàng này", chị Võ Thị Tuyết Hồng - một họa sĩ khác cho biết thêm.

Ở cái làng nghề này, người làm nghề đòi hỏi phải có hoa tay, có cách nhìn nghệ thuật, thế nhưng theo tâm sự của chị Võ Ngọc Châu - công nhân tại làng nghề thì "Thu nhập từ nghề giờ không được bao nhiêu, thợ nào siêng lắm thì mới đủ sống. Nhiều người bỏ nghề đi làm công nhân, chạy xe ôm, chạy grap thu nhập cao hơn nhiều".

Xưa kia ở làng Tương Bình Hiệp, những người có tay nghề sơn mài rất được coi trọng, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao, nghề sơn mài ở đây là cách để nghệ nhân nối nghiệp, gìn giữ văn giá trị hoá truyền thống của cha ông.

Nghệ nhân Trần Thiện Tâm luôn gắn bó với nghề

Thời điểm vàng son, làng Tương Bình Hiệp có đến gần 90% người dân làm nghề, sống bằng nghề sơn mài. Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp bị mai một đáng báo động về quy mô, số lượng cũng như chất lượng. Cơ sở sản xuất ở làng sơn mài Tương Bình Hiệp gặp nhiều khó khăn khi thị trường thay đổi.

Ghé qua phòng trưng bày sơn mài Định Hòa - một trong những cơ sở sơn mài lớn nhất, lâu đời nhất ở làng này, chúng tôi choáng ngợp với những lộc bình có độ tuổi gần cả trăm năm, tranh sơn mài, vật dụng trang trí đủ kích cỡ... xếp hai bên lối đi. Anh Trương Hoàn Nguyên - chủ xưởng sơn mài cho biết: "Những năm gần đây đơn hàng xuất khẩu rất ít, hàng chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của các đơn vị hành chính. Quatar, một số nước Tây Á vẫn là nước chuộng hàng sơn mài nhưng họ cũng đặt hàng qua đơn vị trung gian, không làm trực tiếp với mình".

Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương cho biết, trước dịch Covid-19, tổng doanh thu trung bình hàng năm của làng nghề này trên dưới 20 tỷ đồng/năm. Thu nhập trung bình 6,5 - 7 triệu đồng/lao động/tháng. Tuy nhiên, năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh, xuất khẩu khó khăn. Hiện làng nghề có 36 hộ, cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh sơn mài, với 297 người làm nghề, trong đó có 4 người được công nhận là Nghệ nhân ưu tú.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nhưng lại đang có nguy cơ bị mai một do hiện nay đầu ra sản phẩm nghề sơn mài gặp nhiều khó khăn, lượng hàng xuất khẩu giảm mạnh, xu hướng tiêu dùng khách hàng cũng đã thay đổi.

Anh Trương Hoàn Nguyên trao đổi với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM trong showrom của mình

Bảo tồn, phát triển kết hợp du lịch

Để bảo tồn giá trị truyền thống của làng nghề sơn mài, giúp làng nghề phát triển, Bình Dương đã lập đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một, có tổng kinh phí dự tính ban đầu là 105 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách là 70 tỷ đồng, phần vốn còn lại xã hội hoá). Đề án thực hiện trên diện tích khoảng 5,4ha tại phường Tương Bình Hiệp gồm: xây dựng khu làng nghề sơn mài tập trung có đầy đủ cơ sở hạ tầng với hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ tổ, cổng chào làng nghề, đào tạo nghề, dịch vụ du lịch...

Dự án này được khởi động vào ngày 30-8-2022 với mục tiêu xây dựng tổng thể làng nghề, quy hoạch và xây dựng khu sản xuất tập trung cho các doanh nghiệp sơn mài để bảo đảm về vấn đề môi trường, xây dựng nơi trưng bày sản phẩm chung cho làng nghề. Đồng thời kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước. Một chương trình ươm mầm cho thế hệ trẻ cũng sẽ được triển khai, các nghệ nhân lão làng sẽ truyền thụ tay nghề cho lớp trẻ.

Làng nghề đang hồi phục mạnh mẽ

Nghệ nhân Lê Bá Linh cho biết, việc UBND tỉnh khởi động đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp khiến những người làm nghề hết sức phấn khởi và đầy kỳ vọng. Đây là cơ hội để làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu sẽ được gìn giữ, khôi phục và phát triển. Đồng thời giúp các nghệ nhân, người làm nghề sơn mài có điều kiện phát triển, cải thiện cuộc sống.

Nghệ nhân lão làng Trương Quang Tịnh (40 năm làm nghề) phấn khởi khi đề án này được thực hiện: "Đây là niềm mong mỏi của các nghệ nhân, người làm nghề sơn mài ở làng Tương Bình Hiệp bấy lâu nay. Nhìn những giá trị văn hoá của cha ông một thời là đỉnh cao của nghệ thuật bị mai một, xuống cấp khiến chúng tôi không khỏi xót xa, tiếc nuối. Đề án sẽ đem lại sức sống mới cho làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp". Nghệ nhân Trần Thiện Tâm cũng hồ hởi: "Tôi làm nghề này gần 15 năm nhưng chưa bao giờ thấy sơn mài gần với lằn ranh bị xoá sổ như vậy. Với đề án bảo tồn, phát triển sơn mài của thành phố, tôi hi vọng sẽ có một nơi để phát triển, thể hiện tay nghề và cải thiện cuộc sống hơn".

Về dự án này, Phó chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một Võ Chí Thành cho biết thêm: Đề án này đã khởi động trong năm 2022 nhưng do thay đổi quy mô, mở rộng nhiều hạng mục nên phải điều chỉnh lại hồ sơ và trình uỷ ban tỉnh duyệt lại. Dự kiến năm 2023 sẽ hoàn thành hồ sơ, năm 2024 sẽ khởi công xây dựng và năm 2025 sẽ hoàn thành các hạng mục chính, đưa làng nghề tập trung vào hoạt động. Khi làng nghề tập trung hoạt động sẽ kết hợp với du lịch liên kết vùng để nâng cao giá trị và bảo tồn làng. Theo đó Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ là điểm kết nổi tour du lịch thăm Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, khu du lịch Đại Nam, nhà thờ cổ, du lịch đường sông, làng tre Phú An, núi Cậu Tây Ninh....

Bình luận (0)

Lên đầu trang