Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023):

Bài 3: Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho tương lai

Thứ Bảy, 04/03/2023 17:37

|

(CATP) Trong các nghị quyết của Đảng, luôn yêu cầu Nhà nước cần đầu tư cho văn hóa (VH), yêu cầu phải được đặt ngang hàng với đầu tư cho kinh tế, chính trị, xã hội. Đầu tư cho VH không phải chỉ "tiêu tiền" mà VH còn làm ra rất nhiều tiền và trên hết góp phần lan tỏa VH Việt ra cộng đồng thế giới bằng sức mạnh mềm của chính nó. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở, căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và VH, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Tư tưởng này xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng về VH văn nghệ.

Trong các nghị quyết của Đảng, luôn yêu cầu nhà nước đầu tư cho văn hoá

Hội nghị TW9 khoá XI xác định: "VH phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội". Việc thực hiện nhất quán, đồng bộ quan điểm này là điều kiện quan trọng để xây dựng và phát triển VH, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nghị quyết TW5 khoá VIII về xây dựng và phát triển nền VH Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đã khẳng định: "Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu VH, vì xã hội công bằng, văn minh, con người phát triển toàn diện. VH là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của phát triển kinh tế. Các nhân tố VH phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương...".

VH không chỉ là nhân tố nội sinh thúc đẩy con người Việt Nam phát triển, hoàn thiện nhân cách mà còn là mục tiêu, động lực thúc đẩy việc tái cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển bền vững đất nước; trở thành nền tảng tinh thần của xã hội.

Các hoạt động VH mang tính xã hội và là phạm trù rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn học nghệ thuật, tư tưởng, đạo đức lối sống. Vì vậy, trách nhiệm đầu tư phát triển VH là trách nhiệm chung của Đảng, hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

Lễ kỷ niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về Văn hóa Việt Nam diễn ta tối 28-2-2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Tuy nhiên, đầu tư cho VH chúng ta vẫn còn hạn chế. Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: "So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực VH chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường VH lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng"; "VH chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước".

Hai năm qua, khi Đảng đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt trong đại dịch Covid-19, hàng loạt cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị, Trung ương quản lý đã vướng vào vòng lao lý, đặc biệt trong ngành y tế và ngoại giao, cho thấy sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong kinh tế, xã hội có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, việc xây dựng con người, trong đó có cán bộ, đảng viên làm theo luật pháp, trách nhiệm, đạo đức công vụ, lối sống lành mạnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ để tác động có hiệu quả để xây dựng con người và môi trường VH lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội.

Đảng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay cần tập trung nghiên cứu và triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị VH và chuẩn mực con người Việt Nam. Về hệ giá trị con người Việt Nam, cần xây dựng gồm 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình gồm 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị VH gồm 4 giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Cần đầu tư văn hoá đúng tầm

Muốn xây dựng các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị VH và chuẩn mực con người Việt Nam, phải đầu tư cho VH đúng tầm.

Tại Hội thảo VH năm 2022 với chủ đề: "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển VH" diễn ra tháng 12-2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều địa phương đầu tư cho VH còn thấp, dưới 1,6% tổng đầu tư từ ngân sách. Bộ này yêu cầu cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho VH từ ngân sách Nhà nước (khoảng 1,8% đến 2%) bằng các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiện, Nhà nước đầu tư cho VH khoảng 1,6-1,7% so với tổng đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước và tăng dần theo từng giai đoạn. Đến giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư phát triển VH từ ngân sách Nhà nước đã có sự gia tăng đáng kể.

Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trình bày "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp VH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Chiến lược này đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường VH; xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển VH; hoàn thiện các chính sách VH đối ngoại; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực VH, nghệ thuật; xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực VH. Hội thảo cũng đề cập đến thúc đẩy các ngành công nghiệp VH và thị trường phát triển VH. Điều chỉnh xây dựng "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp VH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường VH.

Chương trình nghệ thuật "Vì một Hà Nội đáng sống" với sự tham gia của dàn hợp xướng Đa Dạng, hợp xướng Hanoi Voices, cùng nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đầu tư cho văn hoá không chỉ "tiêu tiền"

Đầu tư cho VH là đầu tư cho tương lai, đầu tư cho con người, không có chuyện cứ đầu tư cho VH là chỉ "tiêu tiền". Tại các nước phát triển, thường có một nền công nghiệp VH, giải trí phát triển cao, với doanh thu rất lớn, đóng góp của VH cho nền kinh tế không hề nhỏ.

Lấy ví dụ về thị trường ngành công nghiệp VH và sáng tạo. Theo báo cáo của UNESCO, trước đại dịch Covid-19, các ngành công nghiệp này là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, được dự báo có đóng góp đáng kể cho GDP toàn cầu lên tới 10% vào năm 2030. Ngoài ra, ngành công nghiệp VH và sáng tạo giải quyết rất nhiều lao động, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sự gắn kết của các cộng đồng trong xã hội.

Tại Anh, ngành công nghiệp VH, sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng Anh, chiếm 5,9% giá trị nền kinh tế Anh - nhiều hơn tổng giá trị ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hoá, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt cộng lại. Tại Mỹ, theo thống kê của Cơ quan Phân tích Kinh tế Mỹ năm 2020, hoạt động kinh tế VH và nghệ thuật chiếm tỷ trọng 4,2% tổng sản phẩm GDP của nước này, tương đương 876,7 tỷ USD, tạo ra 4,5 triệu việc làm. Tại Hàn Quốc, năm 2022 có thể xem là một năm đại thành công của ngành công nghiệp K-Pop, đặc biệt là với sự bùng nổ của các nhóm nhạc nữ. Chỉ tính riêng các công ty SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment, Hybe, (thường được gọi là "Big 4" trong ngành giải trí Hàn Quốc) đã chiếm hơn 60% thị phần đĩa nhạc vào năm 2021. Năm 2020, tổng doanh thu của "Big 4" đạt 2.507 tỷ USD với lợi nhuận ròng gần 344,5 tỷ USD. Nhờ công nghiệp giải trí, VH Hàn Quốc đã lan tỏa trên toàn cầu.

Trong khi đó, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp VH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các ngành công nghiệp VH đóng góp doanh thu tương đương với 3,61% với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đó chỉ mới là mức phấn đấu.

Việt Nam cũng đang tìm đường đưa VH Việt tiếp cận thế giới khi V-Pop đang khởi đầu khiêm tốn, bắt đầu vươn ra thị trường Đông Nam Á, châu Á, đặc biệt sau thành công của Sơn Tùng hay Erik, Min, gần đây là Hoàng Thùy Linh với "See tình"...

Xã hội hóa đầu tư ngành công nghệp giải trí cũng là vấn đề cần quan tâm để không chỉ có doanh thu lớn mà còn góp phần lan tỏa VH Việt, nghệ thuật Việt. Bộ phim "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành là môt ví dụ cụ thể về hiệu quả của công tác xã hội hóa trên lĩnh vực điện ảnh. Với doanh thu hơn 500 tỷ đồng (chưa tính sẽ chiếu ở nhiều nước khác), phim cho thấy sức mạnh của công tác xã hội hóa ngành giải trí ở nước ta có tiềm năng lớn, đang cần những đòn bẩy về nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ... để phát triển.

Đó là chỉ lấy ví dụ về một mảng của ngành công nghiệp VH, sáng tạo. Còn nhiều lĩnh vực khác như bảo tàng, di sản VH..., tất cả đều có thể làm ra tiền. Có thể nói, đầu tư cho VH cũng là bắt "con gà đẻ trứng vàng". Làm ra tiền của ngành công nghiệp VH không chỉ là đóng góp cho ngân sách mà quan trọng nhất là lan tỏa VH Việt, giá trị Việt ra toàn cầu, có thêm nguồn lực để đầu tư cho ngành văn hóa giải trí.

Với hàng nghìn năm hình thành và phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia văn hiến, có truyền thống VH lâu đời. Chính VH đã góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Vì vậy, phát huy sức mạnh mềm VH Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, để VH thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thành động lực, sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Do vậy, đầu tư cho VH cần những thể chế, chính sách mới mẻ, định hướng thực tế, để kiến tạo cho mục tiêu chấn hưng và phát triển VH, phát huy, khai thác các nguồn lực. Từ đó góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện (nhất là thế hệ trẻ); chính sách xây dựng môi trường VH lành mạnh, xây dựng đời sống VH của người dân ngày càng được nâng cao.

(Còn tiếp...)

Bài 2: Văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển, là nguồn lực nội sinh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang